"Tại sao con không có chân?"

Phạm Diện

(Dân trí) - "Tại sao em có chân mà con không có chân", "Tại sao chân con lại không giống như các bạn"... hàng loạt câu hỏi hồn nhiên của Thiện Nhân cứa sâu vào trong suy nghĩ của vợ chồng anh Vũ.

Ước mơ đến trường của bé trai không có chân

Tống Thiện Nhân (6 tuổi), con trai của anh Tống Xuân Vũ và chị Trịnh Thị Huệ. Gia đình của Nhân đang sống trong căn nhà trọ ở ấp 2, xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng (Bình Dương).

Dù còn những khó khăn nhưng gia đình nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười. Cách đây 6 năm, vợ chồng anh Vũ vui mừng chuẩn bị mọi thứ để chào đón con ra đời.

Với niềm hy vọng và sự chờ đợi ngày con trai ra đời, cả gia đình anh Vũ đều mơ về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, ngày Nhân cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc cả gia đình phải rơi nước mắt. Đây không phải là giọt nước mắt của sự vui sướng mà là giọt nước mắt của sự buồn tủi.

Tại sao con không có chân? - 1

Tống Thiện Nhân trên lưng bạn Nguyễn Quang Thắng (Ảnh: Phạm Diện).

Thiện Nhân đến với vợ chồng anh Vũ không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Thân thể đứa trẻ nhỏ bé, yếu ớt và đặc biệt "thiếu mất đôi chân".

"Lúc Nhân vừa chào đời, nhìn thấy con thiếu đi đôi chân mà lòng tôi thắt lại. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc vì thương con. Cháu vừa sinh ra đã phải chịu bất hạnh. Khi dẫn vợ đi khám thai, kết quả siêu âm đều bình thường", anh Vũ nghẹn ngào.

"Tại sao em có chân mà con không có chân", "Tại sao chân con lại không giống như các bạn"... hàng loạt câu hỏi hồn nhiên đứa trẻ đã cứa sâu vào trong suy nghĩ của vợ chồng anh Vũ.

Tại sao con không có chân? - 2

Mọi sinh hoạt trên lớp của Nhân đều được Thắng chăm lo (Ảnh: Phạm Diện).

Những lúc đó, vợ chồng anh Vũ chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về, an ủi. Họ cố gắng làm tất cả để xoa dịu đi những bất hạnh mà con trai đang phải gánh chịu.

Mọi sinh hoạt trong gia đình Nhân đều được bố mẹ chăm chút để bé không phải mặc cảm với thân hình. Dù khiếm khuyết trên cơ thể nhưng thấy các bạn cùng trang lứa đến trường, Nhân cũng đòi cha mẹ đưa đi học.

Ước mơ đến trường của Nhân cũng đã thành hiện thực. Hàng ngày, bé trai được đến trường học con chữ, vui chơi cùng bạn bè để hòa nhập vào cuộc sống đời thường.

Người bạn là đôi chân của Nhân

Ở nhà Nhân có bố mẹ lo. Còn ở trường, Nhân có Nguyễn Quang Thắng - người bạn tình nguyện làm mọi thứ từ cõng vào lớp, cõng đi ăn, cõng đi chơi...

Không chỉ vậy, Thắng còn giúp Nhân từ việc lấy từng quyển sách, cây bút hay làm bất kỳ những việc khác mà Nhân cần. Và cứ thế, đôi bạn cùng tiến đã vượt qua bao khó khăn.

Gần một năm nay, toàn thể giáo viên cùng học sinh trường Tiểu học Tân Hưng đã quen thuộc với hình ảnh đẹp này.

Tại sao con không có chân? - 3

Nguyễn Quang Thắng (trái) và Tống Thiện Nhân (phải) ngồi cùng bàn trên lớp học (Ảnh: Phạm Diện).

Ở ngôi trường mới này, Thiện Nhân đã được thầy cô và bạn bè tiếp thêm nghị lực để niềm vui đi tìm con chữ của đứa trẻ được trọn vẹn hơn. Do mang trên mình khiếm khuyết nên cơ thể Thiện Nhân nhỏ nhắn hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Bù lại, Nhân có gương mặt khôi ngô, tuấn tú.

"Em rất vui khi được đến trường, được học cùng bạn bè, được mọi người giúp đỡ và yêu thương. Em chỉ ước được giống các bạn để có thể chạy nhảy, vui đùa thoải mái như vậy", Nhân nói.

Những ngày đầu vào lớp 1, Thiện Nhân được cha chở đến trường rồi bế vào lớp. Sau đó, những hoạt đồng sẽ nhờ cô giáo và các bạn cùng lớp giúp đỡ Nhân.

Cô Nguyễn Thị Thiện, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4, cho biết, thời gian học trên lớp, Thiện Nhân gặp khó khăn trong những lúc di chuyển đi học tiếng Anh, đi ăn trưa.

Tại sao con không có chân? - 4

Cô Nguyễn Thị Thiện, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4 nơi Nhân theo học (Ảnh: Phạm Diện).

"Ban đầu tôi và các bạn trong lớp thay nhau hỗ trợ Nhân. Được vài tuần, Thắng là bạn cao to nhất lớp nên em ấy đã xung phong làm đôi chân cho Thiện Nhân", cô Thiện chia sẻ.

Nữ giáo viên nói thêm: "Mới đầu tôi cũng có hơi lo không biết Thắng có đủ sức khỏe và vững vàng để cõng Nhân hay không. Thế nhưng, Thắng đã cố gắng và trở thành bạn đồng hành với Nhân từ đầu năm học đến nay".

Nguyễn Quang Thắng cười tươi nói đến nay không còn nhớ trên lưng mình đã bao lần ướt đẫm mồ hôi khi cõng Nhân.

"Những ngày đầu cõng Thiện Nhân, em chưa quen lắm nên đôi khi cũng thấy mệt. Nhưng nay quen rồi nên em cảm thấy bình thường. Em rất vui khi mình có thể giúp bạn Nhân được vui chơi cùng. Con chỉ mong sẽ được đồng hành và giúp bạn Nhân nhiều hơn nữa", Thắng cười.

Cô Thiện cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình của Nhân và Thắng khó khăn. Trước đó, Thắng là học sinh yếu nhưng từ khi là đôi chân, đồng hành cùng Nhân, việc học của Thắng đã tiến bộ rất nhiều.

Biết hoàn cảnh của hai em, nhiều thầy cô trong trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt và luôn tìm cách giúp đỡ, động viên các em vượt khó để vươn lên học tốt. Tình bạn trong sáng của hai em luôn là niềm tự hào của thầy trò trong trường.