Bộ ảnh cưới của "cô dâu, chú rể U70" và chuyện tình trong mơ đáng ngưỡng mộ

(Dân trí) - Những ngày vừa qua, cư dân mạng đã “dậy sóng” bởi bức ảnh chụp một cặp vợ chồng già trong trang phục áo cưới. Giữa phố đông, hai ông bà không ngần ngại mà trao nhau nụ hôn dịu ngọt, những ánh mắt đong đầy cảm xúc và nụ cười của niềm hạnh phúc trào dâng.

Qua tìm hiểu, được biết nhân vật chính trong bức ảnh trên là ông Vũ Mạnh Hoan (sinh năm 1941) và bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (sinh năm 1943). Mặc dù thời điểm chụp ảnh là buổi sáng sớm nhưng đã có rất nhiều người để ý, nhanh tay ghi lại những khoảnh khắc đẹp và đăng tải trên mạng xã hội kèm theo lời bình luận đầy ngưỡng mộ.

Bộ ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông Hoan – bà Hồng.
Bộ ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông Hoan – bà Hồng.
Cái hôn, nụ cười và niềm hạnh phúc tuổi già.
Cái hôn, nụ cười và niềm hạnh phúc tuổi già.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Phương Linh, cháu gái của ông Hoan – bà Hồng cho biết, bộ ảnh được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà. “Ý tưởng chụp bộ ảnh cưới là của ông. Từ mấy tháng trước, ông đã yêu cầu mọi người đưa bà đi may váy và thuê thợ chụp ảnh. Ông còn mua 1 cặp nhẫn để trao cho bà vào buổi lễ kỷ niệm, dự kiến sẽ được tổ chức đúng vào dịp Tết”.

“Ban đầu, khi nghe ý tưởng của ông thì bà ngại nên vội vàng từ chối. Nhưng đến khi thấy con cháu rục rịch chuẩn bị mọi thứ thì bà cũng vui và háo hức không kém. Ngày xưa, đám cưới thời bao cấp không có điều kiện chụp ảnh, nên bộ ảnh này có ý nghĩa rất lớn đối với ông bà và cả gia đình tôi”, chị Linh tâm sự.

Rất nhiều người ngưỡng mộ vì tình cảm ông bà dành cho nhau.
Rất nhiều người ngưỡng mộ vì tình cảm ông bà dành cho nhau.

Vì ông không được khỏe nên buổi chụp ảnh chỉ diễn ra trong khoảng 3 tiếng trên vài tuyến phố Hà Nội. Cũng theo lời kể của chị Linh, tuy ở chốn đông người nhưng ông vẫn thể hiện tình cảm với bà một cách rất tự nhiên. Bà thì hay ngại, nên khi ông thơm vào má cũng chỉ mắng yêu vài câu.

Mọi thành viên trong gia đình tham gia buổi chụp ảnh đều mặc quần áo màu hồng – giống tên bà.
Mọi thành viên trong gia đình tham gia buổi chụp ảnh đều mặc quần áo màu hồng – giống tên bà.

Trước đây, bà Hồng thuộc diện học sinh miền Nam được tập kết ra Hà Nội để tránh chiến tranh. Hai ông bà gặp nhau ở trường Đại học Bách Khoa và đem lòng cảm mến nhau từ đó. Về sau, mặc cho bố mẹ phản đối vì sợ đất nước chưa thống nhất, bà Hồng vẫn nhất quyết nghe theo tiếng gọi của trái tim và một mực muốn kết duyên cùng ông.

“Bà tôi vẫn hay kể, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, bà đã ngưỡng mộ vì ông học rất giỏi. Còn ông, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là ông lại nhắc cho con cháu nghe về những kỷ niệm từ thuở còn yêu nhau”, chị Linh tự hào nói.

Thỉnh thoảng, ông bà vẫn kể cho con cháu nghe về những kỷ niệm từ thuở còn yêu nhau.
Thỉnh thoảng, ông bà vẫn kể cho con cháu nghe về những kỷ niệm từ thuở còn yêu nhau.

Quãng thời gian ông Hoan đi thực tập, làm việc ở Hải Phòng, ngày cuối tuần nào bà Hồng cũng lặn lội đạp xe 4 tiếng đồng hồ đi thăm người yêu. Hôm đó, khi đang ngồi tâm sự thì nghe có tiếng kẻng báo máy bay địch ném bom. Ông bà vội chạy ra hầm trú ẩn thì thấy có bóng bom ở ngay trên đầu. Trong giây phút kề cận với cái chết, bà Hồng nhanh chóng nằm đè lên người ông, vội lấy thân mình che chắn.

Tuy cảm động, nhưng ông Hoan vẫn buông lời trêu đùa: “Thế này có khi không chết vì bom đạn mà chết vì ngạt thở. Bom mà trên đầu mình thì khi rơi xuống, nó phải ở cách đây cả cây số cơ em ạ”. Nhưng cũng từ giây phút đó, ông Hoan tự nhủ với lòng mình, nhất định phải lấy bằng được bà làm vợ.

Ông vẫn hay khiến bà vui bằng những câu chuyện hóm hỉnh.
Ông vẫn hay khiến bà vui bằng những câu chuyện hóm hỉnh.

Chị Linh nhớ lại: “Mỗi khi ông kể chuyện này, bà lại nói ông “chém gió” rồi nở nụ cười hạnh phúc. Bình thường, ông toàn gọi bà là “em yêu” trước mặt con cháu. Ông từng bị tai biến 2 lần nên bà rất khắt khe trong chuyện ăn uống, thậm chí la mắng khi thấy ông ăn quá đà. Nhiều khi cáu gắt, ông cũng nói nặng lời nhưng rồi lại nhanh chóng xin lỗi và xuống nước làm lành”.

Ông Hoan – bà Hồng có với nhau 3 người con gái. Ông Hoan là trưởng họ, lại còn là lãnh đạo cấp cao nên không tránh khỏi có nhiều người trêu đùa, thậm chí mỉa mai khi thấy ông không có con trai. Bỏ ngoài tai mọi lời nói ác ý, ông vẫn một mực yêu thương, bảo vệ vợ, chưa một lần trách móc hay muốn bà đẻ thêm người con nữa.

Ba người con gái của ông Hoan – bà Hồng.
Ba người con gái của ông Hoan – bà Hồng.

Chị Linh cũng tâm sự, ông ngoại mình là một trong những chuyên gia về khám nghiệm hiện trường đầu tiên của Việt Nam. Suốt thời trai trẻ, ông Hoan chỉ chuyên tâm nghiên cứu mà phó mặc mọi chuyện con cái, công việc nhà cửa cho bà Hồng một tay lo liệu. Đến khi về già, ông tự nhận mình đã xao lãng cuộc sống gia đình nên muốn chăm sóc và chiều theo mọi điều bà thích. Ông thấy biết ơn vì bà đã hy sinh quá nhiều.

Bộ ảnh cưới của "cô dâu, chú rể U70" và chuyện tình trong mơ đáng ngưỡng mộ - 8

“Ông bà tôi hay xem phim Hàn Quốc, nhưng chỉ có ông là hay học những câu nói trong phim và thể hiện tình cảm một cách rất “sến”. Câu nói ông thường xuyên nói với bà nhất, đó là: Cho dù có kiếp sau hay sau nữa, em hóa thành gì thì anh vẫn nhận ra và tìm được em. Những lúc đó, bà thường chỉ lườm và thẹn thùng mà mắng yêu rằng: Đồ bốc phét”.

“Từng lời yêu thương, từng câu cảm ơn, từng cử chỉ trân trọng của ông cho bà, mọi người trong gia đình biết, chúng đều xuất phát từ trái tim”, chị Linh nói.

Hoàng Ngọc

Ảnh: NVCC