Bức Tường: 12 năm nhìn lại một chặng đường

(Dân trí) - Lời tạm biệt của Bức Tường đã khiến những fan hâm mộ yêu quý họ cảm thấy tiếc nuối cho sự nghiệp huy hoàng, những cống hiến hết mình của họ. Liệu thị trường nhạc Rock của Việt Nam có kém sôi động khi một trong những ban nhạc đầu đàn nói lời tạm biệt?

Bức Tường - “Quả bóng tháng năm dài”… 

 

Không ai có thể phủ nhận, Bức Tường (The Wall) là một hiện tượng của lịch sử phát triển Rock Việt. Trong vòng 12 năm qua, Bức Tường đã gặt hái được một thành quả lớn lao mà không thể gọi bằng từ gì chuẩn xác hơn là “kì tích”.

 

Dẫu hiện tại, rất nhiều người nhận xét rằng, Bức Tường đã vượt qua đỉnh cao và đang trong giai đoạn tuột dốc theo qui luật phát triển thịnh - suy, lên - xuống, song họ vẫn tự tin đứng vào vị trí số một trong bảng xếp hạng Rock Việt (nếu có).

 

Và vì Bức Tường quá nổi tiếng, quá quen thuộc với người Việt Nam, cả với những người yêu mến hay không yêu mến họ, nên sẽ là thừa nếu chúng ta phải “tua” lại, “lược sử” cũng như phân tích, bình luận những điều được - mất, thành - bại của Bức Tường.

 

Vinh quang thuộc về những chàng trai biết mơ ước

 

Năm 1995, cái tên Bức Tường cùng với hình ảnh Đường đến ngày vinh quang chính thức xuất hiện trên thị trường âm nhạc. Nó không phải đơn thuần chỉ là sự xuất hiện của một ban nhạc mà còn đánh dấu sự ra đời của hình ảnh những người Việt trẻ tuổi dám mơ ước, dám vượt qua “số phận định trước” để tạo lập cuộc đời mới từ điểm xuất phát “chỉ là con số không”.

 

Thật khó mà quên được, hình ảnh những chàng trai đại học xây dựng Hà Nội xuất hiện với tên gọi Bức Tường (The Wall) “chở” con thuyền Đường tới ngày vinh quang đến với khán giả. Một con đường khai thông cho thứ ánh sáng mạnh mẽ, cuồng nhiệt của Rock vào đời sống của người dân Việt.

 

Một thời gian dài, trên đường phố luôn văng vẳng âm thanh của “Ngày đó ngày đó sẽ không xa, và chúng ta là người chiến thắng, và ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa, vượt gian nan vươn tới những đỉnh cao … ngày đó ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là những người chiến thắng, đường đến những ngày vinh quang không còn xa, dù khó khăn vẫn còn…”

 

Bức Tường: 12 năm nhìn lại một chặng đường  - 1

Liệu thị trường nhạc Rock của chúng ta có ngừng sôi động

khi một ban nhạc được yêu quí nói lời tạm biệt?

 

Hồn dân tộc - luôn ở trong tim

 

Các sáng tác của Bức Tường mang đậm nét “dân tộc”, từ nàng Tô Thị trong Người đàn bà hóa đá đến “chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy”. Hình ảnh người lao động Việt Nam trong Ra khơi được chơi theo “kiểu” Bức Tường một cách mạnh mẽ cho đến tình cảm Cha và con sâu đậm. Từ hình ảnh sông hồng cuồn cuộn sóng trong Bài ca sông Hồng cho đến hình ảnh Cây bàng lặng lẽ như lời tâm sự thiết tha của một sinh linh.

 

Tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn dầu về đất nước và con người Việt Nam với tiếng guitar hòa quyện trong tiếng trống, từng nhịp, từng nhịp, mạnh mẽ…

 

Nhưng cái tài của Bức Tường ở đây chính là cái nhìn lạc quan, tin tưởng của họ về cuộc sống - một cuộc sống tốt đẹp hơn “Khám phá thế gian này rực rỡ, cuộc sống này bao la, còn bao điều muốn tìm. Khám phá những con người quanh ta, Cùng những đỉnh cao xanh, để cuộc sống thêm tuyệt vời…”

 

The last Saturday - nên hay không nên?

 

Có rất nhiều ý kiến xung quanh The Last Saturday, khen có, chê có nhưng có lẽ tỉ lệ không hài lòng chiếm phần cao hơn. Ở đây xin không luận bàn về thành công hay thất bại của show diễn cuối cùng mà hãy nói đến hình ảnh ban nhạc Bức Tường.

 

Dẫu biết cuộc vui nào rồi cũng sẽ qua, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn, và sự nghiệp của một ban nhạc nào lên cao trào rồi cũng “rớt” xuống, tan rã theo qui luật của cuộc sống. Chúng ta tiếc cho sự nghiệp huy hoàng của Bức Tường, sự cống hiến hết mình của họ cho âm nhạc…

 

Hy vọng, sau Bức Tường sẽ có rất nhiều các ban nhạc trẻ sẽ kế tiếp sự nghiệp huy hoàng của Bức Tường, điểm tô sắc màu cho bức tranh Rock Việt, để rồi “Đường tới những ngày vinh quang, con đường chúng ta đã chọn…” sẽ thực sự đến với Rock Việt.

 

TT.Thuý