Người lính cứu hộ chọn ở lại với công việc nguy nan vì trót yêu nghề

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Có nhiều chuyến đi mà anh Phát sợ đó là lần cuối, nhưng anh chưa bao giờ chùn bước mà chọn sống với nghề PCCC & CNCH, cố gắng từng ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo kịp lúc cứu hộ người dân.

Cả ngày lặn lội dưới sông, thay nhau ăn vội bát cơm rồi tiếp ứng đồng đội, có đôi khi treo lơ lửng trên không, xông vào biển lửa... hiểm nguy cận kề, số lần thoát chết trong gang tấc đếm không xuể, nhưng những "anh hùng giữa đời thường",  của đội Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) chưa bao giờ chùn bước. 

Những cán bộ PCCC & CNCH treo mình trên cao để gia cố hộp đèn 200kg sắp rơi (Video: NVCC)

Đến với nghề vì tình cờ, sống với nghề vì cái tâm

"Đi học xong thì tôi đi nghĩa vụ, duyên sao được mấy anh em trong quân đội giới thiệu ở lại với nghề PCCC & CNCH, trước đó tôi không nghĩ mình sẽ đi theo nghề này. Ở lại rồi làm, lâu dần có tình cảm cũng không muốn rời xa nữa. Đến nay cũng đã 12 năm gắn bó với nghề", anh Trần Thành Phát (32 tuổi) chia sẻ.

Chừng ấy năm làm nghề, anh Phát cùng đồng đội đã trải qua vô số chuyện vui buồn mà anh gọi thì đó là "cảm xúc lẫn lộn".

Có lần anh tìm cứu được cậu bé bị kẹt lại trong ống cống do đi câu cá nhưng mưa lớn bất ngờ. Lúc đó cả gia đình tưởng chừng không còn gặp lại được con trai nữa, nhưng may là anh Phát đã bơi đến tìm cứu được cậu bé về.

Giữa lúc nước dâng cao như vậy, dù biết là tính mạng cũng sẽ bị đem ra đối đầu với tử thần, nhưng còn chút hy vọng anh vẫn muốn thật nhanh lao vào dòng nước dữ, tìm cứu kịp thời một mạng người.

Người lính cứu hộ chọn ở lại với công việc nguy nan vì trót yêu nghề  - 1

Ngâm mình dưới dòng nước lạnh là việc thường xuyên phải làm của những người lính cứu hộ cứu nạn (Ảnh: NVCC).

Có lúc tìm người nhảy sông tự tử, ròng rã mấy ngày trời tìm kiếm. Đến khi tìm được, anh Phát thấy vui mừng trong lòng mà khóe mắt cay cay, cổ họng thì nghẹn đắng. Anh nhẹ giọng nói: "Không phải tôi thấy vui khi người ta nghĩ quẩn tự tử đâu. Nhìn cảnh đó tôi cũng xót xa lắm! Tôi mừng là vì đã tìm được thi thể về với gia đình, người mất sẽ không phải lạnh lẽo nằm lại dưới dòng sông kia".

Làm cái nghề này không ngủ là "chuyện thường ở huyện". Anh Phát kể với tôi, vào năm 2011, khi cứu hộ vụ chìm tàu Dìn Ký, anh cùng những anh em trong đội đã thay nhau lặn tìm cứu hộ dưới sông, từng đội chia việc  thay nhau lặn, cứ vậy cả ngày trôi qua không ngơi nghỉ, dùng hết sức để mong nhanh cứu nạn kịp lúc. Tình huống lúc đó rất khó khăn, dưới dòng nước chảy siết, anh cùng đồng đội đã nhiều lần suýt bị lòng sông "níu chân" ở lại.

Đánh đổi mạng sống, nhưng phải chịu "lời ong tiếng ve" là vì tiền

Những ngày mới gia nhập đội là những ngày mạng sống dễ bị đe dọa nhất do kinh nghiệm còn ít. Anh Phát kể, lần đầu anh cùng đồng đội cứu người đàn ông muốn tự tử nhảy từ lầu cao. Chưa kịp định hình, anh đã nghe tiếng rơi ngay bên cạnh. Nếu lúc đó không được đồng đội kéo ra, chắc có lẽ anh cũng đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ.

Người lính cứu hộ chọn ở lại với công việc nguy nan vì trót yêu nghề  - 2

Trước mỗi lần làm nhiệm vụ, các cán bộ PCCC & CNCH luôn cẩn thận kiểm tra trang thiết bị để tác nghiệp một cách an toàn nhất (Ảnh: NVCC).

Thấy nguy hiểm, gia đình anh Phát cũng có phần e sợ và đôi lần gợi ý anh nên chuyển ngành. Cũng có chút "suy nghĩ" thoáng qua, nhưng cuối cùng, Phát vẫn chọn ở lại với nghề, vì qua những lần cứu hộ thành công anh lại càng trân quý hơn sứ mệnh mà mình trót yêu mong muốn được "gánh trên vai".

"Những anh em trong đội ai ở lại với nghề PCCC & CNCH này cũng vì cái tình, cái nghĩa, lấy cái tâm là đầu, ấy vậy mà cũng có lúc đã có "lời ong tiếng ve" của người dân khiến chúng tôi chạnh lòng. Họ nghĩ mình làm vì tiền mà làm chậm, không xông xáo cứu hộ nên đã có lần tôi nghe được họ bảo với nhau đưa ít tiền để đội làm việc nhanh hơn. Nghe vậy anh cũng có chút buồn tủi trong lòng, mình chỉ mong cứu người bị nạn, làm hết nghĩa vụ chứ có nào làm tiền, làm tội gì ai" - anh Phát chua xót tâm sự.

Nhìn tay và cổ anh lộ ra những vết thương sau chiếc áo, lòng tôi cảm thấy đau xót cho các anh biết bao. Những vết thương ấy cần bao nhiêu tiền để xóa đi được? Thậm chí có cả những hy sinh mất mát đồng đội thì trả giá bằng tiền thế nào được? Nếu không vì cái tâm cái tình với đời thì thử hỏi mấy ai chịu đánh đổi mạng sống, rời xa gia đình để phục vụ công tác PCCC&CNCH. 

Người lính cứu hộ chọn ở lại với công việc nguy nan vì trót yêu nghề  - 3

Trong mùa dịch, các cán bộ vẫn phải đeo khẩu trang trong lúc ngâm mình dưới nước (Ảnh: NVCC).

Khó khăn gấp bội khi xa gia đình mùa dịch

Những ngày dịch chưa xảy ra việc cứu hộ chưa bao giờ là dễ, nay lại khó khăn gấp bội lần khi vừa cứu nguy, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Thời gian cứu nạn rất gấp nhưng do tình hình dịch các anh như ngồi trên lò lửa, băng qua các chốt thêm từng phút nào lòng các anh càng nặng thêm bấy nhiêu.

Mấy tháng nay anh Phát cùng đồng đội ở lại đơn vị để đảm bảo an toàn cho gia đình. Lòng nhung nhớ con trong những lần ngồi trên xe thực thi nhiệm vụ càng làm anh nghĩ ngợi nhiều hơn. Anh cũng lo sợ rất nhiều, sợ rằng sẽ không còn được về với gia đình, sợ sẽ không nghe tiếng con gọi "ba" hay đỡ đần việc nhà cho người vợ luôn mạnh mẽ ủng hộ chồng phía sau. Nhưng khi đến khu vực tác chiến, anh hoàn toàn gác lại cảm xúc và suy nghĩ cá nhân để tập trung chuyên môn vào nhiệm vụ, chấp nhận dấn thân không ngại ngần.

Đội PCCC&CHCN hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến

"Gia đình là hậu phương vững chắc, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, có gia đình chào đón mình quay về là niềm hạnh phúc đối với những người lính như mình. Nghe tiếng con bập bẹ tập gọi "ba" là bao mệt nhọc cũng tan biến đi khi nào", anh Phát vui vẻ kể về cậu con trai 1 tuổi.

Nghề PCCC & CNCH ở những ngày trước đã đầy rẫy những hiểm nguy, nay trước dịch Covid19 thì càng gian nan hơn, áp lực đặt lên đôi vai các anh chiến sĩ tăng lên gấp bội lần đồng thời tính mạng cũng vì thế trở nên nhỏ bé hơn trước tử thần qua những lần hành động.

Có nhiều chuyến đi anh và đồng đội cũng sợ đó là lần cuối, nhưng đã chọn và sống với nghề thì anh nguyện sống hết mình, cố gắng từng ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo kịp lúc cứu hộ người dân.

Người lính cứu hộ chọn ở lại với công việc nguy nan vì trót yêu nghề  - 4

Những lần treo mình trên cao hết sức nguy hiểm, mặc dù sợ, nhưng mỗi người lính đều cố gắng gác lại cảm xúc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ của mình (Ảnh: NVCC).

Nói rồi anh Phát như chợt nhớ ra điều gì, rồi cười bảo với tôi rằng anh đang trong tình trạng "ế khách". Lúc này, thật sự khóe mắt anh rất vui, anh nói với nụ cười lớn, anh bảo mấy tháng qua người dân ở nhà nhiều, không xảy ra nhiều trường hợp cần giúp đỡ, cứu hộ...  nên anh và đồng nghiệp có cơ hội "thất nghiệp tạm thời". Cái nghề này là vậy, không ai ham mong chạy việc nhiều, ngồi thảnh thơi vậy đó mà mừng.

Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh "Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy". Ngày 22/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11 về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

Năm 2010, lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Ngày 22/02/2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1036/QĐ-BCA về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).