Làng đúc lư đồng hiếm hoi tại Sài Gòn rộn ràng ngày cận Tết

(Dân trí) - Ít ai ngờ giữa Sài Gòn phồn hoa vẫn tồn tại một làng nghề với truyền thống đúc lư đồng trên 100 năm. Tuy không còn hưng thịnh, phát triển như xưa nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về nơi đây lại rộn ràng, tấp nập.

Làng đúc lư đồng hiếm hoi tại Sài Gòn rộn ràng ngày cận Tết - 1

Thợ đúc lư đồng đang hoàn thành những chiếc lư khách đặt vào dịp Tết.

Nghề có từ 200 năm trước

Tìm đến làng lư đồng An Hội (phường 12, quận Gò Vấp) những ngày cuối năm, chúng tôi được ông Trần Văn Thắng (hay còn gọi là Hai Thắng), người có thâm niên gần 50 năm trong nghề đúc lư đồng kể về chặng đường thịnh, suy của nghề này. Suốt nhiều năm qua, ông Hai Thắng vẫn giữ lửa, đeo đuổi nghề đúc lư đồng, dẫu trải qua bao năm tháng chiến tranh, cả những lúc nguyên liệu rất khan hiếm tưởng chừng phải bỏ nghề.

Theo ông Thắng, nghề đúc lư đồng có tuổi đời chỉ trên 200 năm nhưng sản phẩm làm ra có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí xuất sang cả nước Campuchia, Lào, Miến Điện…Nghệ nhân khai sáng nghề đúc lư đồng tại Hội An là ông Trần Văn Kỉnh. Ông Kỉnh đã tự khăn gói đến Chợ Lớn học nghề với mục đích kiếm kế sinh nhai. Khi đó, điểm đúc lư đồng đầu tiên nằm ở Chợ Lớn; với các loại sản phẩm nổi tiếng là chảo đồng, tượng phật, đồ tam khí, siêu đao….

Khi nghề đã cứng, ông Kỉnh về làng Hội An, truyền dạy cho anh em, bà con trong xóm. “Ngày đó, khắp An Hội, trẻ con cho đến người lớn đều bám nghề cả. Đi đến đâu cũng thấy đúc lư đồng. Ngày thường nhộn nhịp đã kể, chứ ngày tết đến, người làm, người giao hàng rồi khách đặt hàng ra vào khiến cho không khí trong vùng lúc nào cũng sôi động", ông Hai Thắng nhớ lại.

Lư đồng được mài các góc cạnh.
Lư đồng được mài các góc cạnh.

Nhiều công đoạn, tỉ mỉ

Ông Hai Thắng cho biết thêm, nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn, tất cả lại được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi người chỉ đảm nhiệm một khâu.

Một chiếc lư đồng thành phẩm tất yếu phải qua nhiều công đoạn. Ban đầu là làm khuôn ruột bằng đất sét tốt, rồi đến đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Đây là một công đoạn đòi hỏi người có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy. Tiếp đến là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp.

Sau khi phơi khô khuôn (thường phải mất từ 7 đến 10 ngày), người ta cho đổ đồng đã nóng chảy vào (đồng chỉ được nấu vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.

Làng đúc lư đồng hiếm hoi tại Sài Gòn rộn ràng ngày cận Tết - 3
Lư đồng được trặm khắc hoa văn tinh xảo.
Lư đồng được trặm khắc hoa văn tinh xảo.

Mai một dần theo năm tháng

Hiện lư đồng An Hội có 2 loại: loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/bộ, tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phụng, trúc mai, song long hay phúc lộc thọ...Những bộ lư đồng nhiều hoa văn do chính tay con người rèn rũa, chau chuốt càng đẹp hơn bởi nó được “thổi vào” một phần tâm huyết, một phần hồn của người nghệ nhân.

Từ làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, nay An Hội chỉ còn 5 hộ gia đình gắn bó với nghề lư đồng truyền thống gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển. “Ngày nay nói về làm lư đồng quả thật ít ai muốn làm. Giá trung bình một bộ khoảng 2 triệu đồng nhưng nhiều công, nhiều kinh phí, thuế lại tăng…”, một thợ đúc lư đồng tâm sự.

Lư đồng được xử lý ở công đoạn cuối cùng trước khi ra lò.
Lư đồng được xử lý ở công đoạn cuối cùng trước khi ra lò.
Làng đúc lư đồng hiếm hoi tại Sài Gòn rộn ràng ngày cận Tết - 6
Những bộ lư đồng hoàn chỉnh sau nhiều công đoạn công phu.
Những bộ lư đồng hoàn chỉnh sau nhiều công đoạn công phu.

Ông Hai Thắng chia sẻ: “Một số gia đình bán đất nên không thể tiếp tục theo nghề. Bệnh cạnh đó, giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá bán không tăng là mấy, đặc biệt là việc chính quyền địa phương siết chặt vấn đề về ô nhiễm môi trường nên mỗi tháng lò Hai Thắng cũng chỉ xuất xưởng từ 100 - 120 bộ lư, với 6-7 công nhân làm việc, trong đó chủ yếu là người nhà. Làng này chỉ nhộn nhịp dịp cận Tết bởi người dân nhiều nơi tìm đến đặt lư đồng về thờ hoặc thay thế những bộ lư không còn phù hợp”.

Những ngày cận Tết Đinh Dậu, làng lư đồng như sống lại thuở nào. Mọi người đang cố gắng hoàn thiện những mẻ đúc cuối cùng để lư đồng An Hội có mặt trên bàn thờ gia tiên ở mọi miền đất nước.

Trung Kiên