Dân ca xứ Nghệ sẽ trở thành di sản Văn hóa thế giới

(Dân trí) - UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo đến năm 2015, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (gọi tắt là trung tâm) phải hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Dân ca xứ Nghệ sẽ trở thành di sản Văn hóa thế giới - 1
Dân ca xứ Nghệ sẽ trở thành di sản Văn hóa thế giới
 
Đến nay Nghệ An hiện có 32 CLB hát dân ca xứ Nghệ đang hoạt động, trong đó có 8 người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Hiện, trung tâm đang nghiên cứu, sưu tầm, ghi hình những làn điệu dân ca, tổ chức các hội thi đàn, hát dân ca, quảng bá các làn điệu tiêu biểu thông qua việc phát hành sách, DVD, CD trong nước và nước ngoài.

Về việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca xứ Nghệ, đã có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu công phu của các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ như Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Vi Phong, Lê Hàm... Tháng 10/2011, Liên hoan các CLB hát dân ca xứ Nghệ đã được tổ chức lần đầu tiên.

Đặc biệt, vở diễn diễn nổi tiếng "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví dặm" - tái hiện lại quá trình hình thành tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các lời ru điệu hò ví dặm của thân mẫu Hoàng Thị Loan; ảnh hưởng sâu sắc của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX và từ những danh nhân tài hoa, bất khuất của xứ Nghệ đã được công chúng trong ngoài tỉnh ưa thích.

Hoặc bằng hình thức sân khấu hoá những mẩu chuyện hai lần Bác Hồ về thăm quê (1957 và 1961) như vở Lời Người lời của nước non được công chúng nồng nhiệt đón nhận và được đánh giá cao.
 
Hiện nay, Nghệ An có nhiều huyện, xã đã khôi phục, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Dân ca xứ Nghệ ví dụ như ở huyện Anh Sơn, huyện Diễn Châu... đã thành lập CLB đàn hát dân ca tại các xã.
 
Tại Anh Sơn, CLB đàn, hát dân ca của xã Hoa Sơn chủ yếu tập hợp các thành viên đến từ đội văn nghệ của các thôn. Tham gia CLB có hơn 20 hội viên là những người say mê, yêu thích, có năng khiếu về hát dân ca, thường xuyên mang tiếng hát, tiếng đàn làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân thôn quê. Với 100% là "nghệ sỹ làng", các thành viên của CLB đều gắn bó với đồng ruộng, nên trừ những ngày mùa màng bận rộn, còn lại cứ vào buổi tối, không quản ngại khó khăn, họ lại cùng nhau luyện tập, sáng tác thêm những điệu hát mới để có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
 
Ở CLB đàn hát dân ca xã Hoa Sơn, người cao tuổi nhất là cụ Lê Văn Hiếu năm nay đã 84 tuổi và nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Thị Quỳnh 8 tuổi. Hầu hết những người tham gia CLB đều tự nguyện, nhiệt tình và có trách nhiệm. Để CLB hoạt động ngày một hiệu quả, hàng tháng CLB đều tổ chức sinh hoạt như một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các thành viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Nhờ cách bố trí, sắp xếp thời gian hoạt động hợp lý, nên mặc dù các thành viên đều bận công việc của mình nhưng vẫn sinh hoạt rất đều đặn, duy trì mỗi tuần từ 2 - 3 lần.

CLB đàn hát dân ca xã Hoa Sơn được Trung tâm Văn hoá Thể thao tỉnh Nghệ An công nhận đã đạt tiêu chuẩn xây dựng mô hình văn hoá và được tặng một bộ nhạc cụ dân tộc gồm: nhị, sáo, nguyệt, trống, đàn bầu, ...
 
Nhạc sĩ Thanh Lưu, nguyên Trưởng đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh, cho biết kho tàng dân ca cổ của xứ Nghệ có 3 thể hát chính: hò, ví, dặm. Ngoài ra, còn có một số thể hát khác, có thể gọi là "lai" do quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền như lai với chèo, với tuồng mà có.
 
 
Nguyễn Duy