Quảng Bình:

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang: “Nóng” trước giờ “G”

(Dân trí) - Dù Lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa chính thức diễn ra, nhưng những ngày này, trên dòng sông Kiến Giang thuộc huyện Lệ Thủy đã thực sự “nóng” lên bởi không khí tập luyện háo hức của các đội bơi…

Từ ngày 20/8 hàng năm trở đi, trên con sông Kiến Giang thơ mộng, không khí tập luyện chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền đã rộn ràng hẳn lên. Nhiều đội đua từ khắp các làng xã đã về đây hội tụ. Dù chỉ là tập luyện, nhưng dòng Kiến Giang vẫn “nóng” lên bởi những tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả.

Dù chỉ mới là quá trình tập luyện, nhưng dòng Kiến Giang những ngày này thực sự đã nóng
Dù chỉ mới là quá trình tập luyện, nhưng dòng Kiến Giang những ngày này thực sự đã "nóng"

Được biết, số lượng thuyền bơi, thuyền đua năm nay là 22 đội, tăng hơn các năm 2 đội. Mỗi thuyền đua có 30 vận động viên, trong đó có 7 cặp đôi chèo, một tay lái, một người có nhiệm vụ điều khiển cho thuyền đi thẳng, hai người chèo bên mạn, một người gõ mõ để tạo nhịp, một người tát nước sẽ tạo nên không khí nhộn nhịp, hấp dẫn trong ngày hội.

Vòng loại sẽ diễn ra vào ngày 30/8. Các đội thuyền bơi nam phải tổ chức bốc thăm để chia thành 2 bảng (bảng A và bảng B), sau khi kết thúc bơi vòng loại, theo thứ tự chọn trên về lấy mỗi bảng 5 thuyền (hai bảng là 10 thuyền) cùng với các thuyền bơi nữ để sáng ngày 2/9 diễn ra cuộc thi chung kết.

 Năm nay, số lượng thuyền bơi, thuyền đua tăng hơn các năm 2 đội
 Năm nay, số lượng thuyền bơi, thuyền đua tăng hơn các năm 2 đội

Song song với quá trình chuẩn bị cho ngày đại lễ ấy, chúng tôi có dịp về làng Mỹ Lộc (xã An Thủy) để chứng kiến những điệu múa Tứ linh (còn gọi là điệu múa Vương - Tướng -Long -  Hổ) độc đáo. Qua bao đời này, người dân nơi đây vẫn cố níu giữ điệu múa truyền thống trước sự “tấn công” của giá trị văn hóa tân thời.

Giữa tiếng trống rộn rã, bốn con vật đại diện cho bốn phương trời gặp nhau giữa cảnh sắc thanh bình, vui mừng và cùng nhảy múa. Điệu múa Tứ linh xuất hiện ở làng Mỹ Lộc khoảng cuối thế kỷ 19, điệu múa này tượng trưng cho bốn phương về hội tụ với ý nghĩa “đất lành, chim đậu”, với ước mong thiên hạ thái bình, bốn mùa no ấm. Những màn múa ở lễ hội Tứ linh sẽ khai màn cho ngày hội đua thuyền càng thêm rộn ràng, háo hức.

Lễ Hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng không thể thiếu điệu múa Tứ linh
Lễ Hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng không thể thiếu điệu múa Tứ linh

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: "Đến thời điểm ngày 28/8, tất cả quá trình chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống chào mừng ngày  Quốc khánh 2/9, về cơ bản đã hoàn tất, người dân đang mong chờ từng ngày để xem hội. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang - Lệ Thủy mãi mãi đi vào lòng người với tinh thần thượng võ và sự độc đáo đậm hương vị quê hương sông nước, đây là một nét văn hóa tinh túy có ảnh hưởng lớn đến văn hóa vùng miền".

Đua thuyền là lễ hội không thể thiếu hàng năm của người dân Lệ Thủy. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống được tổ chức hàng năm từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến nay.

Lễ Hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng không thể thiếu điệu múa Tứ linh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về tham dự Lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương (ảnh tư liệu)

Người dân địa phương cũng như du khách thập phương đang nóng lòng chờ đợi ngày hội đến để được đắm mình trong những giây phút thăng hoa và thấy mình lớn lên trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vùng đất còn nhiều cực nhọc, lắm gian truân nhưng rất đỗi anh hùng.

Phúc Lịnh - Đặng Tài