“Chúng ta mới chỉ chạm đến… phim thần tượng!”

(Dân trí) - Nhìn thấy lượng khán giả “hậu hĩnh” mà phim thần tượng Hàn Quốc, Đài Loan có được, các nhà làm phim Việt Nam đều hào hứng khẳng định: chẳng có lý do gì để Việt Nam không làm! Nhưng, làm như thế nào, thần tượng Việt phải ra sao… thì vẫn là câu hỏi khó.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Xây dựng thần tượng cực dễ và cũng cực khó!

 

Lần đầu tiên cách đây 10 năm, khi tôi xem phim truyền hình có Bae Young Joon đóng, tôi hiểu Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng một thần tượng cho giới trẻ. Dòng phim thần tượng thực sự cần thiết cho nhu cầu giải trí cũng như chuyển tải phong cách sống của giới trẻ đương đại. Nó hút khán giả bởi sự hấp dẫn và những vấn đề mà khán giả trẻ thường quan tâm, rất dung dị và đời thường, không “đao to búa lớn”, không xa gần, bóng gió. 

 

Tôi bắt đầu hứng thú với thể loại phim này ngay khi nhận được lời mời làm Linh lan trắng. Tôi cũng đang chuẩn bị kịch bản truyền hình dài tập cho thể loại này để tiến hành quay vào năm 2008. Xây dựng hình tượng cho giới trẻ cực dễ và cũng cực khó. Dễ là chỉ một phim thể hiện tốt một hình tượng đẹp thế là vô hình chung diễn viên đã trở thành thần tượng, khó là, diễn viên có giữ mãi được hình ảnh đó hay không?

 

Tôi nghĩ, điều cần thiết nhất để có được những phim thần tượng là các nhà làm phim phải có ý thức xây dựng thần tượng, phải có những công ty riêng, luật sư riêng chịu trách nhiệm xây dựng và bảo vệ những diễn viên có khả năng trở thành thần tượng. Hoặc ít ra, giống như các ca sỹ trẻ hiện nay, họ cần có nhà quản lý riêng. Những diễn viên đó phải tránh được những Scandal kiểu như một vài diễn viên, ca sỹ gần đây. Như vậy, các hãng phim cũng sẽ an toàn hơn khi ký hợp đồng với họ để làm một bộ phim thần tượng.

 

Chúng ta cần những kịch bản hay, diễn viên giỏi và đạo diễn giỏi nữa. Thần tượng không cần phải như công chúa, hoàng tử hay ca sỹ, hoa hậu, doanh nhân, chính khách… mới là thần tượng. Còn nhớ hồi đi học, tôi có một thần tượng là Oshin. Lâu rồi những nụ cười của cô bé Oshin nhỏ vẫn hiện ra mỗi khi tôi nhớ lại bộ phim đó. Điện ảnh Việt Nam đi sau Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

 

Dường như chúng ta gặp khá nhiều rắc rối khi xây dựng thần tượng trên phim bởi quá nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Những rắc rối khiến thần tượng của một bộ phim bỗng dưng lãng xẹt, tan biến hoặc sụp đổ… Nếu chúng ta học được những bài học của các nước đi trước sẽ tới đích mau hơn. 

 

Nhà sản xuất phim Phước Sang: Khó nhất là thuyết phục khán giả!

 

Theo tôi, điện ảnh sẽ phát triển theo đúng chu kỳ phát triển của xã hội. Mỗi thời kỳ lịch sử sẽ sản sinh ra những kiểu mẫu nhân vật lý tưởng riêng, đúng như câu “Thời thế tạo anh hùng”. Nhân vật thần tượng của những năm 90 chắc chắn sẽ khác nhân vật thần tượng của những năm 2000! Bởi vậy, chúng ta đừng quá sốt ruột. Tất cả sẽ theo đúng chu kỳ phát triển của nó.

 

Khi đất nước bước vào xã hội hoá, phim thần tượng cho giới trẻ lên ngôi. Theo cá nhân tôi, định hình một nhân vật nào đó là thần tượng rất khó. Không phải cứ là thần tượng thì phải đẹp trai, tài giỏi. Trong phim Áo lụa Hà Đông của hãng phim chúng tôi thì hình ảnh chiếc áo dài cũng có thể xem là một kiểu thần tượng, bởi nó biểu trưng cho cái đẹp và đức hy sinh cao cả. Một chị lao công cũng có thể là thần tượng của giới trẻ nếu các nhà làm phim biết cách làm.

 

“Chúng ta mới chỉ chạm đến… phim thần tượng!” - 1
 Đạo diễn, nhà sản xuất phim Phước Sang

 

Điều quan trọng không phải là “nhăm nhăm” xem một nhân vật thần tượng phải đẹp trai ra sao, phải tài giỏi thế nào… Mà điều quan trọng nhất theo tôi, chỉ là ở tài năng của các nhà làm phim thôi. Các nhà làm phim có thể thích một nhân vật thần tượng là chị lao công, là anh lái tàu, là cậu bé bán kem… nhưng các nhà làm phim phải thuyết phục được khán giả rằng đó chính là thần tượng đấy!

 

Không ai có thể bắt được khán giả phải hâm mộ người này, phải hâm mộ người kia. Thần tượng nghĩa là không thể ép buộc hay khiên cưỡng. Các nhà làm phim phải cho khán giả thấy được vẻ đẹp của nhân vật- rồi từ đó, khán giả mới có cảm tình với nhân vật- sau đó họ hâm mộ và tôn nhân vật lên thành thần tượng một cách tự nhiên. Đó mới là cách làm phim thần tượng, theo tôi!

 

Hãng phim chúng tôi cũng đang nghiên cứu, và cân nhắc nhiều kịch bản phim, hy vọng trong đó, khán giả sẽ tìm thấy thần tượng của mình. Nếu trong trường hợp, đạo diễn xây dựng nhân vật này là thần tượng, mà khán giả lại… vô cảm thì chắc chắn là nhà làm phim đó đã thất bại rồi!

 

Diễn viên Phi Hùng: Chúng ta mới chỉ chạm đến phim thần tượng!

 

Theo tôi, những bộ phim từng được nhắc đến như một ví dụ điển hình về dòng phim thần tượng ở Việt Nam như: Xin lỗi tình yêu, Hương phù sa, Tuyết miền nhiệt đới… Điều này chưa được chính xác cho lắm. Chúng ta chưa làm phim thần tượng một cách thực sự, tất cả những bộ phim kia mới chỉ là “chạm ngõ”, mới chỉ là những bước khởi đầu, và mới chỉ dừng lại ở mức “chạm” vào phim thần tượng.

 

Phim thần tượng có công thức của nó, từ kịch bản đến bối cảnh, diễn viên, trang phục đều phải bám sát mục đích tôn vinh một nhân vật kiểu mẫu. Tôi nghĩ, Nhật ký Vàng Anh mới chính là đại diện đầu tiên, là bước đi đầu tiên và chính xác hơn cả về dòng phim thần tượng ở Việt Nam. Nếu có một bộ phim kiểu như thế, nhưng là nhân vật nam, tôi tin, phim sẽ còn hấp dẫn hơn nữa.

 

“Chúng ta mới chỉ chạm đến… phim thần tượng!” - 2
 Ca sĩ, diễn viên Phi Hùng (phải) trong cảnh phim Xin lỗi tình yêu

 

Cá nhân tôi ủng hộ dòng phim thần tượng, với nội dung lãng mạn, nhẹ nhàng và tôn vinh một kiểu nhân vật đẹp như vậy, sẽ phần nào có tác động tích cực đến suy nghĩ, ước mơ của khán giả trẻ. Kịch bản là yếu tố quan trọng nhất. Nếu chúng ta có kịch bản tốt, tôi nghĩ, các nhà làm phim Việt Nam sẽ có được những bộ phim thần tượng của riêng mình. Tất nhiên ở những bước đi đầu tiên, khán giả cũng nên cho các nhà làm phim thêm thời gian để họ hoàn thiện.

 

Hiền Hương