Độc đáo tục lệ để tang cá "ông"

(Dân trí) - Đối với người dân làng chài ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thì việc để tang cá “ông” (cá voi) sẽ giúp họ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc bám biển mưu sinh. Ở đây có làng chài Thuận Trì với lịch sử bám biển từ lâu đời.

Theo những người lớn tuổi trong làng Thuận Trì thì phong tục để “tang” cá ông của dân làng không biết có tự bao giờ. Chỉ biết rằng những người dân làng này vốn xuất thân từ vùng Nghệ An, Thanh Hóa theo chân vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chămpa rồi ở lại định cư. Vốn sẵn nghề chài lưới nên họ tiếp tục bám biển.

Cá ông “lụy” bờ vào tháng 5/2013 ở xã Duy Hải
Cá ông “lụy” bờ vào tháng 5/2013 ở xã Duy Hải

Rồi nhiều lần cư dân vùng này gặp nạn được cá “ông” cứu giúp, nên họ tin rằng cá “ông” là hiện thân của tổ tiên mình đến giúp đỡ. Từ đó họ tôn sùng những chú cá voi, gọi tôn kính là cá “ông”. Họ coi cá voi như người thân trong gia đình. Ở đây, mỗi lần cá ông “lụy”, cả làng sẽ để tang “ông” để cầu may.

Những ngư dân ở đây họ có hẳn một nghĩa địa riêng để chôn cất những chú cá voi lụy bờ. Một bãi đất trống được rào chắn cẩn thận, xung quanh là những hàng dừa xanh mát.

Khi lụy bờ, “ông” được người dân che trại chăm sóc cho đến khi ông “đi”
Khi lụy bờ, “ông” được người dân che trại chăm sóc cho đến khi ông “đi”

Theo tín ngưỡng của họ, vùng đất nào được cá “ông” lụy vào là vùng đất ngư dân sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn khá giả, vì được “ông” chọn yên nghỉ là vùng đất yên bình. Chính vì vậy người dân ở Duy Hải có một niềm tin mãnh liệt rằng họ sẽ gặp thuận lợi khi ra khơi đánh bắt. Người dân nơi đây truyền lại cho con cháu mình, hễ ai phát hiện ra cá ông “lụy” bờ người đó sẽ được may mắn để tang “ông”.

Theo ông Đặng Mính (thôn 2, Thuận Trì, xã Duy Hải) một trong những người trong ban trị sự khi an táng cá “ông” cho biết: “Tục lệ để tang cá “ông” đã có từ lâu đời, nếu ai bắt gặp cá “ông” lụy bờ và được để tang ông đó là một điều may mắn. Người để tang cá “ông” sẽ đeo tang như đang mang tang của người thân mình, vì người đó được xem là con của ông. Thường người vinh dự được chọn sẽ mang tang trong vòng 3 tháng, cá “ông” được chôn cất 3-4 năm rồi mang vào thờ trong lăng ông”.

Nơi an táng cá “ông” được rào chắn cẩn thận
Nơi an táng cá “ông” được rào chắn cẩn thận

Cách đây hai năm, anh Lê Văn Cà (thôn 2, Thuận Trì, Duy Hải) là người đã may mắn bắt gặp cá “ông” lụy bờ và được vinh dự để tang ông. Anh bắt gặp cá “ông” lụy bờ trong một chuyến đi lặn bắt ốc cùng với em trai là Lê Văn Tường.

Đang lặn bắt ốc, anh Cà phát hiện phía xa mình có một khoảng nước đục. Vùng nước đục do một vật màu đen kỳ lạ tạo nên. Sau một hồi quan sát, hai anh em mới phát hiện ra đó là cá ông lụy bờ, họ bàn nhau tìm cách giúp ông trở về với biển. Nhiều lần hai người đẩy ông hướng ra biển thì ông lại nương theo thuyền của anh Cà trở lại bến.

Nơi an táng và thờ tự được bố trí trên gò đất cao, xung quanh là những hàng dừa xanh
Nơi an táng và thờ tự được bố trí trên gò đất cao, xung quanh là những hàng dừa xanh

Thấy lạ, anh gọi thêm dân làng đến giúp đỡ. Hàng chục trai tráng hò nhau đẩy ông ra khơi nhưng ông cứ lội lại vào bờ. Nhiều lần cố gắng bất thành, anh Cà thầm cầu khấn “Nếu ông muốn vào bờ nghỉ thì xin đi theo chúng con vào bờ, để chúng con tìm chỗ cho ông an nghỉ”. Họ dong thuyền theo con lạch hướng về làng Thuận Trì, “ông” cứ vậy lội theo sau thuyền của ngư dân đến gần chục km.

Theo những người dân trong làng, ông được đưa lên bờ ngày 21/5 nhưng do chưa phải ngày đẹp nên sau 2 ngày ông mới đi hẳn. Những ngư dân trong làng đã vận động quyên góp để an táng cho ông. Lễ an táng được diễn ra trịnh trọng. Trong suốt thời gian đó, dân làng mở hội bài chòi, tổ chức các trò chơi truyền thống… Phải 20 năm rồi làng chài nơi đây mới có cá ông lụy bờ.

Lăng thờ cá ông, hiện tại người dân đang tích cực quyên góp để xây dựng và tôn tạo lại lăng ông trong thời gian sớm nhất để đưa ông vào thờ tự
Lăng thờ cá ông, hiện tại người dân đang tích cực quyên góp để xây dựng và tôn tạo lại lăng ông trong thời gian sớm nhất để đưa ông vào thờ tự

Vì anh Cà là người đã phát hiện ra cá “ông” lụy bờ nên anh được vinh dự là người sẽ để tang cá “ông”. Anh Cà cho biết: “Phải 20 năm rồi trong làng mới phát hiện ra cá “ông” lụy bờ và tôi là người đã vinh dự được để tang ông. Tôi cũng mặc áo tang như khi đưa tang người trong nhà. Suốt thời gian mang tang, tôi không được ngủ với vợ con mà phải ngủ riêng, không được chui qua dây phơi quần áo…”. Suốt thời gian để tang ông, ngày nào anh cũng ra thắp hương chăm nom cho phần mộ ông, khẳng định niềm tin mãnh liệt của ngư dân nơi đây.

Theo tín ngưỡng của ngư dân địa phương, nếu làm những điều cấm kỵ trên khi đi biển, dù đi thúng hay đi thuyền thì cũng bị tai họa.

N.Linh-C.Bính