Người đàn ông dành 30 năm đào kênh dẫn nước về làng

Tú Anh

(Dân trí) - Trong suốt 30 năm, Laungi Bhuiyan, sống tại Ấn Độ, một mình đào con kênh dài 3 km để dẫn nước về làng.

Laungi sống tại ngôi làng hẻo lánh Kothilawa, nằm sâu trong những ngọn núi thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Phần lớn nước mưa đổ xuống những ngọn đồi gần đó sẽ xuôi ra sông thay vì chảy về làng. Đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu nước. Nhiều người đã bỏ làng đi nơi khác kiếm sống.

Người đàn ông dành 30 năm đào kênh dẫn nước về làng - 1
Ảnh: Ông Laungi dành 30 năm tự mình đào kênh dẫn nước về làng

Trước tình hình trên, Laungi quyết tâm tự đào kênh dẫn nước từ những ngọn đồi gần đó đến một cái ao trong làng. Không đề nghị mọi người giúp đỡ, ông bắt đầu kế hoạch riêng từ năm 1990, hoàn thành đường dẫn trong rừng vào năm 2001. Nhưng ông mất thêm 20 năm để xây dựng kênh từ rừng về làng.

Suốt 30 năm ròng rã, Laungi chỉ sử dụng những vật dụng có sẵn trong nhà như cuốc, xẻng. Ông đã tự tay làm nên con kênh dài 3 km, rộng 1,2 mét và sâu 1 mét.

“Trong 30 năm, tôi đến khu rừng gần làng để chăn gia súc và đào kênh. Không ai tham gia cùng tôi. Nhiều người đã bỏ làng lên thành phố kiếm kế sinh nhai nhưng tôi vẫn muốn ở lại nơi đây”, ông Laungi nói.

Người đàn ông dành 30 năm đào kênh dẫn nước về làng - 2
Ảnh: Ông Laungi muốn góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương

Hiện, người dân địa phương có nguồn nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt, chăn nuôi. Thậm chí, họ có thể tưới tiêu mà không lo nguồn nước sẽ cạn kiệt.

Patti Manjhi, người dân làng nhận xét hành động của ông Laungi đã mang lại lợi ích lớn cho động vật và các cánh đồng địa phương.

“Ông ấy không làm điều này vì bản thân mà dành cho cả cộng đồng”, anh Patti nói.

Đầu tháng 9, câu chuyện về Laungi được đăng tải trên mạng xã hội Ấn Độ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Mọi người đặt biệt danh cho Laungi là “người đàn ông đào kênh”.

Ngày 18/9, Anand Mahindra, Chủ tịch tập đoàn Mahindra, Ấn Độ, đề nghị tặng Laungi một chiếc máy kéo để thuận tiện cho việc làm nông.

“Đối với tôi, con kênh của Laungi có ý nghĩa như kim tự tháp Ai Cập hay lăng mộ Taj Mahal. Chúng tôi, tập đoàn Mahindra, rất lấy làm vinh dự được tặng ông Laungi một chiếc máy kéo”, ông Anand viết trên mạng xã hội Twitter.