Bảo Lan: Cũng thuộc một số “thảm họa nhạc Việt”

(Dân trí) - Thành viên của nhóm nhạc 5 dòng kẻ chia sẻ chị nhiều lần nghe những “thảm họa nhạc Việt” để có thể hiểu về chuyện gì đang diễn ra trong thị trường âm nhạc. “Đôi khi tôi thuộc một vài “thảm họa” ấy trong vô thức mà không hề biết”, Bảo Lan khẳng định.

Sự xuất hiện ít ỏi của 5 Dòng Kẻ (5DK) trong những sự kiện âm nhạc gần đây, có nói lên được rằng nhóm đang chán nản âm nhạc hay là nhóm đang thiếu show diễn?

 

Tình hình chung của thị trường âm nhạc của chúng ta lúc này là đang rất khó khăn, nhu cầu của người nghe cũng chững lại… do đó những show diễn phù hợp với tiêu chí của nhóm thật sự là không nhiều. Thời gian này các show của nhóm chủ yếu là show truyền hình ở nhà hát hoặc là event… Còn chuyện chán nản âm nhạc thì vẫn chưa xảy ra với nhóm.

 

Cát-sê cho một nhóm nhạc đôi khi cao hơn một ca sĩ solo rất nhiều, phải chăng cũng là một hạn chế trong việc nhóm nhận show?

 

Rõ ràng cát-sê cho nhóm nhạc cũng là một hạn chế mà vẫn chưa biết cách nào “du di” được. Bao nhiêu năm nhóm phấn đấu cho thương hiệu của mình, nên không thể xem mọi thứ là một món hàng để hôm nay giảm giá hoặc ngày mai tăng giá… Trong khi bài toán chi phí cho các show diễn bây giờ là cả một vấn đề nên nhiều khi các nhóm hát như 5DK thiếu show diễn cùng là điều dễ hiểu.


Bảo Lan: Cũng thuộc một số “thảm họa nhạc Việt” - 1
Bảo Lan của nhóm 5 Dòng Kẻ
 

Ca sĩ thì sống bằng show diễn, ít show thì sẽ ảnh hưởng đến chuyện “cơm áo”?

 

Tạm thời thì nhóm vẫn có nhiều cách khác nhau để duy trì “nồi cơm” của mình, như tôi và thành viên Lan Hương thì đang làm cô giáo dạy thanh nhạc cho các bạn thí sinh trong show truyền hình thực tế Sáng bừng sức sống, còn Thùy Linh thì mở nhà hàng, Hồng Ngọc thì có gia đình hỗ trợ…

 

Là thành viên của một nhóm hát tên tuổi, đã chinh chiến qua nhiều thời kì nhạc Việt, cá nhân chị có cảm thấy một cuộc thi như Sáng bừng sức sống có thể lạc quan trong việc gây dựng nên một nhóm nhạc nữ tài năng?

 

Nhiều khi khán giả chỉ nhìn thấy màn biểu diễn kéo dài trong khoảng 5 phút của một nhóm hát trên sân khấu, nhưng họ không hiểu hết để có 5 phút đó thì mất đến bao nhiêu thời gian công sức của các thành viên, từ những việc đơn giản nhất mà mỗi thành viên phải làm là hiểu rõ tính cách của nhau, cách phân chia công việc, cách làm việc theo nhóm…

 

Vậy nên, đôi khi tôi nhìn những giọt nước mắt của thí sinh trong cuộc thi, tôi hiểu rõ niềm hạnh phúc ấy không chỉ đến từ việc họ biểu diễn thành công mà còn ở việc họ đã biết vượt qua những khó khăn trong một môi trường hoàn toàn mới mẻ. Tôi nghĩ thành công của một nhóm nhạc đến từ 50% tài năng, 50 % còn lại thì phụ thuộc vào rất nhiều thứ từ chiến lược của nhà sản xuất cho đến sự may mắn, rồi có ca khúc phù hợp…


Bảo Lan: Cũng thuộc một số “thảm họa nhạc Việt” - 2


Có lúc nào đó chị nghĩ đến việc dừng lại và làm một công việc khác?

 

Kinh doanh thì tôi không có năng khiếu, còn trở thành ca sĩ hát solo thì khả năng giọng hát của tôi cũng không cho phép… Nên nếu tương lai có những thay đổi bắt buột thì tôi thích làm công việc giảng dạy, đào tạo… vì đó là cách tôi vẫn giữ được niềm đam mê âm nhạc mà lại có cơ hội truyền nghề cho các bạn trẻ của những thế hệ sau muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

 

Thật ra, nhóm có cảm thấy mình đang ở thời kì quá độ, và cần một hướng đi mới để mọi chuyện sáng sủa hơn?

 

Đúng là nhóm cũng không còn ở độ tuổi trẻ nữa, có thành viên cũng đã lập gia đình và có con rồi. Chắc chắn là 5DK sẽ phải chuyển hướng để tạo nên một sự mới mẻ cho chính bản thân của nhóm, nhưng tôi khẳng định là nhóm chưa có ý định ngừng lại lúc này.

 

Theo kế hoạch thì cuối năm 2011 nhóm sẽ phát hành một album mới. Và lần này 5DK sẽ chủ động tất cả mọi khâu trong quá trình thực hiện album từ bài hát tự sáng tác cho đến khâu biên tập, hòa âm…để sản phẩm thật sự mang dấu ấn của 5DK từ đầu đến cuối.


Bảo Lan: Cũng thuộc một số “thảm họa nhạc Việt” - 3

 

Sự khó khăn của thị trường hôm nay còn ảnh hưởng bởi một số thứ gọi là “thảm họa nhạc Việt”, hỏi thật, cá nhân chị có hay nghe những ca khúc như thế?

 

Rõ ràng mỗi giai đoạn âm nhạc đều có những bất cập của riêng nó. Nói một cách thẳng thắn thì những “thảm họa” như vậy cũng đã thu hút một lượng lớn khán giả quan tâm vì sự tò mò… còn chuyện sau đó họ nghe xong cảm thấy khó chịu hay không để ý đến nó nữa lại là một chuyện khác. Vấn đề mà tôi muốn chia sẻ ở đây là những người làm ra “thảm họa” đó với mục đích cho mọi người biết đến mình thì họ đã thành công ở một khía cạnh nào đó…

 

Ngày trước tôi ít nghe nhạc Việt lắm, nhưng theo thời gian mình làm nghề thì phải hiểu về những thứ diễn ra xung quanh mình. Và đôi khi tôi cũng phải chịu khó nghe những “thảm họa” ấy để hiểu khán giả của chúng ta đang nghĩ gì, có lúc tôi còn thuộc một vài ca khúc thuộc hàng “thảm họa” ấy trong vô thức luôn mà không hề biết… (Cười lớn)

 

Nguyên Phan