xây tết

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cùng gia đình về quê ăn Tết, có sức khỏe và vẫn còn công việc để làm… là ước mong giản dị của công nhân ngành xây dựng sau một năm đầy biến động.

26 tuổi, anh Võ Duy Khanh (quê An Giang) đã có 5 năm thâm niên trong lĩnh vực thi công cốt thép bê tông. Theo lời anh kể, công nhân xây dựng giống như một "nghề truyền thống" trong gia đình và trở thành công việc tất yếu cho những thanh niên có hoàn cảnh như anh. Anh em chú bác trong nhà đều lần lượt theo chân nhau lên Sài Gòn làm xây dựng. Nhà anh có 3 anh em thì cả 3 cũng đều làm trong lĩnh vực này.

Bất chấp những nhọc nhằn, dãi nắng dầm sương, thậm chí có phần nguy hiểm, anh Khanh cho biết vẫn yêu thích công việc này. Không chỉ vì giúp anh nuôi gia đình, mà môi trường làm việc cũng có phần thoải mái, không bị gò bó theo khuôn phép như những công việc khác.

"Cực thì cực nhưng mà vui. Anh em bà con làm chung với nhau nhiều năm lúc nào cũng vui vẻ, hòa thuận", anh Khanh cười hiền nói.

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 1

Anh Võ Duy Khanh thích làm công nhân xây dựng vì môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ với anh em (Ảnh: Hữu Khoa).

Khoảng 3 tháng nay, đơn vị của anh trở thành nhà thầu phụ thi công bê tông cốt thép cho Coteccons tại dự án Vinhomes Grand Park. Đây là đại công trình của Vinhomes với khối lượng công việc rất lớn, nên nhóm anh có thể yên tâm làm việc trong thời gian dài, giảm áp lực tìm việc cho nhân công như nhiều nhà thầu phụ khác trong bối cảnh hiện nay.

Hơn nữa, Coteccons luôn chú trọng môi trường làm việc cũng như điều kiện an toàn cho người lao động. Công trường luôn có đội ngũ giám sát nhắc nhở trang phục bảo hộ. Công nhân có lối đi riêng, đảm bảo an toàn. Khi thi công ở những khu vực nguy hiểm như trên cao hoặc ra biên, đội ngũ giám sát sẽ kiểm tra cẩn thận, mới cho công nhân lên. Nếu vi phạm các quy định về an toàn đã được phổ biến trước đó, người lao động sẽ phải chịu kỷ luật từ nhẹ là nhắc nhở, lập biên bản đến nặng là phạt tiền, đuổi việc…

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 2
Công trường của Coteccons tại dự án Vinhomes Grand Park (Ảnh: Hữu Khoa).

Khi được hỏi đã có kế hoạch gì cho dịp Tết năm nay chưa, anh cười nói, với những lao động xa nhà như anh, Tết chỉ bắt đầu khi về đến quê nhà. Nên mong ước lớn nhất của anh là có sức khỏe để về quê ăn Tết với gia đình.

"Gần Tết, ai cũng muốn có thu nhập để trang trải và mua sắm cho gia đình. Nhưng có tiền thì vui, không có tiền thì mình ăn Tết hơi đơn giản chút. Miễn sao có sức khỏe để về quê ăn Tết với gia đình là vui rồi", nam công nhân bày tỏ.

Cũng giống như anh Khanh, anh Lê Quốc Phương (Tiền Giang, 28 tuổi) theo người chú lên TPHCM làm thợ đóng cốt pha từ những ngày vừa tròn đôi mươi. Với thâm niên 8 năm trong nghề, anh hiện có thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, đủ để lo cho gia đình nhỏ và thỉnh thoảng gửi về cho cha mẹ.

Mọi năm, gần Tết là giai đoạn cao điểm của ngành xây dựng, khắp nơi phải tăng ca để hoàn thành các mốc tiến độ do chủ đầu tư đặt ra. Mức thưởng Tết cũng rất phấn khởi. Trung bình một công nhân lành nghề như anh có thể được thưởng 15-20 triệu đồng nếu đạt tiến độ.

Nhưng năm nay, nhiều công trình đình đốn ngay dịp cuối năm, không ít công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, phải về quê "ăn Tết sớm". Trước tình hình khó khăn chung, anh không đặt kỳ vọng nhiều vào thưởng Tết này.

"Nhiều công trình đang làm có khi phải dừng giữa chừng, nhưng tới đó rồi tính. Còn chuyện thưởng Tết, năm nay bấp bênh quá nên tôi cũng không mong ước nhiều, chỉ cần có chi phí để về quê ăn Tết với gia đình là vui rồi", anh Phương chia sẻ.

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 3
Anh Lê Quốc Phương đã có 8 năm thâm niên trong ngành xây dựng (Ảnh: Hữu Khoa).

Rời Hậu Giang để lên Sài Gòn kiếm sống từ năm 1998, cô Út Em (Hậu Giang, 46 tuổi) cho biết, xây dựng có lẽ là một trong những nghề luôn mở rộng cửa cho lao động nhập cư không bằng cấp, không qua đào tạo và không vốn như cô. Cứ một người có việc làm, thấy ổn định lại giới thiệu anh em, họ hàng vào làm rồi dần hình thành những tổ đội chuyên nhận thi công hạng mục nhỏ cho các công trình của nhà thầu chính.

Cô kể, ngày mới vào nghề, đồng lương cho công nhân xây dựng chỉ khoảng 28.000 đồng/ngày. Mọi người đều đi làm bằng xe đạp, cứ thấy từng tốp mười mấy chiếc xe đạp chở nhau trên đường là biết công nhân xây dựng.

Sau 24 năm, đến nay, vợ chồng cô đã là quản lý một đội chuyên thi công cốt pha công trình với hơn 50 nhân công. Các anh em trong dòng họ cũng tổ chức thành những đội thi công như vậy, người thì làm sắt thép, người chuyên xây tô, người ốp lát gạch… Thỉnh thoảng, đội này "kẹt" nhân công thì "mượn" người của đội kia, rồi lại quay lại làm công việc của mình. Mỗi người một nghề, không ai giẫm chân ai.

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 4
Sau 24 năm làm việc, cô Út Em giờ là đội trưởng một đội chuyên thi công cốt pha với 50 nhân sự (Ảnh: Hữu Khoa).

Ở tuổi U50 và đã trở thành "chủ cả", hàng ngày, cô Út Em vẫn đến công trường và trực tiếp làm việc như một công nhân. Cô cho biết vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn đủ sức khỏe. "Kiếm tiền có khi nào là dễ. Nhưng làm nghề nào thì quen nghề đấy, nghề nào cũng có lúc buồn, cũng có khi vui", cô tâm sự.

Nói về tình hình năm nay, cô Út Em thừa nhận, công việc có khó khăn hơn. Hồi trước, cô nhận thi công với tiền công khoảng 100.000 đồng/m thì giờ chỉ còn 85.000-90.000 đồng/m. Trước nhận lương 2 tuần/lần thì giờ phải chờ cả tháng. Nhưng cô xác định: "Từ đây đến Tết làm để nuôi quân thôi, lời lỗ không quan trọng". Dịp hết năm Tết đến, cô chỉ mong có món quà nhỏ từ nhà thầu chính để tổ đội có một buổi liên hoan nho nhỏ trước khi chia tay nhau về quê ăn Tết.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng (quê Bạc Liêu, 57 tuổi) có lẽ là một trong những công nhân lớn tuổi nhất trên công trường. Cả gia đình ông, bao gồm vợ và con trai, đều làm cùng một đội. Mỗi ngày vợ ông đều dậy sớm, chuẩn bị những bữa cơm cho cả nhà rồi bỏ vào cà mèn đem theo. Đến trưa, họ lại bày ra ăn cùng anh em trong đội. Vì thế, những bữa cơm gia đình của họ phần lớn là diễn ra ngay giữa công trình, xung quanh những đống vôi vữa hoặc ngổn ngang sắt thép.

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 5
Ông Nguyễn Văn Dũng - một trong những công nhân lớn tuổi nhất trên công trường (Ảnh: Hữu Khoa).

Là thợ đóng cốt pha hơn 10 năm tuổi nghề, nhưng thu nhập của ông Dũng chỉ được 320.000 đồng/ngày; thay vì mức trên dưới 500.000 đồng/ngày như công nhân lành nghề. Nguyên nhân là ông đã lớn tuổi, sức lực không thể bằng người khác. Nhưng ông vẫn làm việc như mọi người, người khác tăng ca đến đâu thì ông làm đến đó, không cậy mình lớn tuổi mà xin giảm bớt công việc. Với ông, niềm vui là có công việc để làm.

"Người ta còn khỏe, làm xong việc này có thể nhảy sang làm việc khác. Còn tôi lớn tuổi rồi, phải đợi đổ nền xong mới có việc cho thợ cốt pha. Ngày nào có việc thì vui, còn không có thì hơi buồn chút", lão ông nói.

Kế hoạch cuối năm nay của ông cũng giống mọi người là cùng gia đình về quê ăn Tết. "Chỉ mong có việc để làm thôi, chứ không mong gì hơn", ông Dũng trả lời khi được hỏi về điều ước lớn nhất nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới.

Điều ước giản đơn của công nhân xây dựng khi Tết đến xuân về - 6
Với niềm hao hức chờ dịp Tết đến, những người công nhân cũng làm việc hăng say và vui vẻ hơn thường ngày (Ảnh: Hữu Khoa).

Anh Đoàn Thành An - Chỉ huy trưởng đang quản lý khoảng 1.200-1.300 công nhân xây dựng tại dự án Vinhomes Grand Park của Coteccons - cho biết, giai đoạn cuối năm, không riêng công nhân mà lực lượng giám sát cũng nôn nao, nóng lòng chờ đến ngày về quê ăn Tết. Do đặc thù của nghề xây dựng là thường phải đi làm xa nhà, ít khi được về quê, nên cuối năm, ai cũng mong muốn mang những thành quả lao động trong suốt một năm về chăm lo, quây quần và chia sẻ hạnh phúc với gia đình. Do đó, giai đoạn này công nhân làm việc rất hăng say, năng suất bằng 120-150% so với ngày thường để đẩy nhanh tiến độ.

"Thấu hiểu những tâm tư này của người lao động, nên dù năm nay thị trường xây dựng có rất nhiều khó khăn, nhưng Coteccons vẫn có những chương trình để chia sẻ cũng như động viên công nhân đã gắn bó với doanh nghiệp. Ngoài các hoạt động thường niên như tổ chức chuyến xe hoặc hỗ trợ tiền xe về quê ăn Tết, tặng quà, năm nay chúng tôi còn có những hoạt động đặc biệt và ý nghĩa dành cho anh em công nhân, kể cả công nhân các đội nhóm và nhà thầu phụ", anh An tiết lộ.

Ngoài các hoạt động chăm lo cho công nhân ngày Tết, giai đoạn cuối năm, đại diện Coteccons cho biết cũng tập trung thực hiện các thủ tục để thanh toán và tạm ứng đầy đủ cho các nhà thầu phụ, để họ có thể trả thu nhập xứng đáng cho công nhân.

Dòng sự kiện: Xây Tết cùng Coteccons