Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic

Huy Hoàng

(Dân trí) - Điểm sâu nhất từng được ghi nhận trên thế giới đạt độ sâu khoảng 11.000m, thậm chí lớn hơn cả chiều cao của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Nơi sâu nhất thế giới

Vực thẳm Challenger gần 11.000m là độ sâu lớn nhất mà con người từng khám phá. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con người mới chỉ biết khoảng 5% của đại dương, trong khi 95% còn lại vẫn là bí ẩn chưa được khám phá.

Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic - 1
Vực thẳm Challenger hiện là điểm sâu nhất trong lớp vỏ trái đất nằm ở cuối khu vực phía nam của rãnh Mariana (Ảnh: News).

Thật vậy, con người đã thám hiểm tất cả những đỉnh núi và hòn đảo trên khắp thế giới. Trong khi 3/4 hành tinh này là nước và nó sâu hơn nhiều so với tất cả đất trên toàn cầu gộp lại.

Nếu như mặt đất có những ngọn núi và thung lũng khổng lồ, thì ở dưới nước cũng tồn tại những cấu trúc tương tự. Đặc biệt nhất phải kể tới khe nứt ở phía tây Thái Bình Dương dài hơn 2.540km, còn gọi là rãnh Mariana. Nơi này có vực thẳm Challenger hiện đang là điểm sâu nhất từng ghi nhận trên trái đất.

Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic - 2
Từ độ sâu khoảng 1.000m trở xuống, ánh sáng không thể chiếu tới (Ảnh: News).

Với độ sâu gần 11.000m, con số này gấp 3 lần độ sâu mà xác tàu Titanic đang nằm bên dưới (khoảng 3.800m) và lớn hơn cả chiều cao của Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.

Ai là người khám phá ra nó?

Từ năm 1872 đến 1876, một chương trình khoa học được cho là "đặt nền móng" cho ngành hải dương học sau này. Nó có những khám phá đáng chú ý về hành tinh của chúng ta. Vực thẳm Challenger được đặt theo tên của HMS Challenger, một tàu khảo sát của Hải quân Hoàng gia Anh.

Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic (Nguồn: Brian Sturf).

Đoàn thám hiểm này là những người đầu tiên phát hiện ra rãnh Mariana. Nhưng phải tới năm 1960, chuyến lặn biển đầu tiên xuống vực thẳm Challenger mới được diễn ra.

Trong chuyến đi này, hai du khách có tên Jacques Piccard và Don Walsh rất sửng sốt khi lần đầu tận mắt chứng kiến những sinh vật sống ở độ sâu đó.

Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic - 3
Đạo diễn phim "Titanic" là một trong số ít những người từng đặt chân tới vực thẳm Challenger (Ảnh: New York Times).

Và đạo diễn phim Titanic năm 1997 James Cameron là nhà thám hiểm tiếp theo xuống vực thẳm. Ông ngồi trên tàu lặn, tiến tới độ sâu khoảng 10.908m, qua đó lập kỷ lục thế giới vào năm 2012.

Để dễ hình dung về độ sâu này, các chuyên gia mô tả nó sâu tương đương với 13 tòa nhà cao tầng nhất thế giới xếp chồng lên nhau từ đầu tới cuối. Vào năm 1960, con tàu đầu tiên khám phá mất tới 5 tiếng mới tiếp cận được phần đáy và chỉ ở đó khoảng 20 phút là ngoi lên bề mặt.

Theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tàu xuống vực thẳm Challenger có thể chịu được áp suất tương đương với 50 chiếc máy bay Boeing 747 cỡ lớn.

Và mỗi độ sâu khác nhau lại được phân chia rõ ràng. Đầu tiên là 40m so với mặt nước biển. Đây là độ sâu lớn nhất cho phép con người có thể lặn.

Sự thật về nơi sâu nhất thế giới gấp 3 lần độ sâu của xác tàu Titanic - 4
Một số sinh vật kỳ lạ sống ở độ sâu nơi ánh sáng không chạm tới (Ảnh: The Guardian).

Tới độ sâu 100m là nơi thợ lặn có thể gặp nguy hiểm vì áp suất nước. Đến độ sâu khoảng 500m so với mặt nước biển là giới hạn lặn của loài sinh vật lớn nhất hành tinh - cá voi xanh. Ở độ sâu này, áp lực nước được đo tương đương với áp lực của một con gấu trắng đứng lên đồng xu nhỏ.

Từ khoảng cách 1.000m cách mặt nước biển là vùng nước đáng sợ với con người. Khi đó, ánh sáng không thể chạm tới độ sâu này. Phần còn lại của đại dương chìm trong bóng tối.

Độ sâu 2.000m là khu vực có thể tìm thấy những loài sinh vật biển đáng sợ như cá rồng đen. 2.250m là giới hạn lặn của cá nhà táng và mực khổng lồ Nam Cực.

Đến độ sâu 3.800m, ta sẽ bắt gặp con tàu huyền thoại Titanic. Tới 4.000m được coi là vùng sâu của đại dương. Và độ sâu khoảng 11.000m được đặt tên theo Hades, vị thần cai quản địa ngục trong Thần thoại Hy Lạp.

Dù con người đã khám phá ra bề mặt đại dương hàng chục nghìn năm nay, nhưng mới chỉ khoảng 20% đáy biển được lập bản đồ. Các chuyên gia ngày nay cho biết, họ phải dựa vào công nghệ sóng âm mới hoàn thiện dần bức tranh toàn cảnh về cấu trúc bên dưới vùng đáy đại dương.