Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

(Dân trí) - Cách đây tròn 10 năm, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Trường Sa “Biển xanh màu lá” được thưởng thức cái Tết đầu tiên giữa trùng khơi. Cái Tết đầu tiên trên đảo vừa lạ lẫm, hài hước vừa giản tiện về vật chất đã để lại những ấn tượng khó quên...

Năm 2000, nhận nhiệm vụ tôi đóng quân ở đảo Trường Sa lớn với nhiều tò mò và háo hức. Trước khi đặt chân tới đảo, tôi đã được nhiều đồng đội kể chuyện về nơi đầu sóng ngọn gió này và tôi cũng đã viết truyện ngắn đầu tiên về Trường Sa với tựa đề “Hoa biển”. Khi tận mắt nhìn thấy Trường Sa, tôi đã rất ngạc nhiên khi nơi đây nhiều cây xanh hơn trí tưởng tượng “một nơi trơ trọi toàn đá sa hô” của mình. Và đây cũng lần đầu tiên tôi biết thế nào là cây Tra, cây Bàng vuông, cây Mù u, cây Phong ba, Bão táp; và cũng lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến điều kỳ thú nữa ở Trường Sa đó là một số vùng biển nơi đây có màu xanh lá cây…
 
Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - 1
Nhà văn thế hệ 7X Nguyễn Xuân Thủy (Ảnh NV cung cấp)

Thiên nhiên khoáng đạt, đẹp lãng mạn qua con mắt của kẻ lần đầu đặt chân đến với tâm hồn nhiều xao động. Tình cảm giữa người lính vốn đoàn kết, mộc mạc thì với người lính sống giữa trùng khơi sợi dây gắn bó càng khăng khít hơn. Sự vui nhộn, hồn nhiên của những người lính trẻ cũng bộc lộ qua những nét sáng tạo đời thường từ việc gọi con chó là con “gâu gâu”, chép thơ truyền tay nhau thay cho điện thoại, Internet…

Nét vui nhộn, đầy sáng tạo của người lính đảo càng có dịp bộc lộ trong những ngày Tết. Vì quá xa xôi nên cái Tết ở Trường Sa mang ý nghĩa về mặt tinh thần là chính còn để đầy đủ phong vị Tết như trên đất liền là điều khó thực hiện. Người lính đảo thường đón xuân với dây xúc xích, thực phẩm khô… Sự xuất hiện của bánh chưng cũng khá hiếm hoi vì tàu ra trước Tết gần một tháng, lá dong dù bảo quản khéo đến mấy thì đến khi đem gói cũng úa nẫu hết cả. Tôi còn nghe kể, những năm trước có người nghĩ ra cách gói bánh chưng bằng lá bàng đến khi ăn lá ám đắng ngắt không ăn được. Mâm ngũ quả ngày Tết với đầy đủ chuối, bưởi, cam quýt…cũng là điều quá xa xỉ với cái Tết nơi hải đảo.

Lần đầu tiên tôi được ăn cái Tết ở Trường Sa và có lẽ là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời người lính. Ngày đó không có điện thoại, Internet dễ dàng như bây giờ, mối liên lạc duy nhất với gia đình trong dịp cuối năm của người lính là chiếc điện thoại cố định được Ban chỉ huy đảo giữ gìn. Tháng Tết, từng người xếp hàng chờ đợi gọi về cho người thân trong ít phút… Đêm giao thừa, mọi người quây quần tại phòng họp chung ở từng bộ phận để cùng chúc Tết, uống nước ngọt, ăn đồ hộp và nhận lời chúc từ Ban chỉ huy đảo.
 
Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - 2

"Biển xanh màu lá" của Nguyễn Xuân Thủy được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về Trường Sa

 
Tôi còn nhớ từ buổi chiều 29 Tết, tôi cùng đồng đội căng tấm chăn làm phông dán chữ chúc mừng năm mới như các đám cưới ở quê. Mọi người cùng nhau trang trí phòng họp, bày biện dây xúc xích, nước ngọt… đủ cả duy chỉ thiếu….cành đào và mâm ngũ quả. Ở ngoài đảo vây quanh chỉ có sóng nước và gió thì lấy đâu ra hoa quả tươi. Tôi và anh em nghĩ cách làm mâm ngũ quả giả giống như thật. Chúng tôi ra biển tìm những tấm xốp do sóng biển đánh dạt vào bờ mang về bẻ vụn ngâm vào xăng. Xăng thì trên đảo có sẵn để chạy máy nổ.
 
Khi những mẩu xốp tan nhuyễn, chúng tôi nặn thành hình quả chuối, cam, quýt… Nặn chuối là kỳ công và mất thời gian nhất vì phải nặn từng quả rồi ghép thành nải sao cho ăn khớp. Khi đã xong phần chuối, cam quýt, chúng tôi kiếm quả bong đá mi ni cũng là “món quà từ biển” giả làm bưởi. Để có mâm ngũ quả màu sắc như thật, chúng tôi lấy hộp sơn pha màu vẽ lên các quả được nặn khô. Nhưng ngặt một nỗi chỉ có hai loại sơn đỏ và vàng tô màu cho cam quýt, còn chuối bưởi phải thêm chút màu xanh mới đẹp. Nghĩ mãi, cuối cùng có anh nảy ra sáng kiến pha sơn với…mấy lọ hắc lào. Tôi liều mình pha các sắc màu theo ý muốn rồi lấy chổi lông phết lên từng “cốt” quả biến chúng từ màu thâm xỉn của xốp ngăm xăng sang những màu sắc sống động y như thật. Khi “tác phẩm mâm ngũ quả” hoàn thành, anh em cùng bộ phận ai cũng xuýt xoa khen ngợi.
 
Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - 3
Lính Trường Sa háo hức cùng nhau đọc cuốn tiểu thuyết "Biển xanh màu lá"

Không dừng lại đó, mọi người còn bảo nhau lấy khúc phi lao chết khô giả cành đào, rồi lấy vỏ bao bằng ni - lông xanh cắt ra gắn lên làm lá. Đặc biệt, phần nụ đào có người sáng kiến lấy những cuộn giấy vệ sinh được phát dúng nước vo viên lại để nặn hình. Những cuộn giấy ngày đó đều màu hồng. Vậy là dưới bàn tay sáng tạo của người lính trẻ, cành đào, mâm ngũ quả ngày Tết xuất hiện đầy đủ và sinh động. Cũng thêm một kỷ niệm vui nữa là, kết quả chấm điểm trang trí Tết của các bộ phận trên đảo năm ấy, bộ phận ra - đa của chúng tôi giành giải nhất. Cũng qua lần cùng anh em thực hiện trang trí và nặn mâm ngũ quả ấy, mọi người phát hiện ra tôi có tài lẻ về cắt dán, trang trí nên mỗi dịp hội hè, lễ lạt gì, anh em ở các bộ phận khác lại đến “nhờ vả”.

Còn tôi mỗi lần nhớ về cái mâm ngũ quả đặc biệt ấy, lại nhớ đến đêm giao thừa đầu tiên trên đảo. Khi mọi người đã đi ngủ hết, sau phiên trực của mình, một mình tôi lang thang ra cầu Cảng phóng tầm mắt ra sóng nước vời vợi mà thấp thỏm, chộn rộn trước giờ chuyển giao sang năm mới. Theo thói quen, với tay tôi định hái một cành lộc mang về phòng nhưng rồi lại tần ngần không dám hái. Cây xanh ngoài đảo được người lính quý lắm…

Tôi cũng nhớ về cái Tết đầu tiên không ai lì xì. Không phải vì tiết kiệm mà vì trên đảo… không tiêu tiền. Không có hoạt động mua bán trên đảo mà mọi nhu yếu phẩm đều được cấp phát. Chính vì thế mà cho mãi về sau này, đến tận bây giờ, mỗi khi được gợi nhớ lại quãng thời gian sống trên đảo Trường Sa tôi vẫn luôn ám ảnh về những chiếc phong bì viếng đám tang. Mỗi khi có tin người thân của lính đảo mất, mọi người lập bát hương rồi cũng đặt lên những chiếc phong bì viếng nhưng trong những chiếc phong bì không có tiền. Ai đó đã nghĩ ra cách mỗi người ghi số tiền ra giấy rồi cho vào phong bì, cuối tháng người quản lý sẽ trích số tiền “lương” tương ứng với con số ghi trên phong bì của người viếng để chuyển sang chế độ của người được nhận…
 
Cái tết đầu tiên giữa trùng khơi của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - 4
Khoảnh khắc "nhí nhảnh" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và người lính trên đảo

8 năm sau ngày đóng quân ở Trường Sa, tôi lại được dịp ra đảo công tác với tư cách nhà báo. Tình cảm về người lính Trường Sa vẫn thế, riêng đảo xanh tươi nhiều cây cối hơn, đời sống cũng phong phú hơn cả về vật chất cũng như tinh thần… Năm nay đã tròn 10 năm, tính từ khi được ăn cái Tết đầu tiên ở đảo Trường Sa, nhiều cái Tết tôi được sum vầy với gia đình, người thân nhưng chẳng khi nào tôi có thể quên được cái Tết  ấy, đêm giao thừa ấy, mâm ngũ quả ấy giữa trùng khơi….
 

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 tại Phú Thọ.
 
Tác phẩm đầu tiên anh viết về người lính biển là truyện ngắn Hoa biển đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội khi chưa đặt chân đến Trường Sa. Đó là tác phẩm văn học đầu tiên của anh được đăng báo và đó cũng chính là động lực, dấu mốc thôi thúc anh theo đuổi con đường cầm bút. Sau này, lần lượt những tác phẩm văn học về Trường Sa ra đời bằng sự cảm nhận của một anh lính đang sống và làm việc ở chính nơi đầu sóng ngọn gió…

Biển xanh màu lá được thai nghén trong những năm 2003-2006, ra mắt độc giả năm 2008 được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về Trường Sa với lối kể chuyện khoáng đạt và giản dị. Cuốn tiểu thuyết như nhật ký của một người lính đã có hai năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng của đất nước. Nhận xét về cuốn tiểu thuyết đậm chất lính này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Biển xanh màu lá đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta…”.

Nhận nhiều phản hồi tốt từ đồng nghiệp, bạn đọc và đặc biệt là những người lính Trường Sa về Biển xanh màu lá, năm 2011 này, cây bút trưởng thành từ Trường Sa tiếp tục xuất bản cuốn sách dành cho các em thiếu nhi với tựa đề Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa. Cùng với đó, tiểu thuyết Biển xanh màu lá cũng mới được NXB Phụ nữ tái bản…

Ngoài hai tựa sách trên, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã in nhiều cuốn khác như: Trong mênh mang bầu trời (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2007); Dòng đời cuộn chảy (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2008); Khát vọng dưới đỉnh Fansipan (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2009); Sát thủ online (Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân, 2010)…

Bên cạnh đó, anh cũng nhận được khá nhiều giải thưởng: Giải ba bút ký văn học - Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2004, giải ba truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 2009, giải C (không có giải A) tặng thưởng Báo chí - Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009) cho tiểu thuyết Biển xanh màu lá, giải nhì (không có giải nhất) bút ký văn học - Tạp chí Nhà văn 2008, giải A cuộc thi tiểu thuyết với đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2007-2010)…

Hiện nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đang công tác tại NXB Quân đội nhân dân với vai trò biên tập viên Phòng sách văn nghệ kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Quân Sự.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Hằng ghi