Hơn 100 tỷ đồng cho 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”

(Dân trí) - Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long của đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu đang bước vào những khâu hậu kỳ. Bộ phim “chơi sang” khi thuê trường quay Hoành Điếm sản xuất, số tiền tiêu tốn cho 19 tập phim lên đến hơn 100 tỷ.

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được chú ý ngay từ khi bấm máy bởi những thông tin “đặc biệt” của dự án phim. Lần đầu tiên, một dự án phim Việt Nam thuê ê-kíp Trung Quốc sản xuất từ đạo diễn, hóa trang, phục trang đến trường quay... Đạo diễn Cận Đức Mậu- đạo diễn của phim truyền hình Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên được “chọn mặt gửi vàng”. Kịch bản phim của ông Trịnh Văn Sơn- Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Trường Thành được nhà biên kịch nổi tiếng của Trung Quốc là Kha Chung Hòa đảm trách. Kha Chung Hòa từng là biên kịch cho những bộ phim Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính... Thuê Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ trang, cộng thêm tiền thuê trường quay Hoành Điếm, tiền thuê hàng trăm diễn viên quần chúng, ngay từ khi khởi quay, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã là một dấu hỏi lớn về kinh phí sản xuất.


Hơn 100 tỷ đồng cho 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”    - 1

Một cảnh quay đại cảnh trong phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành
Thăng Long
tại trường quay Hoành Điếm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Văn Sơn- Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Trường Thành xác nhận “Hiện nay, phim chưa hoàn tất, nên chúng tôi chưa có con số cụ thể. Nhưng tổng chi phí đã lên tới hơn 100 tỷ. Để có một bộ phim thực sự chất lượng, không thể tiếc tiền”. Trước câu hỏi “Mỗi đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp đều được tính bằng lợi nhuận. Ông bỏ ra hơn 100 tỷ cho phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, chắc hẳn không chỉ để chia tiền quảng cáo với nhà đài?”, ông Sơn cho biết “Chắc chắn. Chúng tôi muốn quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam. Khi thế giới biết đến Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều có lợi, trong đó có chúng tôi. Người Hàn Quốc từng thúc đẩy kinh tế bằng điện ảnh, tại sao chúng ta lại không? Chúng tôi sẽ bán bản quyền 19 tập phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho các nước bạn sau khi phim phát sóng tại Việt Nam”. Được biết, 19 tập phim lịch sử trị giá hơn 100 tỷ này cũng sẽ được sản xuất băng, đĩa để phát hành rộng rãi.

 

Tháng 10/2010, tháng trọng điểm của đại lễ 1000 năm Thăng Long, 19 tập phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ lên sóng giờ vàng. Như vậy, 2 bộ phim lịch sử, Huyền sử thiên đô (Hãng phim truyện I) và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ “trấn giữ” giờ vàng tại hai kênh VTV1 và VTV3 tháng 10 tới.


Hơn 100 tỷ đồng cho 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”    - 2
Đoàn diễn viên Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng đạo diễn Cận Đức Mậu (giữa)

 Không ít ý kiến e ngại, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ bị Trung Quốc hóa. Bộ phim cổ trang lịch sử của Việt Nam làm về vị vua đã có công dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long có thể sẽ bị lẫn vào những bộ phim lịch sử khác của Trung Hoa. Trả lời cho những nghi ngại này, Tiến sỹ- Họa sỹ Đoàn Thị Tình, người chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho biết “Chúng tôi đã có cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa Việt Nam thời kỳ lịch sử kéo dài từ triều Đinh- Tiền Lê sang đến triều Lý. Chúng tôi phải đọc rất nhiều, tìm hiểu từng chi tiết nhỏ trên long bào của vua Lý Công Uẩn. Trên long bào vua Lý Thái Tổ có hoa sen, chúng tôi phải xem kỹ họa tiết hoa sen được thiết kế như thế nào... Đây là bộ phim lịch sử của Việt Nam, tự thân mỗi người trong đoàn làm phim đều hết sức cố gắng để bộ phim Việt hóa nhất, đậm chất văn hóa dân tộc nhất. Nếu xem phim, khán giả thấy phảng phất những nét Trung Hoa trong đó, cũng phải nói luôn rằng, chúng ta với hơn 1000 năm Bắc thuộc, những ảnh hưởng văn hóa là không thể tránh khỏi”.


Hơn 100 tỷ đồng cho 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”    - 3
Tạo hình nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn

Làm một phép tính đơn giản, với hơn 100 tỷ cho 19 tập phim, nghĩa là mỗi tập phim (với độ dài 45 phút phát sóng) tiêu tốn khoảng... 5 tỷ. Mỗi phút phát sóng tương đương khoảng hơn 100 triệu. Những con số khiến tất cả những nhà làm phim Việt Nam... chóng mặt. Liệu có thể hy vọng vào một bộ phim truyền hình chất lượng dựa trên những con số chóng mặt?            

 

Diễn viên - NSƯT Trung Hiếu đảm nhận vai vua Đinh Tiên Hoàng trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long chia sẻ “Phải nhìn một cách thật thẳng thắn rằng, điện ảnh Việt Nam quá lạc hậu so với thế giới. Ai đó có nói, điện ảnh là cuộc chơi của con nhà giàu. Để cải tổ điện ảnh, đó là một quá trình dài nan giải. Nếu cứ ngồi chờ đợi, đến bao giờ chúng ta mới có một sản phẩm điện ảnh chất lượng?


Việc chúng ta thiếu trường quay, thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu đủ mọi mặt, phải đi thuê Trung Quốc làm giúp, tôi thấy chuyện đó không có gì đáng phải bàn cãi nhiều. Cá nhân tôi khi được mời tham gia cũng có những băn khoăn. Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc có lòng tự tôn rất lớn. Mỗi cá nhân chúng ta, trong huyết quản của mình, đều có sự tự tôn dân tộc. Chúng tôi đã ngồi nói chuyện rất lâu trước dự án phim này, và cuối cùng đi đến quyết định, để có một bộ phim lịch sử chất lượng, hoàng tráng, chúng ta phải thuê con người, phương tiện của Trung Quốc. Ở châu Á, Trung Quốc đứng số 1 về phim cổ trang.

Khi sang đến Hoành Điếm, trường quay của họ lớn hơn cả sức tưởng tượng của tôi nhiều lần. Họ xây cả một thành phố lớn trong trường quay. Hay chuyện đơn giản như chuyện cưỡi ngựa. Nếu là ngựa ở Việt Nam, diễn viên ngồi lên lưng ngựa, chân chạm đất, nhìn rất buồn cười. Ngựa của họ cao đến 1,7m. Ngồi trên lưng ngựa mà như ngồi trên... tầng 2. Hình ảnh vị anh hùng cưỡi ngựa đã rất khác.


Hơn 100 tỷ đồng cho 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”    - 4
NSƯT Trung Hiếu (giữa) trong một cảnh quay

Tất cả các diễn viên Việt Nam sang đều vào vai vua, chúa. Diễn viên Trung Quốc đóng vai hầu. Có những cảnh quay đại cảnh, cả trận chiến hừng hực khí thế dân tộc. Giữa không khí ấy, diễn viên chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi nhớ cảnh diễn, khi vua Đinh vừa mới ốm dậy, tụ tập quần thần cúng lễ rằm tháng 7, ngày lễ xá tội vong nhân. Đứng giữa quang cảnh nghiêm trang, vua Đinh đọc lời cảm tạ những cận thần đã đổ xương máu cho ngày đất nước được thái bình, tôi vô cùng xúc động. Tôi đọc như sắp khóc. Lúc ấy, cả trường quay, cả đạo diễn, cả những diễn viên quần chúng người Trung Hoa đều lặng đi. Đóng phim lịch sử nước mình trên trường quay nước bạn cũng giống như được giới thiệu lịch sử của nước mình với nước bạn, diễn viên chúng tôi cảm thấy rất tự hào”.


 

                                            Hiền Hương