Dân chung cư Hà Nội "kêu trời" kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh

Minh Nhân

(Dân trí) - Lợi dụng "kẽ hở" an ninh tại một số chung cư ở Hà Nội, nhiều kẻ gian đóng giả làm cư dân rồi trộm đồ ship để ở sảnh hoặc bàn lễ tân.

Nhức nhối nạn trộm đồ ship ở chung cư

Đang ăn trưa cùng gia đình tại nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), anh Trần Việt (30 tuổi, quận Hoàng Mai) nhận điện thoại "gấp" của người giao hàng (shipper) quen.

"Anh về nhà lấy hàng hoàn trả giúp em nhé". Đầu dây bên kia vừa dứt, anh Việt buông đũa, vội phi xe máy về nhà.

Là chủ một cửa hàng kinh doanh online, mỗi ngày anh Việt nhận vài cuộc điện thoại hoàn trả hàng như thế. Những lần trước, anh thường dặn các shipper gửi hàng ở chốt bảo vệ hoặc sảnh lễ tân chung cư.

Tuy nhiên, sau lần mất gói hàng hơn 2 triệu đồng hồi tháng trước, anh quyết định phải tự nhận và kiểm tra hàng hóa. Anh thường canh giờ làm việc của shipper để lấy hàng, những trường hợp bất đắc dĩ mới phải tức tốc về nhà như lần này.  

"Không riêng tôi, một số cư dân cũng phản ánh tình trạng mất hàng ship để ở sảnh chung cư", anh Việt nói, bất lực không thể truy tìm "kẻ gian" do khu vực để đồ không lắp camera an ninh.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 1

Anh Việt kinh doanh online, mỗi ngày thường giao/nhận nhiều đơn hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo khảo sát, việc để đồ ship ở sảnh hay bàn lễ tân rất phổ biến tại các chung cư ở Hà Nội, do hai bên (cư dân - shipper) tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm. Để đáp ứng nhu cầu của cư dân, nhiều Ban Quản lý (BQL) chung cư bố trí bàn ở sảnh để đặt đồ, cư dân sẽ tự trao đổi với shipper để đặt hàng ở đó.

Như căn chung cư 28 tầng tại quận Hà Đông - nơi gia đình anh Nguyễn Hùng (29 tuổi) sinh sống, tạo điều kiện cho cư dân gửi/nhận hàng miễn phí tại siêu thị dưới chân tòa nhà. Tuy nhiên, 3 - 4 tháng gần đây, BQL thông báo dừng mô hình này.

Cư dân bắt đầu chuyển nhận hàng tại quầy lễ tân. Nhưng sau một thời gian, lễ tân cũng đặt biển báo: "Không để hàng hóa lên bàn".

"Gửi hàng ở siêu thị, tỷ lệ mất hay cầm nhầm thỉnh thoảng diễn ra. Khi chuyển giao/nhận ở bàn lễ tân, tình trạng này trở nên nghiêm trọng", anh Hùng nói.

Nhiều hàng xóm của anh liên tục "kêu trời" trên các hội nhóm cư dân, yêu cầu BQL chung cư trích xuất camera, bắt người cầm nhầm trả lại hàng hóa.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 2

Sảnh lễ tân chung cư anh Hùng thông báo "không để hàng hóa lên bàn này" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những người mất hàng giá trị thấp đều lựa chọn "bỏ qua cho xong chuyện". Nhưng cũng có người thu thập "bằng chứng", quyết tâm tìm ra kẻ gian, như chị Ngọc Hân (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng).

Đầu tháng 6, chị Hân có đơn hàng quạt điện giá hơn 3 triệu đồng. Shipper giao hàng vào giờ hành chính mà không báo trước, chị lại làm việc cách đó 10km nên không thể về nhà ngay. Chị dặn người giao hàng đặt đồ ở bàn lễ tân, rồi chuyển khoản thanh toán. 

Tối về, chị không tìm thấy hàng, trong khi shipper khẳng định đã đặt hàng đúng chỗ và chụp ảnh làm bằng chứng.

"Tôi xuống phòng an ninh nhờ kiểm tra camera thì phát hiện có kẻ gian đóng giả cư dân để lấy các gói đồ đặt dưới sảnh", Ngọc Hân kể, miêu tả đó là một phụ nữ trẻ, rất thuần thục, biết rõ từng ngõ ngách, lối đi trong chung cư.

Chị vội cảnh báo cư dân, cho hay đối tượng thường chọn thời điểm vắng vẻ, mặc quần áo ngủ, đeo khẩu trang, dựng xe máy cạnh phòng bảo vệ.

Tiếp đó, người này đi vào sảnh tòa nhà qua lối thang máy để không bị nghi ngờ là người ngoài. Sau khi "chọn" những món hàng có giá trị, kẻ gian quay trở lại sảnh thang máy, vừa đi vừa bóc lấy ruột, vứt vỏ hộp vào thùng rác rồi thoát ra ngoài.

"Mọi việc diễn ra chỉ trong 10 phút", Hân nói, đề nghị bộ phận an ninh, BQL, Ban Quản trị (BQT) tòa nhà làm việc với cơ quan chức năng, kiểm soát chặt chẽ người ra/vào chung cư.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 3

Bảo vệ một chung cư ở quận Hà Đông bắt quả tang đối tượng trà trộn vào sảnh chung cư trộm đồ ship của cư dân, hồi tháng 5 (Ảnh chụp màn hình).

Cuối tháng 5, một bảo vệ chung cư ở phường Phú La (quận Hà Đông) đã bắt quả tang cô gái 21 tuổi trà trộn vào sảnh chung cư trộm đồ ship của cư dân. Sự việc sau đó được chuyển lên Công an phường Phú La.

Cô gái khai hoạt động theo một nhóm, thường "ghé" vào nhiều chung cư ở Hà Nội. Các đối tượng thường chọn thời điểm "gây án" vào đầu giờ tối và mặc đồ công sở, tác phong như cư dân để không bị chú ý.

Sau khi trộm đồ, họ mang vào nhà vệ sinh bóc xem, nếu hàng giá trị sẽ lấy, còn không sẽ bỏ lại chỗ cũ.

Liên tiếp mất cắp hàng ship của cư dân, BQL tòa nhà đã đặt sổ ghi chép, yêu cầu người lấy hàng ở sảnh phải ghi họ tên, số căn hộ, loại đồ và ký tên. Để dễ dàng kiểm tra khi bị mất cắp hoặc có sự nhầm lẫn, BQL còn đề nghị người lấy đồ phải bỏ khẩu trang.

Hai tháng sau, bảo vệ chung cư nơi Minh Hiền (25 tuổi, quận Thanh Xuân) sinh sống cũng đăng tải video cảnh báo kẻ gian lấy trộm đồ gửi ở sảnh. Bộ phận an ninh khuyến cáo cư dân có trách nhiệm xuống lấy đồ sớm nhất có thể, thỏa thuận với shipper giờ giao/nhận hàng thích hợp.

"Tôi khá bất an khi thời đại mua hàng online, 90% hàng hóa không thể nhận trực tiếp vì giao giờ hành chính. Tôi thường gửi tạm đồ ở lễ tân và chấp nhận rủi ro. Những món hàng giá trị, tôi hẹn cửa hàng giao vào cuối tuần hoặc tự mình đến kho lấy hàng", Hiền cho hay.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 4

Nhiều BQL chung cư bố trí bàn ở sảnh để đặt đồ, cư dân sẽ tự trao đổi với shipper để đặt hàng ở đó.

Đau đầu tìm giải pháp thích hợp

Anh Chu Hưng Giáp, Trưởng BQT một chung cư tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho biết tình trạng "cầm nhầm", mất đồ gửi của cư dân ngày càng phổ biến khi dịch vụ giao hàng phát triển.

Trong khi đó, BQL tòa nhà hay bảo vệ không có trách nhiệm kiểm soát, bảo vệ những món hàng, đã tạo "kẽ hở" cho các đối tượng "gây án".

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty Quản lý Nhà Việt, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, vấn nạn mất đồ ship ở sảnh đã xuất hiện nhiều năm ở Hà Nội, tương tự như việc mất xe máy ở hầm chung cư.

"Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, BQT chung cư đều rất quan tâm, trăn trở tìm hướng giải quyết vấn nạn này", ông Tuấn nói, phân tích một trong những nguyên nhân dễ mất đồ ở sảnh chung cư, là chưa có sự đồng đều trong quản lý, vận hành tòa nhà.

Tại nhiều chung cư giá rẻ, BQL chỉ đủ kinh phí thuê lực lượng an ninh tại các vị trí mục tiêu như cổng ra/vào, hầm xe. Họ không cắt cử bảo vệ tuần tra xung quanh, dẫn đến gia tăng nạn mất trộm tài sản.

"Kể cả những chung cư cao cấp cũng xảy ra tình trạng này. Trên thực tế, việc nhận đồ ship là trách nhiệm giữa cư dân và người giao hàng. Còn lễ tân, BQT, bảo vệ không bị ràng buộc trách nhiệm", ông Tuấn cho hay.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh lỗi đầu tiên phải do cư dân không biết bảo vệ tài sản của mình.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 5

Nhiều chung cư đưa vào sử dụng tủ đồ thông minh nhưng nhiều cư dân không "mặn mà".

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo luật định, BQT chung cư không có trách nhiệm về việc mất tài sản cá nhân của cư dân hay đồ gửi ở sảnh chung cư.

Theo ông Tiền, cư dân đông đúc, nhu cầu mua sắm online gia tăng khiến số lượng hàng hóa được vận chuyển đến chung cư mỗi ngày rất lớn. BQT không thể kiểm soát hay bảo quản toàn bộ tài sản này.

Ngoài ra, lượng người ra/vào chung cư đông và liên tục, là yếu tố thường được kẻ gian lợi dụng để xâm nhập với nhiều mục đích khác nhau.

Từ sau lần phát hiện đối tượng trộm đồ, chung cư của Hiền ban hành nội quy nhận/trả đồ ship tại quầy lễ tân. Họ quy định giờ giao/nhận hàng, tối đa cho phép lưu đồ tại quầy lễ tân 24 tiếng kể từ lúc gửi.

Người gửi đồ phải ghi rõ họ tên, số điện thoại, giờ và ngày gửi lên gói đồ. Đồ gửi là thực phẩm tươi sống, đồ ăn, dễ hư hỏng, chất lỏng, dễ vỡ… sẽ bị từ chối vì không đủ điều kiện bảo quản.

Lễ tân cũng không nhận đồ có giá trị cao (từ một triệu đồng trở lên), hàng hóa của các căn hộ kinh doanh, buôn bán.

"BQL cho hay hành động chỉ mang tính chất hỗ trợ nhận và không chịu trách nhiệm về rủi ro tài sản, khuyến cáo cư dân cân nhắc trước khi gửi tại lễ tân", Hiền nói.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay, việc các đối tượng đóng giả cư dân để lấy trộm đồ, có thể bị xử phạt hành chính (2 - 3 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào giá trị tài sản.

Theo khoản 3 Điều 102 Luật nhà ở 2014, BQT và cư dân có thể tổ chức hội nghị nhà chung cư để thống nhất các biện pháp ngăn việc mất đồ, như: xây dựng tủ đồ thông minh; trả thêm phí dịch vụ để bảo vệ trông giữ đồ. 

Giải pháp lâu dài, chung cư có thể xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ cư dân mới có thể ra/vào tòa nhà. "Điều này không chỉ ngăn chặn người lạ xâm nhập chung cư, bảo đảm an toàn, mà còn bảo vệ tài sản cho cư dân", luật sư nói.

Dân chung cư Hà Nội kêu trời kẻ gian đóng giả cư dân trộm đồ ship ở sảnh - 6

Shipper giao hàng trong bán kính 6km đổ lại của một khu vực cố định (Ảnh: Hạnh Vũ).

Chung cư của anh Hưng Giáp đã lên kế hoạch xây dựng tủ đồ miễn phí, lắp đặt camera, đặt tại sảnh chính 2 tòa nhà. Anh yêu cầu bảo vệ trực 24/24 giờ, đề nghị cư dân mỗi lần lấy đồ phải bỏ khẩu trang để xác minh danh tính.

Dưới góc độ chuyên gia bất động sản, ông Tuấn cho rằng giải pháp khả thi nhất là BQL, BQT chung cư kết hợp với dịch vụ giao hàng và cư dân xây dựng một bản thỏa thuận có trả phí. Từ đó, việc giao/nhận đồ sẽ thuận tiện và có trách nhiệm hơn. 

Hơn một tháng trải nghiệm tủ đồ thông minh ở sảnh chung cư, anh Trần Việt không còn nơm nớp hay phải vội vã về nhà lấy đồ của shipper. Bỏ ra một khoản chi phí vừa phải, đổi lại dịch vụ đúng và trúng mục đích, anh tỏ ra rất hài lòng.

"Tốn kém một khoản nhưng thuận lợi lấy đồ, vẫn tốt hơn là tin tưởng giao hàng vào tay người khác hoặc rủi ro để ở sảnh. Song, tôi cũng lo ngại, cư dân đông đúc, thì bố trí bao nhiêu tủ mới đáp ứng đủ nhu cầu?", người đàn ông thắc mắc.