Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Có một thời thơ đã méo mó đi...

(Dân trí)- "Điều xót xa và thiệt thòi nhất cho thơ là có một thời, người ta dùng nàng thơ xinh đẹp, kiêu sa vào cổ động cho những việc rất cụ thể như băm bèo, rửa bát, quét sân...", nhà thơ Vũ Quần Phương thẳng thắn chia sẻ.

Cuộc đời của nhà thơ Vũ Quần Phương nhìn bề ngoài có vẻ phẳng lặng. Anh tốt nghiệp Y khoa, rồi làm thơ và trở  thành nhà thơ nổi tiếng. Với con đường công danh, anh đã từng làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và là Đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, tất cả những nhà thơ chân chính, trong tâm hồn anh luôn là những ẩn ức văn chương, sự trăn trở với anh về thơ, hội đồng Thơ, về đời và cả những góc khuất góc khuất sâu lắng về tình người, về gia đình và về tình yêu.

 

Đã có thời coi thơ như xây nhà lắp thép

 

Không ít người cho rằng thơ Vũ Quần Phương cũ như... Thơ mới. Thật ra, Vũ Quần Phương quan niệm rất nhất quán về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ nói riêng. Theo anh, dù đọc một bài thơ hay một tuyện ngắn bao giờ cũng phải đem đến cho độc giả 3 thông tin: Anh là ai? Thời anh sống như thế nào và thái độ của anh đối với thời đó.

 

Có lần anh nói thơ hiện nay như kiểu xây nhà lắp ghép. Tại sao vậy?

 

Thơ hiện nay cả nội dung và hình thức đang trong quá trình tìm kiếm ở mọi phía. Phương Tây có, phương Đông có. Người có học làm thơ và có cả những nhà thơ bản năng. Nguyên nhân do cả một quá trình dài, chúng ta làm thơ như người Hà Nội một thời làm nhà lắp ghép. Thơ cũng thế. Trước chỉ làm thơ một kiểu tư duy. Trong khi đó, thơ lại giống như thời trang. Nó phải nhiều mẫu, nhiều mã, nhiều kiểu, nhiều dáng. Có những kiểu chỉ dành cho người mẫu thử một lần rồi thôi. Vì vậy, người đi tìm nhiều và không thấy cũng nhiều.

 

Là một nhà thơ nổi tiếng đồng thời là nhà lý luận sắc sảo, anh thấy giai đoạn nào nàng thơ “xót xa” nhất?

 

Điều xót xa và thiệt thòi nhất cho thơ là có một thời, người ta dùng nàng thơ xinh đẹp, kiêu sa vào cổ động cho những việc rất cụ thể như băm bèo, rửa bát, quét sân, rửa chuồng lợn. Đóng thuế cũng thành được thơ thì lại thật (lắc đầu). Xưa nay, thiên hạ mất người yêu mới thành thi sĩ chứ mấy ai mất tiền (dù đóng thuế) mà thành nhà thơ bao giờ. Đến phong trào xây dựng hố xí hai ngăn rồi sinh đẻ kế hoạch cũng thành thơ tuốt. “Trai không có vợ đặt vòng – Gái không có chồng thắt ống dẫn tinh” Rồi việc thụ tinh lợn cũng thành thơ: “Quê em rất lắm lợn sề – Chỉ mong được các anh về thụ tinh”...

 

Thật ra những việc đó không phải là xấu nhưng cũng không nên bắt thơ phải làm cái việc mà nó không nên làm và không làm được. Hiểu thơ ca như thế là thô thiển, dung tục, đẩy thơ đến cuộc cạnh tranh với... báo chí chuyên ngành.

 

Anh có quá lời không?

 

Tôi không quá lời mà là sự thật. Ngày mới giải phóng Hà Nội, có một tác giả làm một bài thơ ca ngợi anh bộ đội cứu được một em bé thoát khỏi xe điện cán. Sau khi báo Thủ đô Hà Nội (nay là Hà Nội mới) đăng thì toà soạn nhận được một công văn của Sở xe điện Hà Nội nói đã kiển tra tất cả các tuyến đường và khẳng định không có mơi nào xảy ra tai nạn này và đề nghị tác giả xem lại thông tin trên. Ơ hay, họ không hiểu đó chỉ là hư cấu của nghệ thuật để ca ngợi tinh thần vì nhân dân của anh bộ đội, chấp nhận hi sinh ngay cả trong thời bình. Khổ. Đây có phải bài báo đâu mà phải giải trình sai – đúng? Nhà thơ Vũ Cao cũng kể rằng sau khi bài thơ Núi Đôi ra đời, huyện đội Sóc Sơn gửi công văn về Văn nghệ Quân đội yêu cầi cho biết thêm tiểu sử người con gái trong thơ để huyện đội làm thủ tục công nhận liệt sĩ.

 

 “Tên Quần Phương, thân tha phương

Tôi lấy tên quê làm độ đường

Sáu tuổi tiễn cha về với đất

Nấm mộ ven đồng hoá cố hương”.

 

(Vũ Quần Phương)

... Và phổ thơ cho các báo cáo khoa học

 

Có một thời, ngay cả những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu cũng làm thơ theo kiểu “theo hoá những báo cáo khoa học”?

 

Đúng là nhà thơ Xuân Diệu khi viết về công trình hồ Suối Hai cũng kể tỉ mỉ như một báo cáo khoa học của ngành xây dựng. Nào đào đất lên như thế nào? Cho sỏi xuống như thế nào? Xuân Diệu đã có một thời làm thơ như thế và dù bác đã “thêm nếm những câu trang trí, đưa đẩy” như: “Hồ Suối Hai một sớm mai thức dậy - chút sương tơ còn hãy mơ màng...”. thì nó vẫn là dạng “phổ thơ” cho báo cáo khoa học. Hay nói cách khác, đó là “thơ hoá” những báo cáo khoa học. Thơ đang đuổi theo một thứ không phải sức mạnh của thơ. Mục đích của Thơ là nhằm tới sự hoàn thiện nhân cách con người. Nó làm người ta tốt lên, sâu sắc hơn và biết thương nhau hơn.

 

Nguyên nhân nào đẩy  thơ đến những tình trạng trên?

 

Hồi đó có một chủ trương đúng là các nhà văn hãy dời các tháp ngà của mình đi thực tế phản ánh chân thức cuộc sống. Nhưng chủ trương này lại được đẩy mãi lên- mà cái này là do các nhà thơ, do các tờ báo, rộng hơn nữa là do các nhà quản lý văn nghệ. Có khi việc xét giải thưởng lại đặt yếu tố thực tế lên hàng đầu chứ không phải là yếu tố văn chương. Dần dần người làm thơ sẽ đi theo hướng đó. Vì thế thời ấy người ta không viết thơ tình vì người ta thấy thơ tình gần như không tác động vào xã hội  mà nó thuộc về cái gì đó rất riêng tư, rất cá nhân.

 

Thậm chí như anh Tố Hữu nghĩ trong kháng chiến chống Pháp người ta đã phải xa vợ, xa con, xa chồng để vào kháng chiến, mình đã có vợ cùng cơ quan, mình lại cứ đi sóng đôi qua trước mặt họ thì cảm thấy như mình là người có lỗi, như người gắp được phần hơn. Nhà thơ viết thơ tình càng cảm thấy như mình có lỗi. Còn những người quản lý nghĩ rằng, cần phải làm thơ để cổ động tình yêu là chưa cần thiết – tự hai đứa cổ động nhau đã đủ ghê rồi. Từ đó, có ý nghĩ rằng viết về tình yêu không phải là vai trò của thơ. Đó là ấu trĩ và không thể đơn giản hoá chức năng của thơ như vậy. Thơ tình yêu không phải là cổ động tình yêu mà để con người ta hiểu sâu sắc hơn về tình yêu, khiến tình yêu bền chắc hơn, thuỷ chung hơn, khám phá ra những cung bậc cao cả hơn.

 

Hội đồng thơ – Hội đồng bô lão?

 

Theo “tân” Chủ tịch, Hội đồng thơ lần này có gì khác so vơi các hội đồng trước?

 

Hội đồng thơ lần này có 9 người, tôi nghĩ thế là đủ nhưng nếu mở rộng thêm thì tốt hơn. Nhất là cần quan tâm đến những anh em chưa có “thâm niên thơ” nhưng mà có một tiếng nói nào đó để thấy rằng những người mới họ nghĩ về thơ như thế nào. Đó cũng là tầng lớp độc giả mà thơ rất cần thiết.

 

Anh nghĩ gì khi có người cho rằng Hội đồng thơ ”già” quá, và họ gọi là “hội đồng bô lão”?

 

Kể ra thì hội đồng nào cũng già vì đã là hội đồng thì cần những người lịch lãm, có kinh nghiệm. Thường hội đồng chỉ tư vấn chứ không có quyền quyết định. Mà làm anh tư vấn thì không thể là những người trẻ quá được. Tuy nhiên, tôi đã nói rằng, cũng nên những người trẻ thật sự chứ tầm Nguyễn Quang Thiều đại điện cho lớp trẻ thì anh ấy cũng 50 tuổi rồi! Nhưng đây là việc bầu cả, bỏ phiếu nên phải chịu thôi, biết làm sao được.

 

Có người nói con đường vào Hội Nhà văn Việt Nam còn khó hơn... đi tây Trúc lấy kinh. Nhưng có người lại nói tằng chúng ra đang để ngỏ cửa quá rộng. Theo anh, vào Hội nhà văn hiện nay dễ  hay khó?

 

Ban chấp hành Hội kỳ này chủ trương tất cả các hội đồng, kể cả hội đồng thơ nên kết nạp ít thôi. Hội nhà văn đông quá, mà đông không quan trọng bằng chất lượng không theo kịp với số lượng. Cái đó đã biểu hiện phần nào qua các tham luận và diễn biến của Đại hội Nhà văn VII vừa qua. Hội cũng đã tăng cường việc trao giải nhưng tác phẩm gây được tiếng vang rất ít. Hình như giai đoạn đuổi theo về lượng đã đủ rồi, bây giờ cần phải nâng cao về chất lượng.

 

Người duy  nhất trong lịch sử Hội Nhà văn:

Vào Hội rồi mới...  nộp đơn!

 

Khoảng năm 1973, nhà thơ Chế Lan Viên khi đó là Trưởng tiểu ban Thơ (nay gọi là Chủ tịch Hội đồng Thơ) bảo Vũ Quần Phương  viết đơn để ông ký giới thiệu và hội. Vũ Quần Phương viết, Chế Lan Viên ký rồi bảo: “Cậu thân với anh Diệu (nhà thơ Xuân Diệu) bảo anh Diệu ký nữa”.  Vũ Quần Phương mượn cớ đến lấy bài, ngượng ngập trình bày: “Anh Chế Lan Viên nói em làm đơn. Em đến nhờ anh...” Xuân Diệu thở dài rồi bảo: “Ôi giời, tôi tưởng cậu bỏ nghề y để làm thơ chứ ai dè bỏ nghề để vào Hội...”. Thấy Xuân Diệu nói thế, Vũ Quần Phương thấy ngượng nên lảng sang chuyện khác rồi lặng lẽ cầm đơn về cất kỹ trong tủ.

 

Mấy tháng sau, một hôm nhà thơ Tế Hanh đến bảo: “Sáng nay, Ban thường vụ xét kết nạp cậu xong rồi đấy nhưng mà tìm mãi không thấy đơn đâu”!. Xem ra việc kết nạp hội viên thời đó thật đơn giản.

 

 

 

Hạnh Vân