Đà Nẵng:

Chiếu Cẩm Nê hy vọng sống còn nhờ du lịch

(Dân trí) - Làng chiếu Cẩm Nê - Đà Nẵng lâu nay vốn chỉ còn cái tiếng vang bóng một thời. Những người nặng lòng với nghề tưởng chỉ còn biết thở dài trước những khung cửi lặng im bám bụi thời gian, nay lại khấp khởi hy vọng chiếu Cẩm Nê sống còn nhờ du lịch.

 Video lip: Làng nghề chiếu Cẩm Nê - Đà Nẵng (Thực hiện: Khánh Hiền)

Nghề xưa còn một chút này

Theo chân những người làm nghề chiếu ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vào Đà Nẵng từ mấy trăm năm trước, nghề chiếu ở làng Cẩm Nê hưng thịnh suốt hàng mấy thế kỷ. Tiếng tăm nghề chiếu Cẩm Nê bay đi khắp vùng. Chiếu Cẩm Nê từng là vật phẩm dâng các vua triều Nguyễn và tài năng của nghệ nhân làng nghề được vua trọng thưởng.

Văn bia làng Cẩm Nê (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) còn khắc ghi: “Ngoài việc lấy nghề trồng trọt làm trọng, tổ tiên ta còn truyền lại cho con cháu nghề dệt chiếu tài hoa mà sản phẩm chiếu Cẩm Nê từng được sắc phong và làm rực rỡ hoàng cung Triều Nguyễn”.

Chiếu Cẩm Nê chủ yếu làm từ nguyên liệu lát (cói) được nhuộm màu, dệt hoa văn phong phú

Chiếu Cẩm Nê chủ yếu làm từ nguyên liệu lát (cói) được nhuộm màu, dệt hoa văn phong phú
Chiếu Cẩm Nê chủ yếu làm từ nguyên liệu lát (cói) được nhuộm màu, dệt hoa văn phong phú

Năm nay 75 tuổi, bà Huỳnh Thị Đích ở làng Cẩm Nê đã có hơn nửa thế kỷ làm nghề dệt chiếu. “Tui làm từ cái hồi mới lớn lên 14, 15 tuổi. Ông bà mình làm nghề dệt chiếu, cha mẹ mình làm nghề dệt chiếu, thì mình cũng học ông bà, cha mẹ theo cái nghề ni” bà Đích nói.

75 tuổi, bà Đích có hơn nửa thế kỷ bền bỉ theo nghề dệt chiếu truyền thống của làng Cẩm Nê

75 tuổi, bà Đích có hơn nửa thế kỷ bền bỉ theo nghề dệt chiếu truyền thống của làng Cẩm Nê
75 tuổi, bà Đích có hơn nửa thế kỷ bền bỉ theo nghề dệt chiếu truyền thống của làng Cẩm Nê

Thế nhưng những người bền bỉ bám nghề truyền thống của làng như bà Đích nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Từ chỗ cả làng dệt chiếu, vài ba năm trước còn được khoảng mươi hộ, thì nay chỉ còn có đúng 2 hộ ở làng Cẩm Nê làm nghề chiếu. Những khung dệt bóng nước gỗ rộn ràng đưa nhịp ngày đêm xưa kia nay phủ bụi nằm lặng im nơi góc nhà người làng.

Kỳ công, giá nguyên liệu đúng chất lượng rất đắt đỏ, lại thêm làn sóng sản phẩm thời hiện đại (nệm, chiếu trúc, chiếu nhựa…) khiến cho tiếng giũ cói, tiếng khung đưa nhịp dệt chiếu ở làng Cẩm Nê im dần.

Còn lại chăng là lời khẳng định đầy tự hào của người làng về chiếu Cẩm Nê như lời bà Đích: “Người ta mua một tấm chiếu Cẩm Nê phải 4 - 5 năm chưa thay chiếu mới. Màu nhuộm chiếu tươi bền. Tấm chiếu dệt “chắc khú” dễ chi mà xộc xệch. Ai người ta dùng rồi là biết cái giá trị chiếu Cẩm Nê: nằm chiếu mùa hè cái lưng thấy mát, mùa đông nằm chiếu này lại thấy ấm. Hay ở chỗ đó”.

Hy vọng nghề làng sống còn nhờ du lịch

Những người nặng lòng với nghề truyền thống đáng tự hào của làng tưởng chỉ còn biết thở dài trước những khung cửi lặng im bám bụi thời gian, nay lại khấp khởi hy vọng chiếu Cẩm Nê sống còn nhờ du lịch.    

Nghệ nhân Phan Tấn, người nhà nghề chiếu Cẩm Nê từng được vinh danh tại Festival làng nghề Đà Nẵng năm 2010 lạc quan kể: “Mấy nay chính quyền địa phương người ta bắt đầu quan tâm định hướng cho nhà nghề bọn tui tham gia làm du lịch. Cũng đã có mấy công ty du lịch người ta dẫn đoàn khách tới tham quan, coi mình trình diễn nghề truyền thống, rồi mình bày họ làm chiếu.

75 tuổi, bà Đích có hơn nửa thế kỷ bền bỉ theo nghề dệt chiếu truyền thống của làng Cẩm Nê
Trình diễn nghề dệt chiếu thủ công phục vụ du khách tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương (ảnh chụp tại làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu - Quảng Nam)

Thấy người ta quý cái giá trị văn hóa lịch sử của nghề truyền thống làng mình, mình phấn khởi. Đưa khách tới tham quan, bên công ty du lịch họ lại trích phí tour cho nhà nghề. Hy vọng là du lịch phát triển mạnh, nghề chiếu Cẩm Nê được sống còn”

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thúc Dũng - Trưởng Phòng Văn hóa -thông tin huyện Hòa Vang nhìn nhận sản phẩm chiếu Cẩm Nê khó cạnh tranh với chiếu công nghiệp về mặt giá cả. Thật sự chỉ có một số ít người dùng vẫn thủy chung với sản phẩm truyền thống, và chịu chi cho chất lượng và giá trị chiếu Cẩm Nê.

Về lâu dài, ngành chức năng đã có đề xuất chính quyền địa phương định hướng cho bà con làng nghề tham gia làm du lịch. Trong đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương vừa làm cầu nối giữa doanh nghiệp du lịch với người dân làng nghề, vừa quản lý giám sát các hoạt động du lịch để tránh kiểu làm tự phát, manh mún và đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Đồng thời, chúng tôi cũng có định hướng bà con sản xuất sản phẩm làng nghề thành mẫu sản phẩm mang tính chất lưu niệm với kích cỡ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của du khách.

Khánh Hiền