F0 vẫn đi làm, ra đường ship hàng, mua đồ

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo chị Thu H., dù là một F0 nhưng chị vẫn cần phải kiếm sống. Chị không thể ru rú ở nhà cách ly và nhìn khách đi mua hàng ở nơi khác được.

Hướng dẫn điều trị Covid-19 tại nhà cho F0 chuẩn Bộ Y tế (Video: Thìn Nguyễn).

"Là F0 nhưng tôi vẫn cần kiếm sống"

Suốt 1 tuần trở thành F0, chị Nguyễn Minh Ng. (SN 1995) được gia đình sắp xếp cho ở một phòng riêng. Mọi sinh hoạt gói gọn trong căn phòng hơn 10 m2. Đến bữa ăn, chị chỉ khẽ hé cửa phòng, kéo vội mâm cơm rồi ngay lập tức đóng cửa lại để không tiếp xúc với anh chị em và các cháu nhỏ trong nhà.

Kiêng kị kỹ là vậy nhưng đến ngày thứ 9, dù test nhanh chưa về âm tính, chị vẫn nhận được "lệnh" của sếp yêu cầu đến cơ quan làm việc.

Chị Ng. cho biết, chị bị lây Covid-19 từ một đồng nghiệp trong phòng. Thời điểm đó, Hà Nội có khoảng 20.000 ca mắc mỗi ngày. Khi đến cơ quan, chị và đồng nghiệp ai cũng đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, đến giờ ăn trưa, mọi người không thể không bỏ khẩu trang.

F0 vẫn đi làm, ra đường ship hàng, mua đồ - 1

Nhiều F0, F1 phải tự đi mua thuốc khi không có người khác hỗ trợ (Ảnh minh họa: P. H. H)

"Vì dịch bệnh chúng tôi không dám đi ăn bên ngoài mà mang cơm ở nhà đi. Mấy chị em quý mến nhau, thường chia sẻ cho nhau món nọ món kia. Vô tình, chúng tôi lại lây bệnh cho nhau", chị Ng. kể.

Phòng chị Ng. có 10 nhân sự thì có tới 7 người trở thành F0. Thấy công ty vắng vẻ trong khi các dự án đang cần hoàn thành gấp, sếp của chị Ng. vô cùng sốt ruột. "Ngày nào sếp tôi cũng nhắn tin động viên anh chị em cố gắng tẩm bổ, nghỉ ngơi, lúc nào không mệt thì tranh thủ làm việc online. Chúng tôi cũng lo lắng lắm nên dù là F0 vẫn cố gắng làm việc ở nhà", chị Ng. kể.

Đến ngày thứ 9 bị nhiễm bệnh, dù không còn triệu chứng gì đáng lo ngại nhưng khi test nhanh, chị Ng. vẫn thấy kit test báo hiệu hai vạch. Chị Ng. thông báo với lãnh đạo cơ quan và nhận được yêu cầu phải đến văn phòng làm việc.

Không thể kháng "lệnh" sếp, chị Ng. đành bịt hai lớp khẩu trang, đeo thêm tấm chắn giọt bắn để đi làm. Đến cơ quan, để giữ an toàn cho vài đồng nghiệp còn khỏe mạnh trong phòng, chị Ng. kéo bàn ra một góc riêng biệt để ngồi. Cả buổi chị không dám uống nước và không dám cởi khẩu trang. "Uống ít nước cũng là để hạn chế đi vệ sinh và hạn chế sử dụng không gian công cộng ở công ty", chị Ng. bộc bạch.

Khác với chị Ng., chị Thu H. là một người buôn bán cá nhân. Khi mắc Covid-19, vì không muốn công việc kinh doanh gián đoạn, hàng ngày, chị vẫn đeo găng tay, khẩu trang rồi đóng đơn hàng mang ra chi nhánh chuyển phát để gửi cho khách hoặc ship các đơn gần nhà.

"Tôi ghi sẵn thông tin, in mã dán lên kiện hàng. Ra đến nơi tôi chỉ cần để hàng ở cửa rồi gọi vọng vào báo cho nhân viên bên chuyển phát là rời đi liền. Hoặc khi đến nhà khách tôi để sẵn ở cửa rồi về nhận tiền qua tài khoản. Tôi nghĩ mình làm như vậy sẽ không lây lan dịch bệnh cho ai. Là F0 nhưng tôi vẫn cần phải làm việc để kiếm tiền. Tôi không thể ru rú ở nhà và nhìn khách đi mua hàng chỗ khác được", chị Thu H. chia sẻ.

F0 vẫn đi làm, ra đường ship hàng, mua đồ - 2

Dù là F0 nhưng chị H. vẫn cố gắng duy trì các đơn hàng, không để gián đoạn việc buôn bán (Ảnh: T. H)

Ra đường lo lắng, nhưng không còn cách nào khác

Làm nghề lái taxi nên anh Q. T (quận Long Biên, Hà Nội) không biết mình bị nhiễm Covid-19 từ đâu và khi nào. Chỉ khi thấy có những triệu chứng như ngứa họng, ho khan, anh và vợ cùng test nhanh thì phát hiện kết quả dương tính.

Vì không chuẩn bị gì từ trước nên dù là F0, anh T. vẫn phải đi ra ngoài mua thuốc men và thực phẩm. "Lúc đầu, vợ tôi định đặt dịch vụ giao thuốc và thực phẩm tới tận nhà. Tuy nhiên, chi phí hàng hóa, ship tăng cao khiến chúng tôi phải tính toán lại", anh T. thành thật nói.

Khi PV đặt vấn đề việc F0 đi lại như thế có thể làm lây lan dịch bệnh cho người khác, anh T. phân trần: "Trước đây nếu là F0 thì mỗi người sẽ được cách ly, có người hỗ trợ thuốc men, chăm sóc… Tuy nhiên, vì số F0 tăng vùn vụt mỗi ngày, chúng tôi không thể ngồi chờ đợi được ai đó giúp đỡ nên phải tự lo cho mình. Khi tôi gọi cho y tế cơ sở thì họ cũng bảo tự khai báo và mua thuốc về uống. Chính vì vậy, tôi không thể không ra ngoài dù có đôi chút lo lắng".

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác, anh T. thường chọn khung giờ vắng người và chỉ đi mua đồ đạc trong khoảng 15-20 phút. Mỗi lần, anh thường mua nhiều thực phẩm đủ dùng trong hai ba ngày, tránh phải ra ngoài nhiều lần.

Phạm Bích Thảo (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ở trong cảnh là F0 nhưng không có người giúp đỡ. Thảo là sinh viên mới ra trường và thuê phòng trọ sống một mình. Thời điểm đó, nhiều bạn bè của Thảo cũng bị mắc Covid-19 nên cô không nhờ vả được ai, tự mình xoay xở mọi việc từ mua đồ ăn thức uống tới thuốc men.   

Cô gái sinh năm 1997 này chia sẻ, nếu phải ở nhà liên tục gần chục ngày mà không có người giúp đỡ thì rất khó cho 1 F0.

F0 vẫn đi làm, ra đường ship hàng, mua đồ - 3

Nhiều F0 phải tự xoay xở mọi việc, đi mua các nhu yếu phẩm cần thiết (Ảnh:T. A)

Thảo nói: "Tôi gần như không có triệu chứng gì ngoài một hôm người hơi ấm ấm. Còn lại, tôi thấy mình khỏe mạnh như trước đây. Được biết, Bộ y tế cũng đang đề xuất cho F0 không triệu chứng đi làm có điều kiện. Vậy nên, tôi nghĩ mình vẫn có thể ra ngoài khi nhiễm bệnh, chỉ cần tuân thủ đúng nguyên tắc 5K".

Liên tục trong vài tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội luôn ở mức 20.000 -30.000 ca mỗi ngày. Người dân khi bị nhiễm bệnh thường chủ động khai báo qua ứng dụng như PC Covid hoặc đường link nội bộ của các xã, phường.

Việc khai báo và cách ly hiện nay hoàn toàn dựa vào tinh thần tự giác của người dân. Nhiều người dù đang là F0 nhưng do triệu chứng nhẹ, không bị ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe vẫn đi ra ngoài sinh hoạt hoặc đi làm bình thường.

Trước đó, đầu tháng 3/2022, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất cho F0 không có triệu chứng được đi làm với điều kiện di chuyển bằng phương tiện cá nhân, không tiếp xúc với người xung quanh.

Theo một quản lý nhân sự của công ty Hàn Quốc tại Hà Nội thì trên thực tế ở một số ngành, lĩnh vực, người lao động thuộc diện F0, F1 đã đi làm từ lâu, trước khi Bộ Y tế có đề xuất. Vị quản lý này cho rằng, nếu việc cách ly F0 lâu quá, tâm lý người lao động dễ chán, chưa kể nghỉ thì công việc dồn ứ, không ai làm thay được. Trong trường hợp F0 không triệu chứng nghỉ làm thì khi bình phục, sức ép công việc sẽ lớn.

F0 vẫn đi làm, ra đường ship hàng, mua đồ - 4

Nhờ được tiêm phòng từ 2-3 mũi nên nhiều F0 có triệu chứng khá nhẹ, vẫn có thể đi làm, sinh hoạt bình thường (Ảnh minh họa: Hoàng Lam)

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế cho rằng, việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 không triệu chứng được phép đi làm trong thời gian cách ly là hợp lý.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh. F0, F1 được cơ quan cho đi làm cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K.  Ngoài ra, những trường hợp này cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để có biện pháp điều trị phù hợp.