Hoa hậu Thu Thủy:

“Một gia đình không bắt buộc phải có cả vợ cả chồng”

“Đối với tôi, quan niệm về một gia đình không có nghĩa bắt buộc phải có cả vợ cả chồng. Không phải gia đình nào có đầy đủ bố mẹ thì được coi là gia đình hạnh phúc. Tôi đang có một gia đình rất hạnh phúc theo quan điểm của tôi”, Hoa hậu Thu Thủy chia sẻ.

Ai cũng hiểu gia đình quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của trẻ, có khi nào chị chạnh lòng vì không giữ gia đình được cho con? Bên bờ vực của sự đổ vỡ, có khi nào chị từng nghĩ sẽ chấp nhận chung sống chỉ bởi vì để con có một gia đình và điều gì khiến chị quyết định ly hôn mặc dù biết chắc điều đó sẽ không tốt cho con mình?

 

Tôi rất hiểu và đồng tình với quan điểm rằng gia đình là quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tôi biết có nhiều người vì chứng kiến sự đổ vỡ của bố mẹ khi lớn lên đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm sống của họ. Tôi cũng đã từng suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định chia tay và nuôi con một mình. Tôi cũng đã lường trước và chuẩn bị tất cả những khả năng có thể xảy ra. Quyết định của tôi không phải là sốc nổi hay do một nguyên nhân bên ngoài tác động vào.

 

Tôi tin rằng mình không phải là người ích kỷ và vô trách nhiệm, tôi luôn là người dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm và quyết định mình đưa ra. Chính niềm tin đó cộng với tình yêu thương con vô bờ bến đã làm sức mạnh giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Hằng đêm sau khi làm việc muộn, đến bên giường nhìn các con đã ngủ say, tôi mới tin và hết hoài nghi rằng mình đã và đang làm đúng.
 
“Một gia đình không bắt buộc phải có cả vợ cả chồng” - 1

 

Người ta vẫn nghĩ người phụ nữ thường thể hiện vai trò với con trong chuyện chăm sóc hàng ngày, người đàn ông là người định hướng, xây dựng, ý chí cho con (nhất là con trai). Thế nhưng chị lại có suy nghĩ khác - người mẹ định hướng nhân sinh quan cho con. Từ thực tế nào chị có suy nghĩ như vậy? Và là một phụ nữ nuôi con đơn thân, có khi nào chị cảm thấy chới với trong việc định hướng cho con?

 

Mục đích duy nhất mà con người đeo duổi trong suốt cuộc đời đó là hạnh phúc. Theo tôi để trở thành một người hạnh phúc trong bất cứ xã hội nào cần phải có các phẩm chất sau, thứ nhất là lòng nhân hậu, thứ hai là bản lĩnh vượt qua khó khăn và khả năng thích nghi cuộc sống rồi sau đó mới đến các đức tính khác như ý chí, nghị lực, ham học hỏi, dũng cảm...

 

Tôi không cho rằng chỉ có người mẹ hay người cha mới có thể định hướng được cho con cái. Quan trọng ai là người định hướng đến chúng nhiều hơn và ở lĩnh vực nào. Con trai tôi rất nể và sợ mẹ vì tôi rất nghiêm khắc, nhưng không vì thế mà cháu bớt yêu tôi hơn. Ngược lại, bố cháu rất chiều chuộng, nhưng không vì thế mà cháu coi thường bố.

 

Cháu rất nể phục và mong muốn sau này sẽ trở thành người thành đạt như bố. Đối với chúng tôi, việc không sống chung không có nghĩa là không cùng nhau giáo dục con cái. Chúng tôi có một số nguyên tắc nhất định trong cư xử dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, điều tối kỵ nhất là nói xấu hoặc hạ thấp hình ảnh của người khác trước mặt con trẻ.

 

Chính vì vậy về mặt này tôi không hề cảm thấy đơn độc hay chới với. Một điều nữa cũng làm tôi tin tưởng, nếu mình sống tốt, làm những điều tốt cho con cái, cho gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh, không thể nào con mình có thể lệch lạc hoặc trở thành người xấu được.
 

Một phụ nữ đơn thân, áp lực kiếm tiền, dạy dỗ, chăm sóc con cái là rất lớn, chị đã vượt qua những áp lực đó như thế nào?

 

Điều khó nhất là phải biết chấp nhận là những áp lực đó tồn tại hàng ngày và sẽ không bao giờ hết được. Làm sao để không chùn bước trước khó khăn, biết đứng lên sau thất bại, không mệt mỏi, yếm thế, không đánh mất mình, biết nhận ra đâu là chân giá trị để theo đuổi, biết tận hưởng những thành quả đạt được dù là nhỏ bé nhất, vẫn biết yêu thương mọi người dù có bất cứ điều gì xảy ra và nâng niu trân trọng từng giây phút của cuộc sống.

 

Chị có thể giới thiệu một chút về gia đình nhỏ của mình hiện nay?

 

Tôi có một bé trai 7 tuổi và một bé gái hơn 1 tuổi. Con trai tôi rất giống mẹ, kháu khỉnh, đẹp trai, thông minh và nhạy cảm. Bé gái tuy mới hơn một tuổi nhưng tính cách đã hình thành rõ rệt, bé biết đi từ lúc 9 tháng, bắt đầu bập bẹ gọi mẹ từ 8 tháng, bây giờ đã có thể nói được một số câu ngắn, biết gọi tên các con vật, đặc biệt là rất thích hát và nhún nhảy theo các bài hát.

 

Chạm tới sự đổ vỡ trong hôn nhân, chị suy nghĩ như thế nào về hạnh phúc gia đình? Có phải để có một gia đình hạnh phúc, theo chị, là quá khó hay không?

 

Đối với tôi, quan niệm vê một gia đình không có nghĩa là bắt buộc phải có cả vợ cả chồng. Và không phải cứ gia đình nào có đầy đủ bố mẹ thì được coi là gia đình hạnh phúc. Tôi đang có một gia đình rất hạnh phúc theo quan điểm của tôi.
 
“Một gia đình không bắt buộc phải có cả vợ cả chồng” - 2

 

Gặp những đổ vỡ trong hôn nhân có khiến chị thất vọng về người khác phải? Chị có cho rằng, sự đổ vỡ đó đôi khi là bởi yêu cầu của chị quá cao?

 

Quả thực là sau những lần đổ vỡ, không ai không tránh khỏi thất vọng. Tôi không thất vọng vì mình kỳ vọng quá nhiều ở người đàn ông mà tôi thất vọng vì dường như khó tìm được người thực sự có thể cùng mình chia sẻ.

 

Có một lần tôi tâm sự với một người bạn "chẳng ai thực sự hiểu em cả" người bạn đó nói thế này: "Người ta không hiểu em là vì em không cho người ta cơ hội để hiểu". Chắc có lẽ thế thật. Nhiều người nói tôi khó hiểu. Tôi không thể làm cho mình dễ hiểu hơn, chỉ biết tự bảo lòng: hãy sống thật chân thành và yêu thương mọi người.

 

Phụ nữ bươn chải, theo chị được gì và mất gì?

 

Tôi thấy mình được nhiều hơn mất vì cuộc sống đối với tôi là sự chuyển động không ngừng. Tôi không thích sự an vị và nhàn rỗi. Cuộc sống quá ngắn để có thể làm được nhiều điều thú vị. Đến bây giờ tôi chưa thấy mình mất gì cả.

 

Tiền bạc đối với chị có ý nghĩa như thế nào?

 

Tiền bạc là vật ngoại thân, tôi coi trọng đồng tiền nhưng không đặt đồng tiền cao hơn tình yêu, tình bạn, lòng tự trọng và phẩm giá. Có tiền, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, có thể dễ dàng có được một số thứ. Nhưng tôi nghiệm ra, ông trời không cho không ai cái gì, khi mình có thứ này thì mình sẽ mất đi một thứ khác, khi mình có nhiều tiền mình sẽ tiêu nhiều hơn.

 

Vì vậy đối với tiền bạc, vật chất khi mình coi thì đủ thì tức là đủ, còn không sẽ không bao giờ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn kiếm tiền-tiêu tiền và biến mình trở thành nạn nhân cho chính lòng ham muốn của mình.
 
“Một gia đình không bắt buộc phải có cả vợ cả chồng” - 3

 

Xin hỏi chị có cảm thấy hạnh phúc, trong thời gian này?

 

Nhiều người hỏi tôi câu hỏi này, cũng nhiều người xót xa khi biết hoàn cảnh của tôi và chặc lưỡi: "Đúng là hồng nhan bạc mệnh" Vì thế khi nói là tôi đang rất hạnh phúc chắc sẽ phải đi kèm với sự lý giải vì sao và điều gì làm cho tôi hạnh phúc. Trước hết tôi hạnh phúc vì tôi đang sống và làm việc không ngừng vì những mục đích ý nghĩa, đó là con cái là gia đình, là bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên và những người yêu quí và tôn trọng mình. Đó là những ước mơ, khát vọng mà mình đang theo đuổi.

 

Tiếp theo, tôi hạnh phúc vì tôi biết rằng đến một lúc nào đó khi mình không còn tồn tại nữa, mình sẽ không tiếc nuối vì những gì đã qua và sẽ tiếp những người khác sẽ bước tiếp con đường mà mình đang đi, đeo đuổi những ước mơ, giá trị mà mình đang đeo đuổi. Và đơn giản nhất, tôi hạnh phúc vì tôi không vô cảm và hờ hững với mỗi giây phút trôi qua, dám sống hết mình và say mê tận hưởng cuộc sống đẹp đẽ và đáng quí.
 
“Một gia đình không bắt buộc phải có cả vợ cả chồng” - 4

 

Theo Lối sống gia đình