Mộng Vân: Ký ức sâu đậm từ “Tình khúc 68”

Khi Mộng Vân đang học năm thứ nhất được vài tháng, có bác Phan Vũ (hồi đó làm biên tập), thấy hình Vân trên lịch, đã đến trường mời Vân đi thử vai cho phim Tình khúc 68. Bất ngờ, vừa mừng vừa lo, Vân thấp thỏm tìm đến Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu...

Quán hủ tiếu Triều Châu nằm trong con hẻm Trung Dũng (số18A/8/8) đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận Một, Vân đến thăm người chú thân thiết - đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Còn tôi, quả thực không quá lời khi nói rằng mình may mắn có cơ hội khi được gặp hai nghệ sĩ từng có quãng thời gian giành trọn niềm đam mê và cống hiến hết mình cho nền điện ảnh nước nhà…

 

Thế giới của người nghệ sĩ

 

Vân đẹp. Vẻ đẹp kiêu sa đài các nhưng vẫn mang nét thuần khiết của người phụ nữ Á Đông. Giọng Huế nghe thật ngọt ngào khi chị cất tiếng hỏi thăm đạo diễn Lê Mộng Hoàng.

 

Chưa hết xúc động, người đạo diễn già hóm hỉnh nhận xét Vân, vẫn dưới góc nhìn của người làm nghề chuyên nghiệp: “Răng mà Vân vẫn rứa, nhưng Đài Trang bây chừ thiệt quý phái, hút hồn… Chắc chắn sẽ không phải nhờ tới phản quang can thiệp”.

 

Và ông cười... Ký ức phim trường phút chốc bỗng dưng ùa về giữa họ. Hai chú cháu đối đáp, nhắc lại những tên phim, các phân đoạn, bối cảnh. Xen kẽ những câu chuyện kể, Mộng Vân dường như không quên tri ân công lao của người đã trao cho mình vai diễn đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật.

 

Sinh ra trong gia đình có bên ngoại là dòng họ Hoàng tộc Công Tằng Tôn Nữ, mẹ Vân vừa có giọng hát hay lại biết chơi đàn Piano. Nhưng ông bà ngoại của cô lại quá khắt khe với nghệ thuật. Được thừa hưởng gien của mẹ, lại biết mình có chút thuận lợi về ngoại hình nên từ nhỏ Vân đã mơ ước sau này trở thành ca sĩ hoặc “minh tinh màn bạc”.

 

Năm 15 tuổi được mẹ hướng cho đi học luyện thanh với NSƯT Thanh Trì, sau đó, Vân đã gặp và được nhạc sĩ Nguyễn Thế Hiển (đoàn ca múa Bông Sen) mời hát bài mới sáng tác Chuyện đời xưa, chuyện ngày nay để phát sóng trên Đài truyền hình TPHCM.

 

Bài hát được các bạn trẻ và khán giả thời ấy rất yêu thích… Từ đây cuộc đời cô nữ sinh cấp 3 trường Marie-Curie đã thay đổi trên từng trang bìa lịch. Sau khi tốt nghiệp, chính mẹ lại là người hướng Vân thi vào trường Điện ảnh TPHCM nay là trường Cao đẳng SK-ĐA.

  

Và không ngoài dự đoán, Vân đã đậu với điểm số khá cao vào khoa diễn viên đầu tiên cùng với các bạn Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Ngọc Hiệp…

 

Khi Vân đang học năm thứ nhất được vài tháng, có bác Phan Vũ (hồi đó làm biên tập), thấy hình Vân trên lịch, đã đến trường mời Vân đi thử vai cho phim Tình khúc 68. Bất ngờ, vừa mừng vừa lo, Vân thấp thỏm tìm đến Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.

 

Tuy từng đứng trước ống kính để chụp hình lịch nhưng Vân vẫn e dè, ngượng ngùng trước êkíp gồm đạo diễn Lê Mộng Hoàng, biên kịch Hoàng Hà và biên tập Phan Vũ. Ban đầu, do chưa hiểu hết nhân vật, nên Vân diễn chưa được, cứ chỉ đứng lặng rồi cười trừ, khiến bác Vũ phải giải thích, gieo cảm xúc và bắt tập nhiều lần.

 

Song có một khoảnh khắc thật lạ đã đến… Vân như đọc được ánh mắt chia sẻ, động viên của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và Vân trào nước mắt, rồi lại tự biết cách tiết chế kìm nén nỗi đau. Mọi người cùng nhau thở phào nhẹ nhõm…

 

Mộng Vân: Ký ức sâu đậm từ “Tình khúc 68” - 1
 Mộng Vân (phải) cùng nam diễn viên Công Hậu trong cảnh phim Lửa cháy thành Đại La

 

Mộng Vân và Đài Trang trong phim là hai con người hoàn toàn khác nhau. Ngoài đời Vân vừa tròn 20 tuổi, rất vô tư, tự tin trước ngoại hình của mình. Còn Đài Trang là một cô văn công có số phận đầy biến động trước cuộc tổng tiến công Mậu thân 68.

 

Có nhiều chiến sĩ hy sinh hay bị địch bắt và Đài Trang cũng như vậy. Cô rơi vào tay giặc, nhưng may mắn được một sĩ quan Tổng nha cảnh sát ngụy (sau này mới biết là người của mình cài vào), đã tìm cách che chở, đưa cô về lại chiến khu... Vân đã nghiên cứu kỹ kịch bản cộng với sự hướng dẫn chân tình của đạo diễn và biên tập nên ngày càng tự tin trong diễn xuất.

 

Sau phim Tình khúc 68, Vân liên tục tham gia gần 20 phim mà thời ấy được gọi là dòng phim “mì ăn liền”, tiêu biểu như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Tráng sĩ Bồ Đề, Cuộc tình hai mặt, Lửa cháy thành Đại La, Cái chết nhà tỷ phú, Tây Sơn hiệp khách, Đằng sau một số phận, Bông hồng đẫm lệ, Nước mắt học trò…

 

Bộ phim Sóng tình (hoàn thành sau khi Vân vừa sanh bé đầu lòng Định Bang được một tháng tuổi) là phim cuối cùng trong cuộc đời làm nghệ thuật của Vân, tính đến thời điểm này. Vân còn nhớ như in cảm xúc đầu tiên khi nhận 100.000 đồng tiền cát sê của phim Tình khúc 68 và loạt phim thương mại càng về sau càng tăng vọt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng một phim.

 

Đặc biệt những phim cổ trang, hành động như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tây Sơn hiệp khách luôn hút khán giả tới rạp, bởi mang hơi hướng phim Hong Kong đang ăn khách như dòng phim Hàn Quốc hiện giờ.

 

Mộng Vân: Ký ức sâu đậm từ “Tình khúc 68” - 2
 Chụp ảnh cùng bạn diễn - ngôi sao vang bóng một thời - nữ diễn viên Diễm Hương

 

Vốn luôn thích được chưng diện, nên khi đóng chung với Tuyết Ngân (vai chính) trong phim Lửa cháy thành Đại La, Vân đã sanh tật “cà nanh” hay hờn giận (thực tức cười) vì không được mặc áo đẹp giống của Tuyết Ngân. Đó là một trong nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong nghề.

  

Phần lớn các vai diễn của Vân là những người phụ nữ có cá tính mạnh, có số phận, thường bị ruồng bỏ trong tình yêu hay yêu đơn phương, đối lập với các vai nữ chính do Diễm Hương đảm nhận. Song Vân luôn xác định đã nhận tham gia (dù vai phụ nhỏ nhất), trước hết phải yêu nhân vật và sau đó là sống thật và có trách nhiệm với nhân vật; cố gắng không làm ảnh hưởng tới nội dung, bạn diễn, tiến độ và êkíp của đoàn phim.

 

Hơn 10 năm rời xa trường qua nhưng ký ức làm nghề vẫn còn nóng bỏng trong chị. Điều tôi rất trân trọng ở Vân ngoài lòng yêu nghề, chị còn là người biết tri ân với những món quà mà cuộc đời đem đến cho mình.

 

Nghe tâm tư, ngắm dung nhan của cô diễn viên luôn đẹp lộng lẫy từ trước tới giờ, đạo diễn Lê Mộng Hoàng tâm sự: Ngay từ ngày đầu tiên gặp Vân đến thử vai, linh cảm nghề nghiệp đã mách tôi: “Chu cha Đài Trang đây rồi…”.

 

Khi đã làm việc chung với Vân qua 4 phim Tình khúc 68, Thăng Long đệ nhất kiếm, Cuộc tình hai mặt Dã quỳ , tôi thấy ở Vân luôn có những đức tính: chịu khó học hỏi, nghiêm túc, yêu nghề, đặc biệt là khả năng cảm nhận nghệ thuật nhanh, thông minh với lối diễn xuất hồn nhiên, chân thực.

 

Và tất nhiên cũng như những diễn viên không chuyên lần đầu tiên đứng trước ống kính, Vân cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ, va vấp. Rồi ông hóm hỉnh cười bảo: Giá bây chừ cho tuổi tác của tui được “tua” lại, tui sẽ đo ni cho Vân vào vai nữ doanh nhân năng động, hiện đại, quý phái, từng trải (nhưng vẫn không thể thiếu đi chất Huế, chất thơ).

 

Mộng Vân: Ký ức sâu đậm từ “Tình khúc 68” - 3
 Hạnh phúc bên ông xã

 

Một người mẹ tuyệt vời

 

Tôi đã cố gắng thuyết phục Vân đồng ý cho đi theo về tới tận nhà trên đường Lê văn Sĩ, quận 3 để mượn thêm một số hình ảnh tư liệu minh họa cho bài viết. Thật dễ chịu và xúc động khi cả 3 con của Vân: Định Bang (học lớp 9), Dy Khiết (học lớp 7 )và Ý Thiên (học lớp 6) đang ngồi ăn cơm, cùng đồng loạt đứng lên lễ phép vòng tay: “Con chào cô”, “Con chào mạ”.

 

Rồi tôi còn ngạc nhiên hơn khi tận mắt chứng kiến tủ lưu giữ tư liệu khá ngăn nắp và khoa học của Vân. Trong đó có từng tập hồ sơ được đánh dấu thứ tự hình ảnh, bài viết về các phim mà Vân tham gia.

 

Thậm chí, cô còn giữ nguyên bản hợp đồng (giấy nâu đậm) với Liên hiệp các xí nghiệp Điện ảnh và Băng từ khi thực hiện bộ phim Tiếng hát thiên thần (tên đầu tiên của Tình khúc 68) vào ngày 24/4/1988, với 100 ngàn đồng cát sê được thanh toán làm 3 đợt.

 

Hay những tờ giấy xin nghỉ học để được đi đóng phim. Tất cả được cất giữ trong căn nhà xinh xắn, bài trí ngăn nắp thể hiện tính nề nếp, gọn gàng.

 

Câu chuyện với Vân bây giờ là về 3 đứa con thân yêu. Một bà mẹ gần 40 tuổi (Vân sinh ngày 29/10/1969, tuổi con Gà), dường như chỉ biết dành trọn tình thương yêu cho các con. Vân luôn muốn tự tay chăm sóc và chia sẻ tất cả buồn vui với các bé mỗi khi ở trường về, cũng như mọi sinh hoạt trong gia đình.

 

Mộng Vân: Ký ức sâu đậm từ “Tình khúc 68” - 4
 Mộng Vân và các con

 

Vân nâng niu từng trang ký ức, thuộc lòng sở thích của các con và từng ngày kỳ vọng vào sự trưởng thành của bọn trẻ. Nửa chừng câu chuyện, Vân xin phép được dừng chút xíu để vào phòng ngủ kiểm tra các con đã tấn mùng kỹ chưa, hoặc cẩn thận sửa lại tấm đắp, tư thế nằm cho bọn trẻ…

 

Tất cả điều này như đã lý giải một điều: Không phải ai cũng chấp nhận khép lại tương lai đang rộng mở trên con đường nghệ thuật, để vun vén vẹn toàn cho gia đình, như Vân. Cũng không có ai chắc chắn rằng cuộc đời mình sẽ ngập tràn hạnh phúc hay phủ đầy buồn đau.

 

Nhưng những người mẹ yêu con vô bờ như Vân luôn biết tình thương ấy không bao vơi cạn. Tôi cũng là một người mẹ, tôi hiểu và cảm nhận rõ điều đó ở Vân trong lời tâm sự cùng chị kéo dài tới tận 2h sáng.

 

Được đi chơi, trò chuyện hàng ngày cùng hai hoàng tử và cô công chúa nhỏ của mình là niềm vui lớn nhất đối với Vân lúc này. Nhưng chắc chắn sẽ có ngày Vân trở lại trường quay. Đó là thời điểm mà như chị nói thì: Chờ các cháu trưởng thành.

 

Với nghệ thuật thứ 7, Vân đã có một khoảng thời gian tuyệt vời, hơn thế chị lại là một người yêu nghề cháy bỏng, tương lai rồi cũng sẽ tuyệt vời như quá khứ. Tại sao không?

 

Theo Hồng Liên

Thế Giới Điện Ảnh