Bảo hộ quyền tác giả, khi nào có hiệu lực?

(Dân trí) - Sau khi đọc bài viết “Lại chuyện bản quyền…” viết về vụ kiện bản quyền giữa nhà Hán học Nguyễn Quảng Tuân với ông Đào Thái Tôn (công tác tại viện nghiên cứu Hán Nôm), “Dân trí” đã nhận được bài viết của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, người được ông Nguyễn Quảng Tuân uỷ quyền làm đại diện trong vụ kiện.

Một thời “ra ngõ gặp anh hùng” khiến mình căng mày nở mặt với bè bạn khắp năm châu. Buổi nay “mở mắt là thấy “đạo”: từ tham nhũng, tức đạo công sản, cho đến đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo ảnh, đạo luận án… vốn là điều tối kỵ của “kẻ sĩ”, từ chép câu, sao ý, nhái hình theo kiểu cò con đến “thuổng” phắt tác quyền kiểu “làm ăn lớn”! Nghĩa là phổ biến đến mức “đạo” (trộm cắp) đã trở thành “đạo” (phương châm sống) của không ít người trong xã hội, làm ta ngờ có thể hội nhập được quốc tế!

Thực vậy, WTO hay AFTA đều không phải là sân chơi của những trò “ăn gian” và vì vậy để tham gia vì sự phát triển bền vững của chính mình, Việt Nam buộc tham gia nhiều điều ước quốc tế trong đó có Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Chính điều này đã kích hoạt, hay nói đúng hơn, đã phục sinh trong bộ luật dân sự (BLDS) 2005 và mới đây trong luật sở hữu trí tuệ (LSHTT). Quyền tác giả vốn đã có trong bộ luật dân sự 1995. Cụ thể là điểm C khoản 2, điều 738 BLDS 2005 (quyền tác giả gồm quyền nhân thân trong đó có quyền công bố và cho phép người khác công bố tác phẩm), khoản 2 điều 739 BLDS 2005 (quyền nhân thân tồn tại vô thời hạn trừ quyền công bố và cho người khác công bố tác phẩm do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định), khoản 3 điều 19 LSHTT (quyền tác giả gồm quyền nhân thân trong đó có quyền công bố và cho phép người khác công bố tác phẩm), điểm b khoản 2 điều 27 LSHTT (tác phẩm được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết).

Nói cách khác, mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đều có thể là đối tượng khởi kiện và bị xử lý bằng các biện pháp dân sự. Ngoài ra hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 212 LSHTTĐiều 131 Bộ Luật Hình sự (tội xâm phạm quyền tác giả). Quyết tâm bảo hộ quyền tác giả của Nhà nước Việt Nam càng được tăng cường khi mới đây, ngày 6/6/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin trong đó hành vi “xuất bản, tái bản tác phẩm viết để kinh doanh mà không có thoả thuận bằng văn bản với chủ sở hữu tác phẩm” sẽ bị phạt tiền từ 10 –20 triệu đồng. Trong bối cảnh đó, việc ông Đào Thái Tôn (ĐTT) công nhiên xâm phạm tác quyền của ông Nguyễn Quảng Tuân (ĐTT), (năm nay đã 81 tuổi), không gì khác hơn một sự thách thức pháp luật, và hơn thế nữa, một sự xâm hại nỗ lực quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Ông Đào Thái Tôn  lấy toàn văn 4 bài nghiên cứu về Truyện Kiều của ông Nguyễn Quảng Tuân để in vào quyển Văn bản truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận do ông Đào Thái Tôn đứng tên tác giả (NXB Hội Nhà văn 2001) với độ dài 72 trang nhưng không hề xin phép ông Nguyễn Quảng Tuân. Năm 2003 ông Đào Thái Tôn cho ban quản lý di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) in lại cuốn sách đó và tiếp tục “lờ” ông Tuân đi. Vì thế, ông Nguyễn Quảng Tuân “đâm đơn” ra toà khởi kiện ông Đào Thái Tôn về hành vi trên và ngày 14/2 đơn đã được toà án thụ lý. Hiện vụ án do thẩm phán TAND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thuỷ giải quyết.

Như đã phân tích, hành vi của ông Đào Thái Tôn xâm phạm quyền tác giả của có thể bị xử lý dân sự hoặc hình sự. Tuy nhiên ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ đề nghị xử lý dân sự đối với ông Đào Thái Tôn, một hành động được coi là thiện chí của nguyên đơn.

Điều đáng lưu ý là khi ông Nguyễn Quảng Tuân  “đâm đơn” thì LSHTT chưa có hiệu lực nên ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ căn cứ vào BLDS 2005 để khởi kiện. Tuy nhiên, điều 220 LSHTT lại quy định: Quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực trước ngày luật này có hiệu lực, nếu còn thời hạn bảo hộ vào ngày luật này có hiệu lực thì được tiếp tục bảo hộ theo quy định của Luật này. Nghĩa là LSHTT bảo hộ chuyển tiếp quyền tác giả được quy định tại BLDS 2005. Như vậy, do các tác phẩm của ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn trong thời hạn được bảo hộ nên Toà án sẽ áp dụng LSHTT có hiệu lực từ 1/7/2006 để xét xử.

Về phía ông Đào Thái Tôn, thoạt đầu trong lần đối chất tại toà, ông dứt khoát “văn hành công khí”, bài đã đăng báo, in sách thì không còn là tài sản riêng của tác giả nữa mà trở thành công cụ, tài sản chung của xã hội, ai xài cũng được và không phải trả nhuận bút cho tác giả!  Không may cho ông, Đào Thái Tôn lại tự mâu thuẫn với chính mình khi trả lời những câu hỏi của đại diện nguyên đơn.

Sau lần đó, chắc hẳn thấy cái “lý” của mình không thể thay được “luật” theo đúng nghĩa đen của từ này, ông Đào Thái Tôn đành mời luật sư trợ giúp và sự thể quả có khác đôi chút.  

Ngày 10/7/2006 ông Đào Thái Tôn đã gửi toà án Đơn trình bày về xâm phạm quyền tác giả trong đó ông cho rằng không thể áp dụng Điều 739 BLDS 2005 vì có những khoản “do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định mà LSHTT đến ngày 1/7 mới có hiệu lực”! Với lý do này ông Đào Thái Tôn đề nghị toà án áp dụng BLDS 1995, cụ thể là điều 761 (các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao). Tuy nhiên, một lần nữa, lập luận của ông Đào Thái Tôn hoàn toàn sai lầm và đầy mâu thuẫn. 

Thứ nhất, ông ĐTT gửi đơn tới toà án vào ngày 10/7 nhưng vẫn khăng khăng không thể áp dụng LSHTT có hiệu lực từ 1/7!!! Quả là “gậy ông đập lưng ông”. 

Thứ hai, cứ cho rằng không có LSHTT hoặc LSHTT chưa có hiệu lực thì Điều 761 BLDS 1995 cũng không bao giờ có thể là cái “phao” cứu ông Đào Thái Tôn thoát khỏi hành vi xâm phạm quyền tác giả. Thực vậy, Điều 761 BLDS 1995 chỉ áp dụng cho “trích dẫn tác phẩm”! Còn “trích dẫn” là gì thì bất cứ ai cũng có thể tham khảo mục từ này trong bất kỳ cuốn từ điển tiếng Việt đương đại nào. Chẳng hạn theo từ điển tiếng Việt do NXB KHXH ấn hành năm 1988, trích dẫn là “Dẫn nguyên văn một câu hay một đoạn văn nào đó”. Vì vậy, không thể áp dụng điều luật này cho trường hợp của ông Đào Thái Tôn vì ông này đã dẫn toàn văn các tác phẩm của ông Nguyễn Quảng Tuân. Ngay chính ông Đào Thái Tôn trong Đơn ngày 10/7 cũng khẳng định: “khi sử dụng 4 bài báo của ông (Nguyễn Quảng Tuân), tôi đã cẩn thận in trung thành đến từng dấu phảy. Như vậy là tôi đã bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” (ông Đào Thái Tôn nhấn mạnh bằng chữ in nghiêng).

Có thể nói, ngày phán quyết đang tới rất gần, trong tháng 10 này như toà cho biết, vì cả hai lần hoà giải đều không thành do ông Đào Thái Tôn một mực phủ nhận đã xâm phạm tác quyền của ông Nguyễn Quảng Tuân nhưng nhất là vì đã quá cả tháng trời thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại điều 179 Bộ Luật tố tụng dân sự (4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án và chánh án có thể quyết định gia hạn thời hạn này nhưng không quá 2 tháng). Tuy nhiên vụ án sẽ được đình chỉ theo điều 192 Bộ Luật tố tụng dân sự nếu ông Đào Thái Tôn công khai xin lỗi và thỏa thuận được với ông Nguyễn Quảng Tuân về việc bồi thường thiệt hại.

Về phần mình, người viết bài này nhận lời làm đại diện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Nguyễn Quảng Tuân  không chỉ vì bản thân hành nghề luật mà trước hết vì bức xúc của ông Nguyễn Quảng Tuân  cũng là bức xúc của bản thân. Thực vậy, với tư cách là người thừa kế của Xuân Diệu và Huy Cận, người viết bài này cũng là đối tượng bị xâm phạm tác quyền. Trên thực tế, từ 20 năm nay kể từ ngày Xuân Diệu mất, tác quyền của ông liên tục bị xâm phạm. Nghĩa là người ta cứ thoải mái in tác phẩm của Xuân Diệu mà không đoái hoài đến việc xin phép người thừa kế, như ông ĐTH, chủ một công ty sách tư nhân vào hàng “đại gia” chẳng hạn. Cho đến khi nói sẽ kiện ra toà thì ông ĐTH mới vội cử người chạy đến năn nỉ tôi bỏ qua và trả tác quyền hợp lý. Có thể trong một chừng mực nào đó ăn cắp một quyển sách không bị coi là hành vi xấu, thậm chí có người coi đây là hành vi sang trọng vì là “ăn cắp văn hóa”. Nhưng quỵt tác quyền của cả ngàn cuốn sách “chính thức” xuất bản thì không thể không bị pháp luật trừng trị vì luật quy định cứ chiếm đoạt tài sản từ 500.000 đồng trở lên là hành vi phạm tội (“chính thức” là vì ngoài chuyện “nói một đằng làm một nẻo” còn có việc nối bản “hết ngày dài lại đến đêm thâu”).

Tóm lại, có cơ sở để tin rằng sự “phất” lên nhanh chóng của nhiều “đại gia” trong lĩnh vực xuất bản là dựa trên sự “ăn chặn” tác quyền dưới hình thức này hay hình thức khác!                     

TS Luật Cù Huy HàVũ