Tại sao hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc sớm "vượt mặt" Mỹ?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dù là cường quốc kinh tế nhưng mạng lưới đường sắt cao tốc của Mỹ vẫn thua kém so với Trung Quốc kể cả tổng chiều dài và tốc độ tàu chạy.

Theo dữ liệu từ Statista, một nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập cung cấp số liệu thống kê báo cáo, hiện Trung Quốc đang sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 40.000km.

Trên bảng xếp hạng 10 chuyến tàu nhanh nhất thế giới, Trung Quốc cũng chiếm tới 4 tàu. Trong đó, chuyến tàu cao tốc bận rộn nhất nước này là tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, chạy với tốc độ 350km/h.

Ở phía bên kia bán cầu, dù là một trong những cường quốc kinh tế, nhưng hệ thống đường sắt cao tốc của Mỹ được đánh giá vẫn thua kém so với Trung Quốc.

Tại sao hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc sớm vượt mặt Mỹ? - 1
Tàu cao tốc không người lái ở Bắc Kinh (Ảnh: Insider).

Cụ thể, tổng chiều dài hệ thống đường sắt cao tốc nước này là 735km. Chuyến tàu nhanh nhất nước Mỹ hiện thuộc về Acela Express của công ty Amtrak, chạy với tốc độ 240km/h.

Được biết, từ năm 2008, Trung Quốc đã sớm xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc của mình. Trong khi đó, Mỹ lại có những dự án bị trì hoãn hoặc tạm gác lại.

Và đây là những lý do khiến Mỹ bị tụt hậu so với Trung Quốc xét trên lĩnh vực công nghệ đường sắt cao tốc.

Tại Mỹ, nhiều phần của tuyến đường sắt "hàng lang Đông Bắc" vẫn dựa trên phần đường cũ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài ra còn có những đường hầm, cầu, rất cũ kỹ, nên tàu không được phép chạy tốc độ quá nhanh. Những đoạn đường ban đầu xây dựng với mục đích chở hàng và chở khách. Tàu Acela cũng chạy trên đoạn đường này.

Tại sao hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc sớm vượt mặt Mỹ? - 2
Một tuyến đường sắt tại Mỹ (Ảnh: Railway).

"Trong khi đó, Trung Quốc lại thiết kế đường ray riêng cho tàu cao tốc. Loại tàu này cần những khúc cua uyển chuyển và đoạn dốc nhẹ nhàng để tàu chạy an toàn, êm ái hơn", ông Zhenhua Chen, Phó giáo sư về Quy hoạch vùng và đô thị tại Đại học bang Ohio (Mỹ), đưa ra nhận xét.

Bên cạnh đó, tàu của Mỹ không thể đạt tốc độ tối đa là do cách thiết kế đường ray khiến nó không chạy vượt quá 260km/h.

Nhiều tàu chở khách truyền thống của Mỹ chỉ hoạt động nhanh hơn từ 16km/h đến 24km/h so với các tàu chở hàng ở khúc quanh của đường ray. Còn phía Trung Quốc lại xây đường sắt cao tốc ở những tuyến đường trên cao. Điều này giúp tàu chạy ở tốc độ cao hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn.

Ngoài ra, vị trí thiết kế nhà ga tàu ở hai quốc gia này cũng có sự khác biệt. Nếu tại Trung Quốc, nhà ga cho đường sắt cao tốc xuất hiện cả ở vùng nông thôn và ngoại thành, thì ở Mỹ, ga chủ yếu đặt tại các trung tâm đô thị.

Tại sao hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc sớm vượt mặt Mỹ? - 3
Trong những năm qua, hệ thống đường sắt cao tốc ở Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt (Ảnh: CGTN).

"Khi du khách muốn xác định xem tuyến đường sắt cao tốc đi về đâu, nên xem hai trung tâm dân cư mà mình muốn kết nối nằm ở đâu", ông Scott Sherin, Giám đốc kinh doanh công ty Alstom tại Mỹ, cho biết.

Để tàu đạt tốc độ cao hơn chắc chắn cần thiết kế một hệ thống chuyên dụng. Trong khi Trung Quốc đang làm rất tốt điều này, thì phía Mỹ lại "chậm chạp" trong việc phát triển đường sắt cao tốc.

Ở Mỹ, đường sắt từng "thống trị" trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, con người giữa các bang. Nhưng tới giữa thế kỷ 20, khi hệ thống Xa lộ Liên bang ra đời, điều này cũng thay đổi. Quốc gia này còn tồn đọng nhiều kế hoạch đường sắt cao tốc nhưng chưa thực sự được triển khai.

Tại sao hệ thống đường sắt cao tốc của Mỹ chưa thể "đuổi kịp" Trung Quốc? (Nguồn: Wall Street Journal Video).

"Xe ô tô cá nhân, di chuyển bằng đường hàng không vốn là phương thức đi lại cơ bản của người dân Mỹ. Để thay đổi được thói quen này cần rất nhiều nỗ lực. Còn hệ thống đường sắt cao tốc tại Trung Quốc được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, rót vốn đầu tư hàng tỷ USD. Họ đang nỗ lực tạo ra những thay đổi nhất định", Phó giáo sư Zhenhua Chen nhận xét.

Cuối cùng, Trung Quốc còn tự phát triển công ty sản xuất tàu của riêng mình - CRRC. Hiện CRRC là một trong những nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới.

Dù Mỹ cũng có những công ty nước ngoài tới phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc nhưng đang gặp phải một số thách thức để phù hợp với quốc gia này.