Chương trình truyền hình thực tế Việt, thừa nhưng vẫn thiếu!

(Dân trí) - Sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các chương trình truyền hình thực tế khiến khán giả bị “bội thực”. Không chỉ số lượng mà còn về chất lượng. Tuy nhiên, dù thừa nhưng làng giải trí nước nhà vẫn đang "thiếu hụt" những chương trình mang ý nghĩa thiết thực.

Điểm qua các kênh truyền hình Việt, khán giả sẽ dễ dàng bắt gặp sự phủ sóng dày đặc của hơn 50 chương trình truyền hình thực tế với nhiều kiểu loại khác nhau.

Tần số phủ sóng dày đặc khiến khán giả “bội thực”

Chỉ tính riêng thể loại hài, trong năm 2015 đã có gần 10 chương trình khác nhau: “Bí mật đêm chủ nhật”, “Hội quán tiếu lâm”, “Xả xì trét”, “Diêm vương xử án”, “Danh hài đất Việt”, “Thách thức danh hài”, “Cười xuyên Việt”, “Gặp nhau để cười”, “Hội ngộ danh hài”,...

Chương trình Thách thức danh hài
Chương trình "Thách thức danh hài"

Số lượng các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc cũng không kém cạnh: “Vietnam Idol”, “The Voice”, “X-Factor”, “Học viện ngôi sao”, “Sao Mai điểm hẹn”,… Ngoài ra các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhảy múa cũng bùng phát dữ dội: “Thử thách cùng bước nhảy”, “Bước nhảy ngàn cân”, “Bước nhảy hoàn vũ”...

Khi cuộc thi của người lớn dang dần nhàm chán thì các đơn vị sản xuất bắt đầu chuyển sang đối tượng “nhí” với các phiên bản nhí “ăn theo” các show người lớn: “Giọng hát Việt nhí”, “Chung sức nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”... Đó là chưa kể đến các tài năng khác được khai phá từ các cuộc thi về nấu ăn, người mẫu,… cũng lần lượt “đổ bộ” truyền hình một cách “chóng mặt”.

“Chất” không đồng hành cùng “lượng”

Thế nhưng, với sự ra đời rầm rộ thì chất lượng cũng đang bị thả lỏng. Một số đơn vị sản xuất chỉ quan tâm đến rating, quảng cáo thu về cho các chương trình mà đôi khi bỏ qua những hệ lụy trong mỗi chương trình kém chất lượng.

Đầu tiên là những chương trình truyền hình dành cho các tài năng nhí, dù mục đích đặt ra là chắp cánh cho sự phát triển của những mầm non tương lai. Thế nhưng, một số nhà sản xuất đã dùng yếu tố trẻ em để câu kéo khán giả. Việc đưa con trẻ vào chuyện thi cử, tranh đấu, lại là trong giới giải trí với đầy rẫy những toan tính, sắp đặt của người lớn là một thực trạng hết sức nguy hiểm.

Chương trình Giọng hát Việt nhí
Chương trình Giọng hát Việt nhí

Cường độ luyện tập ngày đêm, áp lực cuộc thi, áp lực truyền thông, điều tiếng dư luận,… là những nỗi lo tác động trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ. Thêm nữa việc sớm nổi tiếng, sa vào vòng xoáy tiền bạc, danh vọng sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh “bệnh ngôi sao”.

Không dừng lại ở đó, tại các chương trình tìm kiếm tài năng, vì có quá nhiều cuộc thi nở rộ liên tục mà tài năng thì lại hạn chế về số lượng nên khán giả phải liên tục chứng kiến sự xuất hiện “nhẵn mặt” của các thí sinh, nhiều bạn trẻ thất bại ở “The Voice” chuyển sang thi “Vietnam Idol” hay hàng loạt tên tuổi từng gắn bó với “Sao mai điểm hẹn”, “Ngôi sao tiếng hát truyền hình” tìm kiếm cơ hội mới ở “X-Factor”,...

Không chỉ thí sinh mà BGK còn “nhẵn mặt” hơn. Có thể đơn cử như ba gương mặt diễn viên hài đang rất hot hiện nay là Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành. Trong bất kì chương trình truyền hình hài nào cũng thấy ít nhất là một người trong số họ. Dù không thể phủ nhận tài năng của những nghệ sĩ này nhưng dường như sự xuất hiện liên tục làm họ không có thời gian đầu tư, dẫn đến sự xuất hiện nhạt nhẽo và kém duyên trong một số chương trình.

Những cuộc thi hát, các nghệ sĩ có thể đủ tầm ngồi ghế huấn luyện viên là các ngôi sao hạng A cũng không nhiều. Chính vì vậy những gương mặt nghệ sĩ này xuất hiện trong vai trò giám khảo từ chương trình này sang chương trình khác như: Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Cẩm Ly...

Bên cạnh đó là các chương trình như: “Ơn giời! Cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”,... đều đạt được rating cao nhưng cũng hứng chịu không ít tai tiếng khi một số nghệ sĩ suồng sã, thiếu kiềm chế do phải ứng biến bất ngờ.

Thừa nhưng thiếu...

Song số lượng các chương trình truyền hình thực tế chất lượng đang ngày càng hiếm hoi. Tuy nhiên các chương trình này luôn được khán giả ủng hộ bởi tính nhân văn và ý nghĩa thiết thực mà nó mang lại. Có thể kể đến như: “Project Runway”, “Nhịp cầu ước mơ – Kết nối đôi bờ”, “Lục lạc vàng – Kết nối những miền quê”,...

Chương trình “Project Runway”
Chương trình “Project Runway”

Ví như chương trình “Project Runway”, là cuộc thi nhằm tìm kiếm những người có đam mê trong lĩnh vực thiết kế thời trang và mong muốn trở thành những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Chương trình không chỉ là nơi thể hiện tài năng của những người đam mê thiết kế thời trang mà còn là nơi để biến ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp của họ thành sự thật. Hơn hết, sự sáng tạo và cống hiến của họ phần nào mang đến lợi ích cho cộng động, thiết thực cho cuộc sống.

Thời đại công nghiệp phát triển, áp lực công việc ngày càng cao, sự xuất hiện của nhiều chương trình mang tính giải trí là điều đáng cổ vũ. Tuy nhiên,khi yếu tố giải trí bị lạm dụng quá đà như một số show truyền hình thực tế của Việt Nam đang thực hiện thì vô tình biến các chương trình này trở nên lố bịch và kém hấp dẫn.

Đồng Hoa

Chương trình truyền hình thực tế Việt, thừa nhưng vẫn thiếu! - 4