Sao Mai 2005:

Dễ chịu vì... dễ nghe

(Dân trí)- Nhiều mỹ từ: ngưỡng mộ, rất thích giọng hát này... đã được "ban bình luận" trực tiếp tại đêm chung kết (5/11) gồm: nhạc sĩ Phó Đức Phương, nghệ sĩ Quang Lý và nhà thơ Phan Huyền Thư dành tặng cho thí sinh dự thi Sao Mai 2005 - phía Bắc.

Điều thú vị là cùng chung cái "cảm" điểm do BGK đưa ra cũng khá trùng hợp với ý kiến của "ban bình luận".

 

Đó cũng là cái cớ mà không ít khán giả qua màn ảnh nhỏ bất ngờ khi cùng thưởng thức đêm chung kết Sao Mai 2005 tại các tỉnh phía Bắc. Không chọn sự cầu kỳ về thiết kế sân khấu, ánh sáng, sân khấu Nhà hát Quân đội (Hà Nội) rất đơn giản, chỉ có giọng hát là được phô diễn và gây sự chú ý hơn cả.

 

Nếu ở phong cách thính phòng, các thí sinh vẫn chọn những ca khúc được coi là có "chứng chỉ ISO" như Tôi là người thợ lò, Người Hà Nội... thì điều đó cũng chỉ chứng tỏ việc dám "mạo hiểm" để thể hiện bằng được khả năng của mình, còn để chiến thắng "những gì đã quen thuộc, đã định hình" thì rất khó. Dù đã được xem là hát "rút ruột" nhưng "vẫn chưa thấy được hết vẻ hào hoa của Người Hà Nội", như nhận xét của nhà thơ Phan Huyền Thư về ca khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

 

Với phong cách dân gian, dù không được sự đánh gia cao của BGK nhưng ca khúc Chị Mai đi chợ - Thúy Nga thể hiện đã làm duyên dáng hơn sân khấu ở phần hai của đêm diễn. Song có lẽ ấn tượng hơn chính là giọng hát của Tân Nhàn (Hà Nam) với ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Tài Tuệ. Cách thể hiện của Tân Nhàn khá tự tin và cũng tỏ ra không thua chị kém em với giọng hát khá quen thuộc với ca khúc này là Anh Thơ.

9 thí sinh miền Bắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc:

1. Phạm Đăng Minh (SBD 49)
2. Nguyễn Ngọc Anh (SBD 35)
3. Vương Thị Dung (SBD 41)
4. Nguyễn Hoàng Hải (SBD 07)
5. Nguyễn Thị Tân Nhàn (SBD 66)
6. Đào Tiến Lợi (SBD 79)
7. Hoàng Thái (SBD 58)
8. Nguyễn Tuấn Anh (SBD 15)
9. Nguyễn Văn Tuấn (SBD 22)

Ở phong cách nhạc nhẹ, mở màn là giọng hát được xem "na ná" với Bằng Kiều là ca sĩ điển trai Hoàng Hải, qua một ca khúc của nhạc sĩ Hà Dũng, Hải hát như "rút ruột", điểm BGK cũng như "ban bình luận" trực tiếp đánh giá khá cao, tuy nhiên không ăn thua gì so với những sao mai kế tiếp Hải. "Hình như càng về cuối, càng nhiều giọng hát hay", nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận xét. Là bởi ngay sau đó, hàng loạt gương mặt của thí sinh Vương Thị Dung trình diễn Không thể và có thể - nhạc sĩ Phó Đức Phương, Ngọc Anh với ca khúc Anh yêu em - nhạc sĩ Vũ Quang Trung, Phạm Quang Minh hát  Đá trông chồng - nhạc sĩ Lê Minh Sơn....  Tất cả đều dễ nghe, dễ xem, kiểu như được "thưởng thức" chứ không phải là đang tập trung giọng hát của một cuộc thi.

 

Kết thúc đêm chung kết khu vực phía Bắc, tuy phần đông thí sinh đều có giọng hát khá, điểm số chênh nhau không nhiều, song lại chưa có yếu tố "lạ", đột phá của thí sinh. (thính phòng là 9,90 so với 9,08, dân gian 9,60 - 8,85, nhạc nhẹ 9,88 - 9,15).  

 

Dự đoán của nhiều người, khả năng điểm cao nhất trong đêm chung kết toàn quốc tới đây vẫn sẽ thuộc vào phong cách thính phòng, vì ngay ở cuộc thi chung kết miền Bắc - với nhiều giọng hát nhiều phong cách khá đều như vậy, nhưng điểm số cao nhất đã thuộc về Hoàng Thái (Hà Nội - phong cách thính phòng).

 

Dù vẫn còn một vài bình luận đâu đó của MC Mỹ Vân còn hơi "diễn", hay Long Vũ có quá lời khi khen một thí sinh nào đó, khiến khán giả thấy hơi... quá. Tuy nhiên, sự mới mẻ ở khâu "bình luận" trực tiếp của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nghệ sĩ Quang Lý và "một người không có tý chuyên môn nào về âm nhạc" nhà thơ Phan Huyền Thư và MC Long Vũ đã khiến đêm diễn dù kéo dài (hơn 3 tiếng đồng hồ), song vẫn dễ chịu vì "lọt tai" người nghe.

 

 

 

Lan Chi