Đàn cá heo bị thảm sát, máu nhuộm đỏ nước biển gây tranh cãi kịch liệt

Huy Hoàng

(Dân trí) - Các ngư dân ở Nhật Bản đã khôi phục lại hoạt động đánh bắt cá heo gây tranh cãi kịch liệt khiến ít nhất 9 con đã bị giết chết, máu nhuộm đỏ cả vùng biển.

Đoạn video được các nhà hoạt động vì động vật của tổ chức Dolphin Project ở Taiji, phía nam Osaka, Nhật Bản, ghi hình từ trên cao, cho thấy đàn cá heo Risso bị lùa vào vịnh nhỏ hôm 2/9.

Không lâu sau đó, hai chiếc thuyền nhỏ kéo xác cá heo chết ra khỏi vịnh còn các ngư dân che xác cá bằng vải bạt. Ước tính ít nhất 9 con đã bị giết chết, máu nhuộm đỏ cả một vùng biển.

Ren Yabuki, thành viên của nhóm phúc lợi động vật Life Survey, xúc động khi ghi lại toàn bộ sự việc khi đứng trên bờ, rồi chia sẻ video qua mạng xã hội. Ông là một trong những người Nhật Bản tới Taiji hàng năm để ghi hình mọi hoạt động săn bắt cá heo. 

Đàn cá heo bị thảm sát, máu nhuộm đỏ nước biển gây tranh cãi kịch liệt - 1
Săn bắt cá heo ở vịnh Taiji, Nhật Bản, lại bước vào mùa mới (Ảnh: Asia News).

"Tôi xin lỗi, nhưng hôm nay là một ngày rất buồn", người xem có thể nghe thấy giọng nói của Ren qua đoạn video ghi hình trực tiếp.

Được biết, vào khoảng tháng 9 tới tháng 2 hàng năm, người dân ở vịnh Taiji lại bước vào mùa săn cá heo. Đó là thời điểm hàng nghìn con bị lùa vào vịnh. Những con cỡ lớn sẽ bị bắt giết, xẻ thịt phục vụ cho thực khách trên khắp thế giới.

Nhưng phải đến khi bộ phim tài liệu "The Cove" đạt giải Oscar năm 2009 trở nên đình đám, cuộc săn lùng cá heo ở Taiji mới trở nên nổi tiếng và thành chủ đề thu hút trên toàn cầu.

Sau khi bị bắt giết, thịt của chúng được bày bán ở siêu thị, nhưng sự phổ biến của loài thịt này giảm dần. Giống như các sinh vật biển lớn và sống lâu năm, thịt cá heo có hàm lượng thủy ngân cao, có thể gây nguy hiểm khi ăn.

Đàn cá heo bị thảm sát, máu nhuộm đỏ nước biển gây tranh cãi kịch liệt - 2
Đàn cá heo bị thuyền ngư dân quây xung quanh và lùa vào vịnh (Ảnh: AFP).

Còn cá heo cỡ nhỏ, có vẻ ngoài dễ thương được giữ lại, bán cho các công viên thủy sinh và chấp nhận cuộc sống cầm tù vĩnh viễn. Sau khi được huấn luyện, chúng có thể được bán với giá hàng nghìn USD.

Nhiều người không biết, sự thật đằng sau những con cá heo thông minh, biểu diễn trong các thủy cung, làm trò "mua vui" cho du khách đều phải cật lực làm việc mỗi ngày, bị giam hãm trong không gian sống chật hẹp. Phần lớn trong số đó không thể sống lâu ở môi trường bị nuôi nhốt. Trong khi đó, nếu sống trong tự nhiên ngoài đại dương, chúng sẽ tự do di chuyển trung bình 80km mỗi ngày.

Việc săn bắt cá heo vì mục đích thương mại bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960 ở Nhật Bản. Theo kết quả nghiên cứu của Dolphin Project, trong mùa săn vào năm 2021 - 2022, ít nhất 563 con cá heo bị bắt ở Taiji, trong đó, 498 con bị giết lấy thịt, 65 con bị bán cho các thủy cung.