Làm gì để không bỏ lỡ "thời cơ vàng" mở cửa du lịch quốc tế?

Doãn Công

(Dân trí) - Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến kinh tế - xã hội toàn cầu…

Chiều 18/2, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm về chủ đề "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam".

Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2/2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách quốc tế.

Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như: Du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.

Làm gì để không bỏ lỡ

Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Ảnh: G. Khang).

Không chỉ thúc đẩy thị trường du lịch khởi sắc, việc thí điểm đón khách quốc tế cũng được xem là đã giúp các địa phương có sự chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.

Mới đây, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đáng chú ý, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.

Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường Du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách đặc biệt là khách quốc tế như: Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa… hay Bình Định - địa phương thứ 6 đủ điều kiện đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 đã chủ động xây dựng chiến lược mở cửa.

Sẵn sàng nguồn lực

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết.

Theo ông Bình, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.

Làm gì để không bỏ lỡ

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: G. Khang).

"Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho rằng, điều cần làm là phải mở cửa nhanh du lịch và tập trung làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới. Ở Việt Nam, hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, thế giới có xu hướng mở cửa trở lại.

Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm cũng như nguồn nhân lực là rất quan trọng.

Làm gì để không bỏ lỡ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: G. Khang).

Tuy nhiên, sau hai năm chống dịch, cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhiều trung tâm bỏ hoang, gây lãng phí, cần nâng cấp lại. Ngoài ra, lực lượng lao động ngành du lịch bị phân tán, chuyển ngành vì giãn cách xã hội. Trong khi đó, nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực. "Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi", ông Khánh nói.

Bình Định đang là điểm đến xanh hấp dẫn

Hưởng ứng các kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, cùng với việc quảng bá rộng rãi tiềm năng du lịch, kích cầu du khách nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng.

Làm gì để không bỏ lỡ

TP Quy Nhơn (Bình Định) đang là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Trong xu hướng du khách ngày càng ưa chuộng những điểm đến xanh, vừa an toàn, không quá đông đúc, Bình Định đang trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Không chỉ sở hữu những thắng cảnh biển đảo xanh, sạch trong lành, nơi đây còn thu hút du khách nhờ văn hóa, lịch sử độc đáo và sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.

Trải qua 2 năm dịch Covid-19, Bình Định luôn nằm trong top những địa phương có tốc độ phục hồi du lịch nhanh nhất sau các đợt giãn cách. Lợi thế từ hạ tầng giao thông đồng bộ, cơ sở lưu trú được nâng cấp với việc bổ sung mới nhiều cơ sở du lịch nghỉ dưỡng 5 sao quy mô, cùng liên tiếp các chương trình kích cầu sáng tạo được tỉnh và các doanh nghiệp triển khai đã và đang trở thành bệ phóng vững chắc để du lịch Bình Định bùng nổ trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Định, mở cửa từ 15/3 là thời điểm thuận lợi cho du lịch, trong bối cảnh bình thường hóa và Việt Nam đã đạt độ phủ vaccine cao. Các đơn vị du lịch ngoài chuẩn bị nhân lực phục vụ thì phải đặt yếu tố an toàn lên cao nhất để các du khách an tâm đến với Bình Định.

"Bình Định đã sẵn sàng đón khách với các sản phẩm chau chuốt, đặc sắc, mang tính riêng biệt của địa phương", ông Vũ nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho hay, những năm qua, du lịch tỉnh Bình Định có sự phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng. Điều đó giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực như cuối năm 2019, tỉnh đón lượng khách trên 4,8 triệu lượt, tạo ra 123.000 việc làm, đóng góp 7,2% GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, trước những tác động của Covid-19, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Cả năm 2020, tỉnh đón 2,2 triệu lượt khách, giảm 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu 2021, Bình Định đón trên 1,2 triệu khách, doanh thu đạt 1.616 tỷ đồng.

"Có thể nói, đại dịch là biến cố chưa từng có với du lịch toàn cầu, biến đây là chuỗi ngày tồi tệ nhất của du lịch toàn thế giới. Do vậy, khi mở cửa du lịch cần bổ sung thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn", ông Giang nói.