'Hôm nay tôi đi học...'

1. Không biết tự bao giờ, ngày khai trường trở thành nỗi lo toan và cuộc tranh luận nhiều đến thế. Nhưng với con trẻ, nó cần mãi mãi là ngày vui thuần khiết nhất.

Hãy nhìn xem, với những đứa trẻ, việc lớn lên và đến trường là một niềm ham thích tất yếu. Từ những xóm vạn chài, những đứa trẻ ngày ngày chèo đò vượt sông đến lớp. Hay những vùng núi xa xôi, những bàn chân trần nhỏ bé dù bầm tím vì giá rét vẫn bám chặt đất đồi, vượt dốc cheo leo rời bản đến trường.

Cả những đứa trẻ ngày ngày góp gạo, kiếm củi, chong đèn giữa những lều lán bên rừng để cùng nhau bám lớp. Sẽ khó ai giữ được các em nếu chúng không hồn nhiên yêu lớp, yêu trường.

Đến bây giờ, khi bàn cãi về những câu chuyện lễ nghi ngày khai giảng, chúng ta hãy ngồi kiểm đếm lại trong trí nhớ những câu chuyện về ngày khai trường đáng nhớ. Đừng ngạc nhiên khi đó là câu chuyện vui tươi nhất, trong sáng và rộng lượng nhất.

'Hôm nay tôi đi học...' - 1

Học sinh THPT trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Trong thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.

Trong bút ký Tôi đi học của Thanh Tịnh là ký ức: “Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

2. Hẳn nhiều người biết câu chuyện nổi tiếng thế giới của một cô bé Nhật Bản

trong Totto-chan bên cửa sổ? Ngày khai trường của cô bé Totto-chan ở Tomoe, một ngôi trường đặc biệt, dành cho các trẻ em bị coi là “đặc biệt”, đơn giản là cuộc gặp với thầy hiệu trưởng Kobayashi.

Ngày “khai giảng” ấy, thầy đã hỏi Totto-chan có gì muốn nói không, cô bé liền say sưa nói trong khoảng 4 tiếng và thầy giáo đã lắng nghe em trong suốt thời gian đó. Với tất cả học sinh của mình, thầy Kobayashi cũng lắng nghe như thế, bởi thầy tâm niệm, điều quan trọng là để các em tự do phát biểu ý kiến trước mặt mọi người mà không ngại ngùng, xấu hổ.

Điều tác giả muốn truyền đạt là người lớn cần lắng nghe trẻ em, phải tạo cơ hội và bầu không khí thoải mái để các em được nói lên ý kiến của mình. Thông điệp tưởng chừng như quá cũ này dường như lại quá khó để có thể thành hiện thực.

Hãy để trẻ em đến trường chỉ bằng sự say mê tinh khiết của mình như bức thư được cho là của Tổng thống Mỹ A. Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường của con trai: “Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh”.

Đó mới là ngày khai trường đọng lại trong ký ức của bất cứ ai từng là học sinh. Chứ không phải bài phát biểu dày đặc những kính thưa, kính gửi của các thầy hiệu trưởng.

Theo Nguyễn Gia

Thể thao & Văn hóa