Đến trứng gà cũng "đòi" giải cứu: Đừng hạ thấp giá trị nông sản Việt!

Minh Nhân

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại hiện tượng "giải cứu" - cách làm nặng tính "từ thiện" đã hạ thấp giá trị nông sản của người dân.

Trứng gà vỉa hè không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng

Gần một tuần qua, trên vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Phạm Hùng, Cầu Diễn, Tố Hữu,... xuất hiện các điểm bán trứng gà, vịt với băng rôn "Chung tay giải cứu cho bà con nông dân". Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cũng đồng loạt đăng tải hình ảnh kèm thông tin "trứng gà rớt giá thê thảm, nguy cơ phải giải cứu".

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trứng gà được bán theo mỗi túi 30 quả, giá 65.000 đồng. Người đi đường hoặc đọc bài viết trên mạng xã hội đã tìm đến ủng hộ đông đúc. Một số người bán cho biết trung bình bán được 6.000 - 9.000 quả/ngày.

Đến trứng gà cũng

Thương lái căng băng rôn "giải cứu" trứng gà, vịt khắp đường phố Hà Nội thời gian qua. (Ảnh: Minh Nhân).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định hiện tượng trứng gà bán tràn vỉa hè Hà Nội thời gian gần đây dưới danh nghĩa "giải cứu" là chiêu trò của các thương lái.

Trên thực tế, thông tin từ các hội viên của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam thì đến nay, các trang trại chăn nuôi gà lấy trứng vẫn tiêu thụ tốt, giao cho các đầu mối lớn, siêu thị và các chuỗi cung ứng, chưa đến mức thừa thãi mà phải kêu gọi "giải cứu". 

Theo ông Sơn, sau Tết Nguyên đán, giá trứng gà các loại giảm 200 - 300 đồng/quả so với cuối năm 2022. Mức tiêu thụ cũng có xu hướng giảm khiến tổng cung vượt tổng cầu.  

"Lợi dụng tình hình đó, một số thương lái thu gom trứng gà, vịt từ các trang trại quy mô vừa và nhỏ với giá rẻ. Sau đó, họ bắt đầu căng băng rôn 'giải cứu', bày bán tràn lan các vỉa hè. Chúng tôi cho rằng hiện tượng này không phản ánh thực chất tình trạng cung và cầu của thị trường hiện nay", ông Sơn nói.

Đến trứng gà cũng

Người dân lo lắng về chất lượng, nguồn gốc trứng gà. (Ảnh: Minh Nhân).

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, các thương lái thu gom số lượng lớn trứng gà, vịt từ nhiều nguồn khác nhau. Đến nay, cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác số trứng này đến từ những trang trại nào.

Tại các điểm "giải cứu", người bán giới thiệu nguồn gốc trứng từ các trang trại xung quanh Hà Nội như xã Liên Châu (huyện Thanh Oai). Tuy nhiên, trả lời PV Dân trí ngày 19/2, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai bác bỏ thông tin này.

"Chúng tôi chưa nhận được đề nghị hỗ trợ 'giải cứu' từ người dân, trong khi đó Thanh Oai không phải địa phương nuôi gà, vịt để lấy trứng", ông Sáng nói.

"Điều này chứng tỏ trứng được bày bán tại các vỉa hè Hà Nội không được kiểm soát nguồn gốc, thời gian vận chuyển và bảo quản khác nhau, do đó không đảm bảo chất lượng", ông Sơn nhấn mạnh.

Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc "giải cứu"

Đây không phải lần đầu đường phố Hà Nội xuất hiện những băng rôn với nội dung "giải cứu". Trong và sau đại dịch Covid-19, đã có những cuộc giải cứu mít thái, thanh long, dưa hấu, cà chua,… thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định việc "giải cứu" nông sản nói chung và trứng gà nói riêng là hiện tượng nhất thời, vốn mang tính nhân văn, kêu gọi lòng trắc ẩn của người dân mỗi khi nông sản rớt giá hoặc dư thừa.

Tuy nhiên, theo ông, đã đến lúc phải nhìn nhận lại cách làm nặng tính "từ thiện" này và chấm dứt điệp khúc "giải cứu".

"Về lâu dài, không thể áp dụng cách làm này trong nền kinh tế thị trường, không thể cứ kêu gọi lòng thương, tính nhân văn mãi được", ông Sơn nói.

Đến trứng gà cũng

Người Hà Nội "giải cứu" nông sản Hải Dương thời điểm dịch Covid-19 năm 2021.

Dù "giải cứu" phần nào góp sức kêu gọi cộng đồng hỗ trợ nông dân trong những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, mặt trái của hiện tượng này lớn hơn rất nhiều, nặng nề nhất là hạ thấp giá trị nông sản.

Ông Sơn dẫn thông điệp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Người nông dân làm ra hàng hóa nông sản, từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm".

"Cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra hiện tượng căng băng rôn 'giải cứu' tại một số thành phố trong cả nước, đặc biệt Hà Nội", Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, ông khuyến cáo các cơ quan truyền thông không nên dùng từ "giải cứu" mỗi khi tuyên truyền về vấn đề tiêu thụ nông sản.

Đến trứng gà cũng

Người dân Hà Nội xếp hàng "giải cứu" dưa hấu Bắc Giang tháng 5/2021. (Ảnh: Đỗ Quân).

Thứ ba, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, chấm dứt tình trạng người dân bày bán sản phẩm tràn lan vỉa hè một cách tự do, không kiểm soát nguồn gốc và chất lượng. 

Thứ tư, các tổ chức, hiệp hội, hợp tác xã cần phát huy vai trò tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi và nhóm, giải quyết bài toán đầu ra của nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng.

"Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận mới để thúc đẩy phát triển thị trường nông sản ở Việt Nam một cách bền vững hơn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là hướng đi, giải pháp lâu dài, chứ không phải hàng năm mỗi khi cung vượt cầu, lại căng băng rôn kêu gọi giải cứu", ông Sơn khẳng định.