Quay quắt những mảnh đời ở xóm chạy thận

(Dân trí) - “Cái bệnh này ông trời bắt đi lúc nào thì đi lúc đấy. Mình đến đây là xác định không biết bao giờ mới trở về. Hình như cứ sống ở đây, người ta đều nhắc đến cái chết dễ dàng hơn…”

Nằm trên một trong những tuyến phố đông đúc bậc nhất Hà Nội, nhưng nhịp sống trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị dường như đối lập hoàn toàn với sự vội vã, xô bồ, hào nhoáng. Nơi đây là nếp nhà của 127 con người đang mòn mỏi với cuộc sống, 127 bệnh nhân đang vật lộn với đồng bạc và níu từng phút giây để giữ cho bản thân còn tồn tại. Họ dành riêng cho con ngõ nơi mình ở một cái tên mà bất cứ ai nghe đến cũng phải đứng lặng: xóm chạy thận.

Người trong xóm chạy thận chủ yếu làm xe ôm, nhặt đồng nát để kiếm sống.
Người trong xóm chạy thận chủ yếu làm xe ôm, nhặt đồng nát để kiếm sống.

Trăm con người, một số phận

Tôi may mắn gặp được anh Mai Anh Tuấn- tổ trưởng của khu xóm đặc biệt này vào một buổi sáng cuối tuần. Nhìn người đàn ông gầy gò nhưng hiền lành và khá nhanh nhẹn, có lẽ không ai nghĩ đây là một bệnh nhân đã phải chạy thận trong suốt 22 năm.

“Lúc đầu chỉ có mấy người chạy thận ở viện Bạch Mai đến trọ trong ngõ. Càng về sau, số lượng bệnh nhân càng tăng lên. Họ được giới thiệu đến khu này và cứ thế xóm trọ được hình thành”, anh Tuấn bắt đầu câu chuyện.

Người trong xóm chạy thận đều ở các tỉnh khác đến thuê nhà, có đến hơn 95% trong số đó thuộc hộ nghèo. “Khi chưa có bảo hiểm, nhiều gia đình lên đây đã phải bán nhà lấy tiền chạy chữa nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu. Trước đây, một tháng mỗi người mất ít nhất 12 triệu chi phí chạy thận. Có người đáng lẽ chạy 3 buổi/ tuần, nhưng vì không có tiền nên cứ thưa dần, lảng dần, thậm chí không dám đến bệnh viện”, nhìn những vết thâm đen trên cổ tay gầy guộc do ven đã vỡ nát hết, người đàn ông 43 tuổi tâm sự.

Không gian để đồ dùng nhà bếp, nhà tắm của các gia đình.
Không gian để đồ dùng nhà bếp, nhà tắm của các gia đình.

Những con người trong xóm trọ từ khắp mọi nơi về tập hợp, nhưng họ đều mang “cái án” chạy thận theo đến suốt đời. Không ai biết cái chết đến lúc nào, cũng chẳng có ai dám khẳng định căn bệnh quái ác kia sẽ buông tha họ. Chỉ biết, khi thận không còn hoạt động, mọi thức ăn bổ béo đi vào cơ thể sẽ đều trở thành độc tố. Cứ thế, những bệnh nhân này luôn ở trong trạng thái ngập độc.

Anh Tuấn bộc lộ sự trăn trở: “Thiếu thốn về vật chất là cái thiếu mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng khiến mọi người tổn thương nhiều hơn cả vẫn là sự thiếu hụt về tinh thần. Nhiều người già cả không có con cháu trông nom, họ mặc cảm với hoàn cảnh của mình nên sống khá khép kín”.

“Dặt dẹo” sống cùng chạy thận

Trong căn nhà số 24, có một căn phòng vỏn vẹn 9m2 nhưng là nơi chui ra chui vào của 3 người phụ nữ lớn tuổi. Đồ đạc, quần áo và cả không gian sinh hoạt của cô Cốm (Nam Định) được thu gọn trên chiếc giường dài hơn 2m. Cô bông đùa: “Tiền thì đóng một nửa nên giường cũng nằm một nửa thôi. Đầu quạt, đít hòm, có mỗi một tí đoạn giữa khoảng 70 cm để nghỉ ngơi, cứ co ro sao cho vừa đủ”.

Căn phòng cho 3 người cùng sinh hoạt.
Căn phòng cho 3 người cùng sinh hoạt.

Theo lời những người sống ở đây, cái khổ nhất của người chạy thận là bữa ăn. “Cái bệnh nó không cho mình ăn. Hôm nào không đi chạy thận thì cố ăn lưng bát cơm, có hôm phải chan cùng nước lã, nhắm mắt lùa vội. Còn hôm nào đi chạy về thì cô xác định nằm bẹp nguyên ngày. Ăn thì không ăn được nhưng vẫn phải mua. Thiếu chất, cơ thể không sản xuất được máu. Nấu thì vẫn nấu nhưng hôm nào cũng đổ đi hơn nửa”, cô Cốm tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Giáng (56 tuổi, Thái Bình) tiếp đón khách bằng nụ cười thân thiện. Dáng người cô nhỏ bé, nước da xám ngoét và đôi mắt có phần chuyển đục. Là con út trong gia đình có 6 người con, lại là đứa cuối trong đám chị em sinh ba, cô Giáng lớn lên cùng bệnh tật. “Mình ốm suốt ngày, hết thấp khớp, viêm gan lại đến suy thận, thành ra không dám nghĩ tới chuyện lấy chồng. Cũng có người hỏi nhưng mình không muốn thành gánh nặng cho người ta”, cô cười buồn.

Đã hàng chục năm nay, một mình cô vò võ sống qua ngày và chống chọi với bệnh tật.
Đã hàng chục năm nay, một mình cô vò võ sống qua ngày và chống chọi với bệnh tật.

14 năm lên Hà Nội chạy thận nhưng đã có đến hơn 10 năm cô đón Tết một mình ở nơi này. Đều đặn, cứ 3 buổi một tuần, cô Giáng lại vào viện điều trị, bởi “nếu không đi theo đúng lịch, mắt sẽ híp chặt vào và người cũng trở nên “bẹp dí” ngay. Bệnh tật nhiều lại không được bồi bổ đủ chất khiến người cô quắt lại chỉ còn 34kg.

Vén nhẹ tay áo, cô khiến người đối diện sửng sốt bởi trên cánh tay gầy guộc, khẳng khiu, có đến 2,3 u cục to hơn nắm tay trẻ sơ sinh. Cánh tay trái của cô Giáng bị chọc ven 8 năm trời nay đã “chết” hẳn. Phần tay phải cũng chai nhiều, sắp tới phải “làm” lại thì mới có thể tiếp tục điều trị.

Những cục u trên tay cô Giáng.
Những cục u trên tay cô Giáng.

Sờ mãi những cục u nổi trên cánh tay, cô cất lời: “Lần nào chọc ven cũng rất đau, mỗi lần nghĩ đến lại gai người. Cứ tưởng tượng dùi nó đâm vào tường thế nào thì mình cũng có cảm giác y như vậy. Thế mà tuần nào cũng phải chọc, đau đớn vô cùng”.

Chỉ sang chiếc giường bên cạnh, cô nghẹn ngào: “Lắm lúc tủi thân ghê lắm. Bà bên cạnh ốm có con cháu đến vuốt ve, an ủi. Nghĩ lại phận mình, 14 năm rồi cứ vò võ chẳng có lấy một lời hỏi thăm. Chả hiểu sao sống được đến tận bây giờ. Nhưng cái bệnh này ông trời bắt đi lúc nào thì đi lúc đấy. Mình đến đây là xác định không biết bao giờ mới trở về. Từ Tết đến giờ trong xóm đã có 5 người chết rồi. Hình như cứ sống ở đây, người ta đều nhắc đến cái chết dễ dàng hơn.…”

Hoàng Ngọc