Giáo dục gia đình là nền tảng, quý như kim cương

(Dân trí) - Để nuôi dạy con thành công người mẹ không cần phải là "một bách khoa toàn thư"... Giáo dục trẻ trong 18 năm đầu đời tạo nền tảng vững chắc cho tương lai về sau.

Muốn con hạnh phúc thì mình cần có hạnh phúc

Chị Hồ Thị Hải Âu, mẹ của Lã Hồ Minh Khuê - chủ nhân học bổng 320.000USD từ Đại học Harvard (Mỹ), chia sẻ rằng: Đứa trẻ chính là mầm cây và nuôi dạy trẻ chính là ươm mầm cây bằng nội lực và sức mạnh bên trong để đứa trẻ đó lớn lên một cách lợi lạc.

18 năm đầu đời tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của đứa trẻ
18 năm đầu đời tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của đứa trẻ

Theo chị Hải Âu, để nuôi dạy, dẫn dắt và đồng hành cùng con thành công, người mẹ chỉ cần có tình yêu và trí tuệ. “Bạn muốn con mình hạnh phúc thì bạn cần có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến khi bạn bình an với mình và cảm thấy mình có giá trị và có năng lượng. Thành công là vượt lên giới hạn của chính mình để hạnh phúc bước tới chinh phục cuộc đời chứ thành công không phải là vượt lên người khác.”

Trước câu hỏi về cách giáo dục giới tính cho con sao cho phù hợp, chị Hải Âu chia sẻ rằng: Giáo dục giới tính cho trẻ bắt đầu từ lúc 0 tuổi bởi vì giới tính của đứa trẻ đã được xác định khi người mẹ mang thai và khi đứa trẻ ra đời. Có nghĩa là đứa trẻ không vô giới tính cho đến khi nó 11 tuổi mà tăng tiến dần về giới tính ngay từ khi bé 0 tuổi.

Giáo dục con phải là tạo nền tảng bởi vì những phẩm chất trong một đứa trẻ khi vị thành niên mà thuần thục, vững chắc thì quý như kim cương và bền vững như kim cương, giúp con tự tin trước những va đập về ngoại cảnh về sau nếu có. Ví dụ như năng lực yêu lao động, chấp nhận áp lực cạnh tranh, năng lực biết chung sống, năng lực chịu tổn thương và làm việc trong môi trường nhiều áp lực cần tăng tiến dần thông qua rất nhiều tình huống sống trong cuộc sống chứ không tự nhiên có được. Khi đứa trẻ ăn uống, làm việc nhà, đi học, hay thực hành làm bài tập về nhà dù dễ hay khó thì đứa trẻ đó cần làm một cách có kỷ luật thì sau này sẽ có tính tự kỷ luật, và sẽ vui và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận.

“Một người mẹ Việt nuôi con hướng tới toàn cầu không có nghĩa là người mẹ ấy phải là một một bách khoa toàn thư, chỉ cần người mẹ ấy có một tình yêu vô điều kiện, yêu thương để con mình bay đi trên đôi cánh của chính mình. Yêu thương và có trí tuệ. Mình thật khiêm nhường và bé nhỏ vì thế nên gợi ý để con biết rằng mỗi người bạn là người thầy của mình và biết cách chung sống với những người lạ. Đây chính là một trong những kỹ năng tạo nên viên kim cương cốt lõi của tuổi vị thành niên,” chị Hải Âu nhấn mạnh.

Triết lý nuôi con của mẹ Việt

Chị cũng thú thực rằng chị không theo một phương pháp giáo dục cố định nào để dạy Minh Khuê, bởi chị cho rằng đồng hành cùng con là một nghệ thuật. Chị rất trú trọng nghiên cứu các thông tin khoa học về não bộ và tâm lý học thực tiễn. “Khi bạn nhìn nhận con bạn là một cá thể, một tiểu vũ trụ khác biệt thì phương pháp chỉ mang tính tham khảo và gợi mở”.

Chị cũng tự tin khẳng định rằng: “Mỗi người mẹ Việt đều có thể kiêu hãnh rằng mình có một triết lý. Chúng ta có quyền nhìn thấy nội lực của dân tộc Việt cũng như dân tộc Do Thái đã tự hào về họ để chúng ta bước chân trên hành trình này... Chúng ta hoàn toàn tự tin rằng người Việt có đầy đủ nội lực để có thể vươn lên mạnh mẽ như người Do Thái và hơn cả người Do Thái.”

Trong triết lý giáo dục con của mình, chị Hải Âu rất chú trọng đến tính tự nhiên và quy luật tự nhiên. “Do cuộc sống hiện đại chúng ta đã tách mình khỏi thiên nhiên thì tôi đang nỗ lực cố gắng để tâm thế của người mẹ, hiểu biết của người mẹ, dẫn dắt của người mẹ đối với đứa con là đi gần với quy luật của thiên nhiên.”

Trong khi nhiều bà mẹ băn khoăn không biết làm sao để cân đối thời gian giữa công việc và chăm sóc con cái, thì chị Hải Âu chia sẻ rằng người mẹ buộc phải lựa chọn lúc nào tập trung vào “đời chức” và lúc nào tập trung vào “thiên chức”. “Các bà mẹ có thể nỗ lực và tiết kiệm thời gian trong nhiều việc khác chứ đừng tiết kiệm thời gian và tình yêu thương cho con mình.”

Chị cũng tâm sự rằng, trong quá trình nuôi dạy Minh Khuê thành tài, chị vẫn sống cuộc sống của một người mẹ bình dị, vẫn phải lao động, phải cố gắng, cũng có lúc phải làm bác sĩ khi cần, lúc phải chịu hình phạt ở cơ quan, có lúc phải trốn chui chốn lủi...

“Không có bà mẹ nào chỉ ngồi ở nhà, đọc sách, tra cứu, quấy bột và nuôi con đâu... Khi bạn coi “thiên chức” là quan trọng hơn thì phải sắp xếp thời gian để làm “thiên chức”. Đi làm bạn cũng nghĩ đến con thì có nghĩa là bạn sẽ phải tích đức khi làm. Nếu bạn đi làm để kiếm tiền thì bạn cần hiểu rằng tiền đó cần cho con bạn bao nhiêu và bạn nỗ lực để đạt được,” chị nói.

Nguyên An