Nhìn lại giải thưởng Oscar 78:

George và sự trở lại của dòng phim “trí tuệ”

(Dân trí) - George Clooney xứng đáng với giải thưởng Oscar năm nay, không chỉ với tư cách là một diễn viên mà còn là một nhà làm phim “trí tuệ” dám vượt qua mọi thử thách.

Anh đã dùng những gì thu được từ những bộ máy giải trí kiếm tiền kiểu Ocean’s 12 để thực hiện những bộ phim như Good Night and Good LuckSyriana - những sản phẩm trí tuệ đòi hỏi người xem phải động não.

 

Syriana không hoàn toàn thuyết phục công chúng, thậm chí còn bị các nhà phê bình đánh giá là hơi rắc rối. Tuy nhiên, bộ phim vẫn được hoan nghênh chính bởi vì nó đã đặt ra những vấn đề đáng được đặt ra, bỏ qua những tranh luận về cách nhìn nhận của nhà làm phim.

 

Clooney đã cho thấy rằng ngành công nghiệp điện ảnh không hoàn toàn vì mục đích giải trí hay kiếm tiền và những bộ phim "có vấn đề" vẫn có thể bán được vé. Tất nhiên, Clooney không phải là người tiên phong, Michael Moore đã từng mở đường dòng phim này. Sự thành công của Fahrenheit 911 của Michael Moore đã chứng tỏ có một thị trường riêng dành những bộ phim chính trị. Nhưng sự khác biệt giữa Clooney và Moore với tư cách là các nhà làm phim là ở chỗ Clooney thích đặt ra những vấn đề, trong khi Moore thích đưa ra câu trả lời.

 

Năm nay là một năm đặc biệt khi các giải thưởng Hàn lâm không bị chi phối bởi những bộ phin “bom tấn” như Titanic hay Chúa tể của những chiếc nhẫn. Thay vào đó, chúng ta đã có một vụ mùa bội thu những bộ phim về các vấn đề xã hội, những bộ phim đề cập đến "thế giới tự do" không phải trong những những điều kiện “tuyệt vời”. The Constant Gardener là một câu chuyện tình yêu cay đắng và cũng là sự công kích mạnh mẽ vào nghành dược phẩm.

 

Đặc biệt nhất là Crash, bộ phim giành được giải phim hay nhất năm nay là một sự chỉ trích không khoan nhượng thực trạng xung đột sắc tộc căng thẳng trong lòng nước Mỹ. Một bộ phim không có những người hùng, chỉ có những nhân vật với những thiếu sót và khuyết điểm như con người thường thấy của chúng ta .Ở đây, có một sự tương phản với cách nhìn nhận ban đầu của Hollywood về những quan hệ chủng tộc tại nước Mỹ đã từng xuất hiện trong To Kill a Mocking Bird của Gregory Pec, một bộ phim "hạt giống" trong lịch sử điện ảnh Mỹ nhưng mang lại cho người xem một cảm giác giả dối về sự an toàn.

 

Tất cả những điều này cho thấy con người đang bắt đầu nhận ra tình trạng “tồi tệ” trong những mối quan hệ và buộc phải miễn cưỡng chấp nhận những giới hạn của xã hội. Đồng thời, người ta cũng  khao khát được hiểu biết sâu sắc và thực chất hơn, đặc biệt là về Trung Đông, một xứ sở thật xa lạ trong con mắt người phương Tây. Từ Munich của Steven Spielberg tới Syriana của Stephen Gaghan đều tập trung giải thích những động cơ và hành động phức tạp diễn ra tại Trung Đông. Đặc biệt hơn nữa, lần đầu tiên chúng ta có một bộ phim của Palestine được trình chiếu, một cơ hội hiếm hoi cho độc giả có được những nhận thức sát thực về cuộc sống tại Palestine. Đó là phim Paradise Now của Hany Abu-Asad, bộ phim về hai người đánh bom tự sát Palestine. Tháng 12 năm trước, bộ phim giành được giải kịch bản hay nhất tại liên hoan phim Châu Âu và cũng được tôn vinh tại giải Quả cầu vàng tháng 1 vừa qua. Đối với giải Oscar, bộ phim nhận được đề cử cho phim nước ngoài hay nhất. Nó đã dẫn đến một chiến dịch phản đối của người Israel với hơn 32.000 chữ ký nhằm gây sức ép loại bỏ đề cử này. 

 

Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ từ chối bình luận về những tranh cãi xung quanh bộ phim nhưng vẫn giữ nguyên lập trường. Bộ phim không giành được giải phim nước ngoài hay nhất nhưng đã mang lại cho người xem sự phản ánh chân thực những động cơ phức tạp trong những xung đột mạnh mẽ tại đất nước này. 

 

 

Lê Thu

(tổng hợp)