Cuộc sống chật chội giữa lòng phố cổ Hà thành phồn hoa:

Phố cổ và những câu chuyện tưởng như không bao giờ có thật

(Dân trí) - Dạo một vòng phố cổ, không khó để bắt gặp những con ngõ siêu nhỏ, tối như hũ nút. Bình thường, chẳng mấy ai để ý đến những con ngõ ấy bởi ánh mắt họ đã bị hút vào sự hào nhoáng, tấp nập của biết bao gian hàng trải dọc trên phố.

Càng đi sâu vào trong, mục sở thị cuộc sống của hàng trăm những hộ dân nơi đây, ta mới nhận ra rằng, có những phận người thậm chí còn tối tăm, mù mịt hơn đường vào của những con ngõ nhỏ.

Khổ từ nhà ra phố

Có lẽ không con ngõ nào có thể “đánh bại” ngõ 14 Ngõ Gạch về độ nhỏ và hẹp. Nhìn từ ngoài, ngõ giống một khe tường hơn là nơi sinh sống của hàng chục con người. Ngõ rộng gần 50cm, bên trong được chia thành 2,3 nhánh, dẫn lên những gian nhà nhỏ hẹp xếp chồng lên nhau.


Ngõ 14 Ngõ Gạch với lối đi chỉ vừa đủ một người.

Ngõ 14 Ngõ Gạch với lối đi chỉ vừa đủ một người.

Ở con ngõ này, người ta vẫn kể cho nhau những câu chuyện tưởng như không bao giờ có thật. Bà Nga, người sống ở một căn nhà trong gác hai của con ngõ cho biết: “Chúng tôi vẫn đùa nhau không được chết ở nhà. Bởi trước đây đã có người phải bó lại, trượt theo tấm liếp xuống tầng 1 rồi khéo lắm mới đưa ra được ngoài ngõ. Dưới chân cầu thang vẫn còn vết tích của việc người ta phá tường, lấy chỗ đưa quan tài ra.”

Ngõ 13 Đồng Xuân chỉ rộng hơn Ngõ Gạch 10cm, một túi rác để ở đầu ngõ cũng vô tình choán hết lối đi của hàng chục người. Ngõ không đủ rộng cho hai người đi ngược chiều nhau. “Có người loay hoay mất mấy phút mới vào được nhà đấy. Người nọ nhường người kia, cứ lùi ra lùi vào không biết đến bao nhiêu lần”, người phụ nữ bán nước đầu ngõ nói với theo.

Bao người sống trong các con ngõ khác ở 27 Hàng Bạc, 24 Hàng Điếu, 2 Hàng Ngang… cũng sống trong cảnh tương tự. Những ngõ đủ rộng cho xe máy thì phải rất vất vả mới đi lọt. Còn với ngõ quá nhỏ, thường người dân sẽ gửi phương tiện ở ngoài. Mỗi khi sắm sửa đồ dùng mới, các hộ gia đình chưa kịp vui mừng thì đã phải… đau đầu, nghĩ cách làm sao chuyển đồ vào vừa ngõ. Cũng từ đó mà có biết bao câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt.

“Nhà vệ sinh công cộng có khi còn sướng hơn trên này”


Lối lên nhà chú Xuân.

Lối lên nhà chú Xuân.

Đi vào ngõ 44 Hàng Buồm, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy một “lỗ hổng” trên trần, rộng 6m2 ngay giữa ngõ. Đó không phải căn gác xép, càng không phải chỗ thông hơi, mà chính là nơi ở của 2 bố con chú Hoàng Văn Xuân (53 tuổi) đã hàng chục năm qua.

Trời Hà Nội vừa chuyển đông nhưng chú chỉ mặc độc chiếc áo bộ đội mỏng. Khi nghe thắc mắc, chú Xuân cười hiền: “Cô cứ lên nhà tôi thì biết”.


“Toàn cảnh” căn hộ của chú Xuân.

“Toàn cảnh” căn hộ của chú Xuân.

Lối lên nhà chú cũng vô cùng đặc biệt, nó là cái thang sắt “gia truyền” của thế hệ trước. Vừa trèo vài bước chân, “căn nhà” của chú đã hiện ra, thu gọn trong đúng một ánh nhìn. Đồ đạc không có gì nhiều, chỉ có chiếc ti vi là giá trị nhất. Vơ tay thu vội đống quần áo, chú cất giọng vui vẻ: “Cô mà đến mùa hè chắc không chịu nổi. Kể cả có quạt thì cũng chả ngồi được đến 10 phút. Cô vào đây một lúc xem có mặc được áo khoác nữa không.”

Cách đây vài năm, gia đình chú 3 người cùng chung sống trong “căn hộ” 6m2. “Nhưng vợ tôi không chịu được khổ nên đã bỏ đi rồi. Chỉ khổ thằng con, thiệt thòi đủ thứ từ khi sinh ra đến giờ”, cứ nhắc đến Thủy (con trai chú Xuân), ánh mắt chú lại chùng xuống.

Bốn phía được dán kín bìa để che đi các bức tường đã mốc và bong tróc gần hết do bể nước từ trên cao thấm xuống. Chưa kể mỗi lần mưa lớn, hai bố con chú đều chuẩn bị tinh thần nước dột khắp nhà, ướt hết đồ đạc, quần áo.

Câu chuyện bị ngắt quãng khi vài miếng vôi từ trần nhà bỗng rơi lả tả. Ngước nhìn tấm trần vừa nham nhở, vừa ẩm thấp, chú giải thích: “Nhà trên người ta lại đi mạnh quá đấy. Ban đêm ngủ mà bị vài miếng thế này rơi vào mặt là bình thường. Sáng nào mặt hai bố con cũng ngứa như phát điên lên.”

Nghe lời tâm sự của người đàn ông đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời, những tưởng chẳng còn cuộc sống nào bí bách, dồn nén hơn. “Nhất là những ngày nắng nóng lên đến cực điểm, đúng thật là nhà tôi không thành một cái gì. Nào mùi cống, mùi khói bún chả, mùi bếp than,… cuốn lên, ám khắp mọi nơi".

"Ban đêm thì là một “cực hình” khác. Hàng quán trước ngõ mở nhạc xập xình, tiếng cười nói, hò hét đến 2,3 giờ, không tài nào ngủ được. Rồi tầm 1,2 tiếng sau, người trong ngõ lại bắt đầu dọn hàng quà sáng, đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần. Chỉ ước những ngày đi làm về mệt mỏi được nghỉ ngơi, thư giãn một chút. Ấy vậy mà hình như xa xỉ quá.”

Dường như đang bị cuốn theo dòng suy nghĩ, chú im lặng hồi lâu rồi cất lời bông đùa: “Nói không quá, cái nhà vệ sinh công cộng còn sướng hơn trên này. Dưới đó còn đứng thẳng người lên, xoay ngang xoay dọc được. Cái nhà này thì chịu. Mặc áo thì được, nhưng mặc cái quần là phải ngả người ra đất. Đúng là khổ đủ đường.”

Còn nữa

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc