Chông gai nghề xiếc nữ

(Dân trí) - Diễn viên nữ lắc vòng thường bị đau dạ dày. Diễn viên nhào lộn thường bị vẹo cột sống, bị ngã, gẫy tay chân. Diễn viên uốn dẻo muốn theo nghề thì không nên sinh con, mà muốn sinh con thì phải… bỏ nghề!

Sự khởi nguồn từ niềm đam mê

Hai tay vừa điều khiển xích đu vừa tung những dải lụa, hàm răng cắn chặt mũi dao chống đế kiếm, chân uốn qua vai - sự kết hợp các động tác nhuần nhuyễn của nghệ sĩ Hồng Hạnh tạo nên hình ảnh đẹp và tràn đầy sức sống…

Khán giả vẫn khắc vào trí nhớ tiết mục “đế kiếm trên đu” của Hồng Hạnh vào đầu xuân năm ngoái, tại rạp xiếc Trung Ương. Tiết mục này đòi hỏi, diễn viên phải kết hợp thành thạo nhiều yếu tố như tinh mắt, cơ thể mềm dẻo, khả năng cân bằng, sự linh hoạt và óc phán đoán chuẩn xác. Động tác khó khăn nhất đối với môn nghệ thuật này là móc gót - khoeo - mũi chân để tung hứng. Vừa móc chân, tung cầu vừa cắn mũi dao, tay đưa xích đu, tay chân phải tung hứng quả cầu mềm mại mà khay đựng những chiếc ly nước trên đế kiếm không đổ.

Trở vào sau sân khấu, tay, trán đầm đìa mồ hôi, nữ diễn viên xiếc sinh năm 1980 đã từng “rinh” vài giải Huy chương vàng trong nước và quốc tế chia sẻ với báo giới rằng: “nghề xiếc vất vả, nguy hiểm nhưng trót đam mê rồi, khó bỏ lắm.” Ngày bé, chị theo ông lên Hà Nội thi tuyển vào trường xiếc, thấy người ta xoạc chân, vặn người thì khiếp sợ. Sau, tập luyện, chị quen dần và tỏ ra thích thú. Năm đầu tiên chị học 4 môn cơ bản như: tung hứng, nhào lộn, thể thao, thăng bằng. Bắt đầu từ năm thứ hai, chị chọn lựa tiết mục mang theo cả đời là “đế kiếm trên đu”.

Giống như Hồng Hạnh, biết bao diễn viên nữ khác đến với nghề xiếc từ sự yêu thích, rồi ngày đêm tập luyện, say mê với nghề. Họ đến từ muôn nẻo đường của đất nước, ôn luyện tại trường Cao đẳng Xiếc Việt Nam. Ai may mắn thì được “đầu quân” vào rạp xiếc Trung Ương, còn lại chia nhau về các đoàn, các tỉnh. Có người chọn lựa cho mình một tiết mục hi vọng gắn bó lâu dài như: “đế kiếm trên đu”, “uốn dẻo”; cũng có người, từng ấy năm trong nghề chỉ diễn tiết mục phụ như lắc vòng, đu dây, nhào lộn…
 
Chông gai nghề xiếc nữ - 1
Nghệ sĩ Hồng Hạnh với tiết mục "đế kiếm trên đu"
 
Những tai nạn đau lòng

Không ai có thể thống kê nổi số tai nạn nghề nghiệp của nghề xiếc. Diễn viên nữ lắc vòng thường bị đau dạ dày. Diễn viên nhào lộn thường bị vẹo cột sống, bị ngã - nhẹ thì bong gân, gẫy tay, gẫy chân; nặng thì chấn thương vùng đầu, và có thể mất cả tính mạng. Chưa kể họ bị rạn nứt răng, kiếm, dao găm vào người gây thương tích. Diễn viên uốn dẻo muốn theo nghề thì không nên sinh con, mà muốn sinh con thì phải… bỏ nghề!

Giới trong nghề vẫn thương xót khi kể về tai nạn của nghệ sĩ đu Hồng Vân và Thuý Hạnh (Liên đoàn xiếc Việt Nam). Những lần ngã bong gân, trật khớp, bó bột chưa là gì với cú ngã kinh hoàng từ trên đỉnh rạp xuống đất của nghệ sĩ đu Hồng Vân (sinh năm 1958). Chị bị chấn thương ở đầu, mất trí nhớ trong một thời gian dài và sau này phải “đoạn tuyệt” với nghề, chuyển sang làm công việc ở văn phòng.

Đối với nghệ sĩ đu Thuý Hạnh cũng không may mắn gì. Giờ chị đã 57 tuổi - ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời rồi nhưng chị vẫn bàng hoàng khi nhớ lại những tai nạn gãy tay, gãy chân như cơm bữa mà mình từng trải qua. Xương cốt của người đàn bà có tuổi cũng rệu rã, “xộc xệch” theo năm tháng “uốn, nắn” vất vả.

Nghệ sĩ Hồng Hạnh - cô gái trẻ với màn biểu diễn “đế kiếm trên đu” đẹp mắt cũng không giấu nổi những giọt nước mắt khi vạch áo cho người khác xem những vết thương ở răng, ở ngực - thương tích của những lần rủi ro vào đầu xuân nắm ngoái. Trong một lần biểu diễn tại Thái Lan, chị bị mũi kiếm và cả cái khay lớn đâm trúng ngực một vết lớn và gần gãy hai cái răng. Giờ đây, chị không còn trên cõi đời này nữa. Sau buổi biểu diễn hồi đầu năm, chị bị tai nạn trên đường về nhà…

Chỉ cần một lần chứng kiến buổi tập luyện của các nghệ sĩ xiếc, người ta không tránh khỏi chạnh lòng thương cảm. Những thân hình mảnh mai, vắt kiệt sức mình để tập luyện: cắn răng, căng người và những tiếng thét đau đớn. Những cú xoạc chân thẳng như cái gậy, cong mình như hình tròn và bật người lên không trung diễn ra liên tiếp. Được biết, trung bình, mỗi ngày họ tập luyện trên 4 tiếng dù mỗi tuần chỉ diễn từ 2 - 3 buổi.
 
Chông gai nghề xiếc nữ - 2
Tiết mục xiếc thú có vẻ đỡ... nguy hiểm hơn?
 
“Đau” nghề nhưng có “cứu” nổi nghề?

Chị Hoài Oanh, phòng tổ chức biểu diễn, Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết: “Những tai nạn kể trên chỉ là những chông gai…trước mắt. Về lâu về dài, ngoài những khó khăn mà bất kể diễn viên xiếc nào cũng gặp phải thì người phụ nữ còn bị “ảnh hưởng” về đường sinh con cái, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Tuổi thọ của nghề xiếc vốn ngắn, tuổi thọ của diễn viên nữ lại càng ngắn hơn. Có người ra trường, vào nghề được 2- 3 năm đã nghỉ vì “theo chồng bỏ cuộc chơi””.

“Tuổi biểu diễn của nghệ sĩ xiếc rất ngắn, lại bị rình rập bởi tai nạn, mức thu nhập kém. Lương tháng trên dưới 1 triệu đồng/tháng, hưởng từ 30 - 50 nghìn đồng/buổi diễn, mỗi tháng cũng chỉ dưới 10 buổi diễn nên diễn viên không đủ sống”, NSND Ngọc Trúc nổi tiếng với tiết mục “vũ điệu phương Đông” chia sẻ.

Xác định thực tế về nghề xiếc như thế nên rất nhiều diễn viên xiếc bỏ nghề, tìm kiếm những lời mời gọi khác hấp dẫn hơn. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề xiếc. Họ chỉ đến với nghề để mưu sinh và khi nghề không nuôi nổi họ thì họ ra đi. Nhiều năm qua, ngành xiếc đã thiếu về nguồn nhân lực trẻ lại nghèo về tài năng.

“Thực sự vẫn còn những diễn viên gắn bó, tâm huyết với nghề nhưng họ không thể làm được gì khi khó khăn vẫn chất chồng mà mức thu nhập cứ được đà xuống dốc. Họ cần lắm sự đổi mới của ngành xiếc, sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như báo đài để khích lệ về quyền lợi để diễn viên tâm huyết với nghề”, chị Hoài Oanh thổ lộ.

Thu Nguyên