Đức nhận Einstein làm anh hùng

Sau hai cuộc thế chiến thất bại, Đức thiếu trầm trọng các anh hùng. Albert Einstein bỗng được coi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của đất nước, cho dù nhà khoa học Do Thái từng phải chạy trốn phát xít Đức và căm ghét cố hương của chính mình.

Các hoạt động kỷ niệm “Năm Einstein” đang diễn ra trên khắp thế giới, một thế kỷ sau khi ông đưa ra thuyết tương đối ở Thuỵ Sĩ và 50 năm sau khi ông qua đời (18/4/1955). Nhưng không ở đâu việc này lại rầm rộ như ở Đức.

“Điều này hơi kỳ lạ”, Juergen Neffe, tác giả cuốn tiểu sử về Einstien bằng tiếng Đức, nhận xét. Cuốn sách nằm trong các danh sách các sách bán chạy nhất từ khi nó được xuất bản hồi tháng 1.

“Einstein ghét phát xít Đức và ghét sang tất cả những người Đức vì đã để chuyện đó xảy ra. Chắc chắn là ông ấy ghét cả nước Đức nữa, nhưng dù sao ông ấy cũng sẽ hài lòng về sự phát triển của đất nước trong 30 năm qua”.

Hiện tượng tái khám phá Einstein tại đây bắt đầu vào năm 2003, khi ông được hàng triệu người xem truyền hình coi là một trong những người Đức “kiệt xuất” của mọi thời đại - vị trí thứ 10 trong danh sách mà vị trí thứ nhất thuộc về vị thủ tướng đầu tiên thời hậu chiến Konrad Adenauer.

Sinh ra ở thành phố Ulm năm 1879, Einstein chuyển tới Thuỵ Sĩ ở tuổi 17 để trốn quân dịch. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ở Zurich, ông viết nghiên cứu khoa học trong thời gian rảnh.

Năm 1905, “năm phép màu của Einstein”, ông đưa ra thuyết tương đối nêu ra mối quan hệ giữa thời gian và không gian. Danh tiếng của ông lên như cồn năm 1919, khi thuyết này được chứng minh. Ông giành giải Nobel năm 1921. Sau sự kiện này, cả Đức và Thuỵ Sĩ đều nhận ông là người của nước mình. Sau đó Einstien đưa ra công thức E = mc2, mở ra cánh cửa thời đại nguyên tử.

Einstein trở lại Đức năm 1914 và sống tại Berlin 19 năm trước khi chạy trốn Hitler năm 1933. Ông làm việc tại Đại học Princeton của Mỹ, rồi sống nốt phần đời còn lại ở đó. Ngôi nhà của ông ở Berlin bị phát xít cướp phá. Einstein (mang cả hộ chiếu Thuỵ Sĩ), từ bỏ quốc tịch Đức và nhập quốc tịch Mỹ năm 1940.

Tuy nhiên, tất cả các sự kiện lịch sử này không ngăn cản chính phủ Berlin đón nhận ông như một đứa con thất lạc từ lâu. Để mừng Năm Einstein, người ta viết những câu nói bất hủ của ông bằng chữ đỏ lớn trên tường dinh thủ tướng và các toà nhà chính phủ khác.

“Những lời nói của Einstein ngày nay vẫn còn tạo cảm hứng cho chúng ta”, Thủ tướng Gerhard Schroeder tuyên bố.

Chính phủ còn cam kết chi 500 triệu euro cho quỹ nghiên cứu khoa học mang tên Einstein.

“Họ đang dùng Einstein làm biểu tượng để khuyến khích giáo dục và nghiên cứu”, Neffe bình luận. “Ông ấy là ngôi sao toàn cầu đầu tiên trong lĩnh vực khoa học, vào thời điểm khái niệm các ngôi sao quốc tế mới xuất hiện. Einstien biết sử dụng báo chí như báo chí sử dụng ông ấy, luôn luôn hài hước. Đôi khi lẽ ra ông ấy phải có bài phát biểu thì thay vào đó, lại lấy đàn violon ra chơi”.

Năm Einstein còn được kỷ niệm bằng những chuyến tham quan ở Berlin, một hội nghị khoa học và một triển lãm lớn. Rất nhiều chương trình truyền hình đào sâu vào đời tư của Einstien, những câu chuyện ngoại tình, các phỏng đoán về những đứa con ngoài giá thú của ông và mối liên hệ giữa ông với đời sống về đêm ở Berlin nở rộ những năm 1920.

Có tới 40 tuyến du lịch mới tới những nơi ở Berlin mà Einstein từng sống và làm việc. Mặc dù căn hộ của ông đã bị phá huỷ thời Thế chiến II, ngôi nhà mùa hè của nhà vật lý tại Caputh gần Postdam vẫn tồn tại cho đên nay và trở thành một điểm tham quan được ưa thích trong năm.

Ngôi trường trung học Albert-Einstein ở quận Neukoelln của Berlin cũng có một loạt hoạt động kỷ niệm. Đây là nơi đầu tiên trong số 30 trường ở Đức được đặt tên theo Einstein và là địa điểm duy nhất xin phép ông (tháng 10/1954).

Hiệu trưởng trường này – Klaus Lehnert – bình luận: “Điều đáng ngạc nhiên là Einstein vào thời điểm đó vẫn để trường sử dụng tên mình, mặc dù ông ấy đã cắt mọi mối liên hệ với nước Đức và từ chối mọi hành động tỏ lòng kính trọng ông của đất nước này. Einstein tuyên bố là ông ấy không muốn có liên quan gì với những kẻ đã tàn sát những người anh em Do thái của mình. Nhưng ông ấy lại trao đổi thư từ với các em học sinh rất nhiệt tình. Rõ ràng là ông đã nhìn thấy hy vọng cho thế hệ trẻ và muốn làm hoà với họ”.

Trong một trong những bức thư của Einstein gửi trường, nhà vật lý tuyên bố là ông chấp nhận để họ dùng tên của ông nhưng chua thêm một nhận xét hài hước về xu hướng đặt lại tên nhà cửa và đường phố thời Hitler: “Tôi thành kính hy vọng là người ta sẽ không quay trở về cái nạn dịch đặt lại tên”.

Theo M.C. - Vnexpress/Reuters