Gia đình Ngọc Khuê lên tiếng

Sau sự việc bị nghi ngờ đạo thơ, ca sĩ Ngọc Khuê hoàn toàn im lặng. Khi được đề nghị giải thích, ngoài người cha, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi, đồng ý trả lời, còn hai mẹ con Khuê đều từ chối. Sau một hồi nghe thuyết phục, gia đình "chuồn chuồn ớt" mới bình tĩnh kể đầu đuôi câu chuyện.

Từ hôm xảy ra chuyện, vì sao điện thoại của chị luôn tắt?

Ngọc Khuê: Bây giờ tôi sợ phải nghe điện thoại kinh khủng. Hễ nghe tiếng chuông điện thoại là tôi thấy sợ. Mấy ngày đầu, mỗi khi bật điện thoại lên là có hàng trăm cuộc gọi đến và không biết bao nhiêu tin nhắn với những lời lẽ rất thô tục.

Rồi còn cả trên Internet nữa chứ. Tôi thực sự bị khủng hoảng. Mỗi khi ra đường, tôi cảm giác như mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khác. Tại sao một bài thơ chỉ mang tính chất nội bộ với mục đích để một người cha đang lâm bệnh được khỏe lên lại bị báo chí làm rùm beng một cách không thiện chí như thế.

Mẹ Ngọc Khuê: Một gia đình đang sống yên ấm bỗng trở nên như có tang. Khuê lại sắp cưới, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của Khuê. Cũng rất may là chồng sắp cưới của nó là người hiểu biết, luôn động viên và không cho nó nghe điện thoại hay đọc Internet, sợ nó buồn thêm.

Tại sao chị không nói với phóng viên ngay từ đầu đó chỉ là một bài thơ chép tặng cha nhằm mục đích như chị muốn lúc đầu?

Ngọc Khuê: Tôi nhận được điện thoại của một anh phóng viên nói muốn phỏng vấn tôi. Tôi đồng ý và chúng tôi đã nói chuyện với nhau trong một quán cà phê. Anh ấy rất lịch sự và thư sinh, từ cách ăn mặc cho đến giao tiếp. Anh ấy hỏi tôi chủ yếu về âm nhạc, về kế hoạch sắp tới, sẽ cộng tác với nhạc sĩ nào...

Sau đó, anh ấy hỏi tôi về thơ, chỉ có một hai câu thôi. Tôi cũng trả lời thật rằng hồi còn đi học tôi rất hay làm thơ tặng bạn bè, thày cô và bố mẹ. Rồi sau đó anh ấy hỏi tôi về bài thơ Cha và mùa thu.

Mẹ Ngọc Khuê (tiếp lời): Tôi cho rằng thái độ của anh phóng viên này hoàn toàn không thiện chí. Tại sao anh ta đã biết về sự trùng hợp của hai bài thơ nhưng lại không nói ngay từ đầu? Nghĩa là động cơ anh ta không trong sáng, mục đích hỏi chỉ là để "gài bẫy" Khuê khiến nó rơi vào tình trạng "đâm lao phải theo lao". Nếu anh ta nói ngay từ đầu thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng dù sao mọi chuyện cũng đã xảy ra, lỗi hoàn toàn thuộc về ông nhà tôi đã tự ý đưa bài thơ ấy cho phóng viên, chứ Khuê không hề có ý định đưa bài thơ ấy đi đăng báo.

Ông Phạm Ngọc Khôi (bố Ngọc Khuê): Một số tờ báo đưa tin nói rằng tôi đưa bài thơ Cha và mùa thu do Ngọc Khuê tặng đến cho báo chí, điều đó là hoàn toàn sai sự thật.

Lúc đầu, phóng viên báo Tiền Phong đến phỏng vấn tôi cho chuyên mục Con hơn cha là nhà có phúc. Tôi đồng ý và mời cô ấy đến nhà (con gái tôi đã rất giận về điều này). Chúng tôi chỉ trò chuyện quanh chủ đề này và tôi kể với cô phóng viên ấy về bài thơ mà Khuê đã tặng tôi. Cô ấy xin chép vào sổ tay. Cô ấy cũng nói có thể sẽ đăng cùng bài phỏng vấn. Đó là ý định của cô ấy chứ tôi không đề nghị.

Tại sao chị không giải thích rõ cho dư luận việc khác nhau giữa việc tặng thơ cho người cha thân yêu đang bệnh và việc bài thơ lên mặt báo là hai chuyện khác nhau?

Ngọc Khuê: Bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng nói thế. Ngay cả Tùng Dương đang biểu diễn ở Thụy Sĩ cũng gọi điện khuyên tôi nên nói để mọi người hiểu rõ hơn, nhưng rồi tôi chọn giải pháp im lặng. Vì tôi biết, có giải thích lúc này chưa chắc mọi người đã hiểu mà có khi lại kết tội thêm.

Ông Phạm Ngọc Khôi: 'Bài thơ Khuê tặng tôi thực sự là một liều thuốc bổ'

Bác còn nhớ thời điểm Khuê tặng bác bài thơ "Cha và mùa thu" là vì lý do gì?

Ông Phạm Ngọc Khôi: Năm 2004, con gái thứ hai của tôi, tức là chị của Khuê mất vì căn bệnh ung thư não. Lúc đó, Khuê đang thi Sao Mai - Điểm hẹn ở TP HCM nhưng vẫn phải nén buồn đau để tiếp tục thi.

Suốt thời gian đó, gia đình tôi không ai nói với ai lời nào, thậm chí vợ chồng con cái còn hay gắt gỏng với nhau. Thương con ra đi ở độ tuổi còn quá trẻ, để lại một đứa con thơ dại, tôi lâm bệnh và bị ngã trong nhà tắm dẫn đến bị tai biến mạch máu não.

Bài thơ mà Khuê tặng tôi thực sự là một liều thuốc bổ đối với tôi trong hoàn cảnh ấy. Tôi rất vui vì tình cảm mà con gái dành cho mình. Nhà tôi vui hơn như có một luồng gió mới, sức khỏe tôi dần hồi phục. Nó tặng tôi bài thơ với mục đích "lưu hành nội bộ" giữa hai cha con. Việc tôi đưa bài thơ cho phóng viên, nó hoàn toàn không biết. Vậy tại sao lại đi lên án một hành động có hiếu như thế?

Ngọc Khuê: Khi tôi thi Sao Mai - Điểm hẹn về, biết bố đang lâm bệnh, tôi xót xa vô cùng. Mặc dù tôi đã ghi dấu của mình trong cuộc thi, nhưng điều đó cũng không làm bố vui lên được. Bố luôn dằn vặt về lúc chị tôi mất có nói điều trăn trối với bố nhưng bố không nghe được. Và bố đã lâm bệnh.

Tôi tặng bố bài thơ cũng chỉ muốn bố vui lên, khỏe lên chứ không có mục đích gì khác. Chỉ đến khi đọc bài viết, tôi mới biết là bài thơ đó được lên báo. Tôi rất sốc và bất ngờ.

Chị nghĩ sao về sự cố này?

Ngọc Khuê: Mọi người cũng biết là nghệ sĩ thì thường chịu những lời đồn, tốt có, xấu có (mà thường là xấu nhiều hơn).

Vậy đến thời điểm này, điều đó làm ảnh hưởng gì đến sự nghiệp ca hát của chị?

Ngọc Khuê: Tôi vẫn đi hát thường xuyên. Đã là nghệ sĩ thì phải biết gạt đi những ưu phiền để hát hết mình. Nếu cứ sống mãi trong những ký ức buồn như thế thì không thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ.

Tôi từng biểu diễn khi biết người thân của mình không thể qua khỏi và chị ấy mới mất được vài ngày. Vì thế, không có chuyện gì tôi không thể trải qua. Thời gian sẽ giúp tôi quên đi. Nhưng nghệ sĩ cũng cần có được sự cảm thông và cái nhìn nhân văn hơn chứ đừng đánh giá con người một chiều.

Sau sự việc này, chị nghĩ sao về bố mình?

Ngọc Khuê: Tôi không trách bố, đó chỉ là sự vô tình của bố tôi và đã bị những người không thiện chí coi đó như sự cố ý của bố vậy.

Ông Phạm Ngọc Khôi: Tôi cho rằng, sự việc xảy ra như vậy là lỗi từ hai phía. Bản thân tôi, tôi đã có lời xin lỗi cháu Thương trên báo Tiền Phong. Với Khuê, dù là cha nhưng tôi vẫn nói lời xin lỗi với con vì một phút nông nổi đã làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của con. Nếu con gái tôi không phải là người của công chúng và nếu phóng viên nói ngay từ đầu thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Theo Gia Đình Xã Hội