Về nơi cả làng làm nghề… "câu" người đuối nước ở Quảng Nam

Ngô Linh

(Dân trí) - Một làng chài nhỏ ở Quảng Nam có khoảng 15 hộ dân làm nghề đánh bắt cá bằng câu kiều (một hình thức đánh bắt không cần mồi). Thế rồi từ đó họ bất đắc dĩ kiêm thêm nghề vớt người đuối nước.

Chúng tôi tìm đến thôn An Trân, xã Bình Hải (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nơi có những người dân hành nghề đánh cá bằng câu kiều, kiêm luôn cái nghiệp vớt người đuối nước.

Vốn dĩ họ không phải thợ lặn chuyên nghiệp, mà chỉ là những ngư dân bình dị, vươn khơi bám biển nuôi sống gia đình.

Về nơi cả làng làm nghề… câu người đuối nước ở Quảng Nam - 1

Ngư dân Trần Văn Bình (thôn An Trân) chia sẻ về cách dùng câu kiều vớt xác người đuối nước (Ảnh: Ngô Linh).

Để câu những con cá đuối to hơn một tạ họ phải dùng câu kiều. Vì câu kiều giăng đến đâu cá mắc câu đến đó mà không cần mồi. Đặc biệt, câu kiều câu cá rất chính xác, cá mắc vào lưỡi câu thì không có đường thoát.

Tâm sự với chúng tôi về nghề câu kiều, ông Hồ Đình Chương (67 tuổi, thôn An Trân) chia sẻ, ông làm nghề câu cá đuối, cá lị từ cha truyền lại đã 40 năm, nghề này giúp ông nuôi sống gia đình, con cái nên người.

Mỗi câu kiều có khoảng 110 lưỡi câu, giá bán 160.000 đồng. Chất liệu lưới làm từ sợi ni lông, lưỡi câu bằng inox sáng bóng, có độ cong để khi con mồi chạm vào lưỡi câu sẽ tự quay về phía con mồi khiến chúng dính bẫy.

Về nơi cả làng làm nghề… câu người đuối nước ở Quảng Nam - 2

Sau khi người đuối nước, dây câu kiều không được sử dụng để câu cá nữa (Ảnh: Ngô Linh).

Rồi dần có đợt người quen chẳng may đuối nước, thợ lặn chuyên nghiệp không tìm thấy nên dân làng dùng câu kiều câu thử thì không ngờ tìm được thi thể nạn nhân.

Từ đó tiếng đồn xa, nhiều người biết đến làng An Trân, nên khi có người mất tích hay đuối nước chết, gia đình nạn nhân lại tìm đến nhờ cứu giúp đỡ.

Về nơi cả làng làm nghề… câu người đuối nước ở Quảng Nam - 3

Ông Hồ Văn Chương cho biết, việc giúp đỡ vớt xác hay cho mượn câu kiều là việc làm từ tâm, giúp người (Ảnh: Ngô Linh).

"Trừ khi thợ lặn hay các biện pháp khác không được mới dùng đến câu kiều thôi, chứ câu này mắc vào thì sợ hư hỏng thân thể người ta. Tôi có ba lần trực tiếp vớt, còn lại là cho người thân họ mượn câu rồi hướng dẫn cách vớt thôi", ông Chương nói.

Ông Trần Văn Bình (thôn An Trân, xã Bình Hải) có hơn 35 năm hành nghề câu kiều và kiêm sản xuất lưỡi. Nghề này giúp ông nuôi 2 con ăn học đại học và giúp nhiều gia đình tìm được thi thể người chết đuối.

Ông Bình cho hay, để tìm kiếm một thi thể thì cần 4 dây câu. Sau khi xác định vị trí, thời điểm thi thể chìm, dựa theo kinh nghiệm đoán con nước lên xuống rồi buông câu. Quá trình kéo phải chậm, khi gặp thi thể lưỡi câu sẽ mắc vào quần áo.

Nạn nhân đuối nước mới tử vong còn chìm dưới đáy, không trôi xa thì thả câu kiều hầu hết vớt được. Nếu đuối nước hơn 3 ngày, thi thể nổi lên, thả câu xuống ít trúng hơn.

"Lưỡi câu kiều sau khi vớt xác xong thì không dùng đánh cá được nữa. Bình thường dùng đánh bắt cá tuổi thọ lưới phải được 20 năm, nhưng khi lưới đó dùng vớt người thì chỉ dùng cùng lắm là 3 năm tự nó mục đi.

Tôi chỉ thấy lạ mà không thể giải thích tại sao. Còn việc giúp đỡ nạn nhân đuối nước là việc làm từ tâm, dân làng tôi chưa từng lấy đồng nào", ông Bình chia sẻ.

Về nơi cả làng làm nghề… câu người đuối nước ở Quảng Nam - 4

Ông Trần Văn Nam - Bí thư chi bộ thôn An Trân (áo sơ mi xanh) và ngư dân Nguyễn Thành Tư (thôn An Trân) được khen thưởng vì cứu người gặp nạn trên biển (Ảnh: NVCC).

Tại làng An Trân, đến tận bây giờ người dân vẫn còn truyền tai nhau và lấy làm tự hào về tấm gương dũng cảm cứu người gặp nạn trên biển của ông Trần Văn Nam - Bí thư chi bộ thôn An Trân.

Ông Nam và một ngư dân trong thôn đã kịp thời ứng cứu 5 người và vớt được hai thi thể trong một vụ chìm tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi va chạm với tàu chở hàng vào tháng 6/2022.

"Nhiều năm đi biển, tôi từng ứng cứu nhiều bạn thuyền, nhưng lần đó có lẽ đặc biệt nhất. Giờ nhớ lại vẫn còn sợ, nếu tôi đến trễ vài phút thôi chắc tất cả đã "chôn thây" nơi biển cả, bởi họ đã quá kiệt sức. Giúp tìm kiếm người đuối nước hay cứu người gặp nạn trên biển là chuyện nên làm không chỉ riêng dân làng An Trân, mà còn rất nhiều ngư dân vẫn hàng ngày bám biển vươn khơi", ông Nam nói.