Hoa hậu Diệu Hoa vượt qua tất cả vì tình yêu

Sau 2 năm làm việc tại Thái Lan, mới đây, Diệu Hoa đã cùng đức lang quân người Ấn quay trở lại Việt Nam. Vừa lúc, chị nhận được tin vui: Đoạt kỷ lục Hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ nhất trong các cuộc thi hoa hậu Việt Nam.

Kỷ lục mà chị đoạt được chứng tỏ chị là một trong số ít các Hoa hậu không chỉ có nhan sắc. Bản thân chị nghĩ sao về danh hiệu này?

 

Ngay từ bé, tôi đã rất mê ngoại ngữ. Suốt những năm phổ thông và đại học tôi học tiếng Nga, sau đó học tiếp đại học tiếng Anh. Do bố làm tham tán ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nên tôi cũng có điều kiện giao tiếp, học hỏi tiếng Pháp. Sau này lấy chồng người Ấn, lẽ dĩ nhiên tôi phải biết tiếng Ấn đủ để hòa nhập với gia đình chồng. Và hai năm sinh sống, làm việc tại Thái Lan cũng giúp cho tôi có được số vốn tiếng Thái kha khá.

 

Tôi rất vui khi nhận được thông báo của Ban tổ chức và coi đó là một kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, đây không phải là điều gì quá lớn lao. Ai cũng có thể làm được nếu có đam mê.

 

Không riêng gì cuộc thi Hoa hậu mà trong tất cả các cuộc thi sắc đẹp khác, vòng thi ứng xử thường xảy ra nhiều chuyện khôi hài. Từng là Hoa hậu, chị có nhận xét gì?

 

Vòng thi ứng xử luôn là vấn đề đau đầu của ban tổ chức. Nó cũng trở thành định kiến của nhiều người đến nỗi cứ nhắc đến cuộc thi Hoa hậu là người ta nhắc đến vòng thi ứng xử và chê dở. Tuy nhiên, cần phải thông cảm với các thí sinh. Thứ nhất họ quá trẻ. Thứ hai họ bị căng thẳng tâm lý khi đứng trên sân khấu nên trả lời mất bình tĩnh.

 

Qua cuộc thi Hoa hậu Áo dài vừa rồi, tôi cũng không đồng tình với cách giải quyết của ban tổ chức là đưa câu hỏi và đáp án trước cho các thí sinh. Chính điều đó làm cho các thí sinh căng thẳng hơn, chỉ lo học thuộc lòng chứ không sáng tạo, dẫn đến tình huống "râu ông nọ cắm cằm bà kia" thật đáng tiếc.

 

Tôi chỉ có một lưu ý nhỏ rằng, câu hỏi thực sự không quá khó. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến hình thức, các thí sinh nên chịu khó trau dồi kiến thức, tiếp nhận thông tin qua Internet. Nếu có kiến thức vững vàng, bạn sẽ tự tin khi đối diện với bất kỳ câu hỏi nào.

 

Danh hiệu Hoa hậu giúp ích cho chị thế nào trong công việc sau này?

 

Danh hiệu cao quý này đem lại cho tôi nhiều thuận lợi trong công việc, sự nghiệp. Vì tôi đi đâu mọi người cũng nhận ra, quý mến và hết lòng ủng hộ.

 

Tuy nhiên, dù thuận lợi đến đâu đi chăng nữa thì điều quan trọng vẫn là thực lực. Chẳng hạn, một công ty nào đó nhận hồ sơ của bạn, biết bạn là Hoa hậu, họ sẽ có cảm tình. Nhưng khi phỏng vấn, bạn không chứng tỏ được là người có kiến thức, chẳng ai dám nhận bạn làm việc.

 

Hơn nữa, đạt danh hiệu Hoa hậu đã khó, giữ được càng khó hơn. Vì xung quanh Hoa hậu có rất nhiều cạm bẫy, phải hết sức cẩn thận trong các mối quan hệ giao tiếp và không ngừng trau dồi kiến thức để làm chủ mình.

 

Chị đã gặp phải "cạm bẫy" nào từ khi đăng quang Hoa hậu?

 

Tôi trở thành Hoa hậu khi đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Ngoại ngữ. Lúc đó, tôi nhận được khá nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty: Làm người mẫu quảng cáo độc quyền, hoặc thư ký, trợ lý giám đốc... với mức lương khá hậu hĩnh.

 

Nhưng tôi xác định công việc chính của mình vẫn là học tập, tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí ngay cả khi ra trường, đi làm cho một công ty nước ngoài, tôi vẫn không cho họ biết mình là Hoa hậu.

 

Một điều đáng buồn hiện nay là không ít người đẹp sa vào cạm bẫy tiền tài, danh vọng. Dựa vào hình thức nổi trội, họ kiếm tiền rất nhanh, rất nhiều mà quên đi một điều bền vững: Phải đi lên bằng chính thực lực của mình.

 

Vậy trong quan niệm của chị, làm Hoa hậu sướng hay khổ?

 

Nói khổ không phải, mà sướng thì cũng không. Nhưng chắc chắn khi bạn trở thành Hoa hậu, bạn không thể nào thoải mái như những người bình thường khác. Bất cứ lỗi gì dù là nhỏ thôi, cũng có thể bị bắt bẻ, chú ý. Càng có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều, càng phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Tôi nhớ một lần sang Seoul (Hàn Quốc), tôi đã rất bất ngờ khi nhận được thông báo ít phút nữa sẽ có cuộc phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh trên đài truyền hình SBS.

 

Đó là lần đầu tiên "đem chuông đi đánh xứ người", tôi gặp phải những câu hỏi rất thẳng, nhạy cảm về chính trị: "Cô thích người Bắc Triều Tiên hay Nam Triều Tiên?", "Cô ủng hộ chế độ nào - tư bản hay cộng sản?", "Cô có căm ghét người Mỹ không?". Dù trả lời rất tự tin nhưng sau lần đó tôi tự nhủ phải đọc và học hỏi nhiều hơn nữa để luôn chủ động, vững vàng trước mọi tình huống.

 

Cũng nhờ chiếc vương miện Hoa hậu, chị đã tìm thấy "một nửa" của mình. Đặt trường hợp ngược lại, nếu không là Hoa hậu, con đường tình duyên của chị có thể ra sao?

 

Tôi gặp Maneesh Dance trong cuộc thi Người đẹp các tỉnh phía Bắc của cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992. Sau này anh ấy kể lại rằng, khi nhìn thấy tôi trả lời phỏng vấn, anh ấy đã "yêu say đắm".

 

Khi đó, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu và lấy một người nước ngoài. Nhưng có lẽ là do duyên số. Dù không là Hoa hậu, tôi vẫn tin là chúng tôi sẽ đến với nhau, nên vợ nên chồng.

 

Cách đây 13 năm, việc chị kết hôn với một người nước ngoài đã gây "sốc" cho dư luận. Khi đó cảm giác của chị thế nào?

 

Đã có lúc tôi nghĩ, giá mình đừng là Hoa hậu có lẽ lại dễ dàng hơn. Lúc đó, một bộ phận dư luận còn định kiến xấu về hôn nhân với người nước ngoài. Có người viết báo cho rằng việc tôi lấy người nước ngoài là coi thường đàn ông Việt Nam. Ngay cả người thân, họ hàng cũng bị dư luận tác động, lo lắng, khuyên ngăn tôi nên thôi.

 

Dù căng thẳng chịu nhiều áp lực, nhưng tôi xác định điều quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ là một tình yêu thực sự để xây dựng hôn nhân bền vững. Tôi chưa bao giờ có được tình cảm như thế trong đời, nên quyết tâm vượt qua tất cả để bảo vệ tình yêu của mình.

 

Chồng chị đã làm thế nào để "nhập gia tùy tục" và về phía chị, có khó khăn gì khi trở thành một cô dâu Ấn?

 

Thực ra phong tục, suy nghĩ của người Ấn Độ cũng rất gần gũi với người mình, nên tôi thấy chồng tôi giống như người Việt, không có gì xa cách. Khi tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, chồng tôi làm theo đúng nghi lễ ở Việt Nam: rước dâu, chắp tay trước bàn thờ gia tiên.

 

Khi sang Ấn Độ, tôi cũng làm cô dâu theo đúng kiểu Ấn: bước qua 7 bước chân, ngồi trước ngọn lửa suốt 3 tiếng đồng hồ để nghe thày cầu nguyện, chúc phúc. Ngày lễ Tết, giao thừa, chồng tôi cùng tôi làm cơm, thắp nhang cúng bái, đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, bạn bè một cách thân mật, hòa đồng.

 

Điều thú vị là ngày mùng 1 Tết của Ấn Độ cũng có phong tục kiêng quét nhà như ở Việt Nam. Hằng năm, vợ chồng tôi đều dẫn con cái về thăm bố mẹ chồng một lần. Khi đó, chúng tôi nói tiếng Ấn và sinh hoạt theo phong tục của người Ấn.

 

Không phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu, chị nghĩ sao về "may mắn" ấy?

 

Tất nhiên các cặp vợ chồng trẻ bây giờ khi có điều kiện ở riêng đều cảm thấy thoải mái hơn. Vì khi sống chung, chỉ cần một va chạm nhỏ thôi cũng ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình. Nhưng theo tôi, chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn tùy thuộc từng gia đình, vào cách ứng xử của người con dâu.

 

Bố mẹ chồng tôi là bác sĩ, không có con gái nên yêu thương, xem tôi như con ruột. Nhiều lần vợ chồng tôi mời bố mẹ sang ở hẳn Việt Nam để có điều kiện gần gũi, chăm sóc, nhưng các cụ không chịu, chỉ sang thăm con cháu rồi về.

 

Chị có ý kiến gì khi chỉ có 1% phụ nữ Việt Nam tin mình là đẹp?

 

Có dịp đi nhiều nước trên thế giới, tôi thấy nước mình có tỷ lệ phụ nữ đẹp khá cao. Rất nhiều bạn bè nước ngoài cũng nhận xét rằng, họ thích vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ Việt Nam. Chỉ có điều, một số chị em ta còn tự ti và chưa biết cách chăm chút, để ý làm cho vẻ đẹp tự nhiên ấy tồn tại mãi mãi.

 

Bên cạnh đó, có không ít quan niệm sai lầm lấy chồng sinh con nên không cần làm đẹp. Những cô gái miền Bắc được trời phú cho làn da đẹp chỉ cần trang điểm một chút, miền Nam hơi nóng nên dùng thêm kem dưỡng da. Nhờ vậy, họ sẽ tươi tắn và đẹp hơn rất nhiều.

 

Các thành viên nhí trong gia đình chị giỏi tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Ấn?

 

Cả ba bé - hai gái một trai - đều thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh. Các bé đang theo học tại trường quốc tế nên ngôn ngữ trao đổi, giao tiếp, học tập bằng tiếng Anh. Khi về nhà, tôi lại dành thời gian đọc sách, dạy tiếng Việt cho các bé. Do đó, cả ba đều nói và viết tiếng Việt rất sành. Các bé cũng đã học tiếng Ấn. Hiện tại, hai bé gái múa điệu múa Ấn Độ rất đẹp.

 

Theo Mỹ Thuật