Làng bánh tráng Phú Chiêm mướt mồ hôi đua với Tết

(Dân trí) - Những vỉ bánh phơi ken kín từ nhà ra ngõ, dựng thành vách dọc theo các lối chè tàu, làng bánh tráng Phú Chiêm những ngày cuối năm rộn ràng không khí Tết.

 


Bánh tráng được đóng gói chờ xuất đi

Bánh tráng được đóng gói chờ xuất đi

Làng bánh tráng Phú Chiêm xã Điện Phương huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam tồn tại và truyền đời từ hàng trăm năm nay. Bánh tráng Phú Chiêm đã ghiđược dấu ấn đậm nét trong văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Những ngày này, khi Tết Bính Thân đang tới gần thì các cơ sở làm bánh lại tất bật hơn.

Trung bình một ngày mỗi hộ tráng thủ công cho ra lò từ 400 đến 800 chiếc bánh (cả bánh cuốn và bánh nướng) nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay. Bà Đinh Thị Trường, một chủ lò bánh cho biết: “Mới đầu tháng Chạp tôi đã không dám nhận thêm đơn hàng vì sợ làm không xuể. Chủ yếu bỏ mối cho bạn hàng. Tráng thủ công như tôi nhà chỉ có một lò nên không thể làm nhiều.” Cuối năm là thời điểm những người làm bánh tráng bận rộnhơn cả. Có hộ phải “chạy xô” vì nhiều nơi đặt hàng. Chủ yếu là các gia đình ở các vùng lân cận, hoặc những hàng quán ở Đà Nẵng, Hội An vào lấy bánh.

 

Làng bánh tráng Phú Chiêm mướt mồ hôi đua với Tết - 2
Hàng ngày lò bánh của bà Đinh Thị Trường đỏ lửa từ tờ mờ sáng đến trưa mà vẫn không kịp đơn hàng
So với bánh mè trắng thì bánh mè đen được ưa chuộng hơn nên số lượng sản xuất nhiều
So với bánh mè trắng thì bánh mè đen được ưa chuộng hơn nên số lượng sản xuất nhiều

 

Do nhu cầu của thị trường nên những năm gần đây ra đời thêm bánh tráng gạo lức.
Do nhu cầu của thị trường nên những năm gần đây ra đời thêm bánh tráng gạo lức.

Bánh được làm từ gạo xuyệt lựa chọn kỹ. Gạo được ngâm từ 2 đến 3 tiếng, sau đó được vút sạch qua nhiều nước. Gạo vút xong đem đi xay mịn thành bột nước. Bột tráng bánh được nêmtí muối cho đậm đà và thêm tí bột lọc để bánh dẻo. Đối với bánh tráng nướng, bột bánh sẽ gia thêm đường và mè giúp bánh nướng lên thơm và vàng đẹp. Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chị Dương Thị Ly cho biết: “Bột bánh đạt đến độ “chín” thì tốt nhất là xay bột từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau mới đem ra tráng. Bánh muốn ngon thì phải phơi dưới nắng đẹp, khoảng 2-3 tiếng là khô. Bánh Phú Chiêm để được lâu là nhờ vút gạo kỹ chứ không thêm chất bảo quản nên người ta chuộng lắm.”

Giá một chục bánh bán ra thị trường dao động từ 20 đến 50 ngàn đồng tùy vào độ dày mỏng, có mè hay không. Sau khi trừ đi chi phí nguyên liệu, mỗi hộ dân thu về khoảng 3 đến 5 triệu đồng trên một tháng. Chị Lê Thị Đi chia sẻ: “Nghề làm bánh tráng vất vả, chủ yếu lấy công làm lời nhưng các hộ dân ở đây vẫn bám nghề. Phần để giữ cái nghề truyền thống, phần vì trên mâm cơm ngày Tết của người Quảng thì không thể thiếubánh tráng được.”

Với những thuận lợi về nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động dồi dào, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thị trường tiêu thụ đang mở rộng,…làng nghềbánh tráng Phú Chiêm hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Hiện nay có khoảng gần 25 hộ đang duy trì sản xuất bánh tráng. Để bảo vệ thương hiệu cho riêng mình, làng nghề đã lên kế hoạch xây dựng nhãn hiệu độc quyền “Bánh tráng Phú Chiêm”. Khi thương hiệu này chính thức được công nhận, sản phẩm sẽ có thêm cơ hội nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường; làng nghề bánh tráng cũng sẽ phát triển bền vững.

Thanh Mai - Nguyễn Liên