Bạn có đang tạo quá nhiều áp lực cho con mình?

(Dân trí) - Đã là bậc làm cha làm mẹ, thì ai cũng muốn cho con cái mình thật tài giỏi. Nhưng cũng chính vì mong muốn đó mà đôi khi trẻ phải chịu quá nhiều áp lực để đạt được như kỳ vọng của bố mẹ.

Động viên, thúc đẩy con học tập, rèn luyện là một điều tốt, Tuy nhiên, nhiều lúc các bậc làm cha mẹ lại không biết thế nào là vừa đủ với khả năng thực sự của con cái mình để có thể điều chỉnh sao cho hợp lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn những dấu hiệu cho thấy khi nào trẻ đang phải chịu quá nhiều áp lực từ bố mẹ.

1. Trẻ tỏ ra chán nản khi phải đến các lớp học

Bạn muốn con mình phát triển toàn diện các kỹ năng, nên ngoài những lớp học chính khóa và học thêm đã gần như ngốn hết khoảng thời gian vui chơi của trẻ, bạn còn đăng ký cho trẻ hàng loạt các lớp học năng khiếu khác như đánh đàn, bơi lội, bóng đá. Và khi nhận ra rằng trẻ dường như không hề hứng thú hay thậm chí tỏ ra ghét các lớp học này thì chính là lúc sức chịu đựng của con bạn đã vượt quá giới hạn.

Bạn có đang tạo quá nhiều áp lực cho con mình? - 1

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Đây là lứa tuổi trẻ cần phải có khoảng thời gian vui chơi cùng gia đình và bạn bè, Đây là một yếu tố quan trọng để phát triển tính cách và tâm hồn của trẻ. Vì vậy bố mẹ cần phải cân bằng được giữa thời gian học và chơi của con cái mình để trẻ có thể phát triển được tốt nhất.

2. Điểm số của con bạn bị tụt dốc liên tục

Bạn có đang tạo quá nhiều áp lực cho con mình? - 2

Nhiều bậc bố mẹ vì muốn con mình có điều kiện học tập tốt nhất mà cố tìm đủ mọi cách để cho con vào được các trường chuyên, lớp chọn mặc dù, đôi khi thực lực của con không đủ để theo học các lớp này. Việc cho trẻ học ở một mức độ cao hơn khả năng thực sẽ là một con dao hai lưỡi. Bởi vì nếu trẻ không thể theo kịp với chương trình học và các bạn trong lớp, thì trẻ sẽ bị tụt lại phía sau và dần sinh ra chán nản dẫn đến điều tất yếu là điểm số của trẻ sẽ giảm sút rất nhiều. Vì vậy, việc nhận ra trình độ thực sự của con mình để cho trẻ theo học ở những lớp, những trường phù hợp hơn sẽ giúp con bạn dễ dàng tiếp thu kiến thức và phát triển.

3. Khi con bạn thường xuyên bị ốm bất thường

Bạn có đang tạo quá nhiều áp lực cho con mình? - 3

Nếu nhận thấy con mình thường xuyên đau đầu hay bị ốm thì cũng có thể trẻ đang bị stress nặng khi luôn phải hoàn thành những mục tiêu mà bố mẹ đề ra. Nếu để tình trạng này kéo dài trẻ rất dễ sinh ra các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và thậm chí có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

4. Trẻ không có nhiều thời gian bên gia đình

Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá việc con bạn bị quá tải chính là sự rút ngắn thời gian ở bên gia đình của trẻ. "Nếu thời gian biểu không cho phép cả gia đình có một bữa cơm cùng nhau thì đó chính là dấu hiệu con bạn đang phải tham gia quá nhiều hoạt động.

5. Trẻ trở thành mọt sách và thiếu hụt kiến thức xã hội

Đôi khi vì những quan điểm về địa vị xã hội mà bạn ép con mình phải học thật nhiều. Chính áp lực về điểm số từ bố mẹ đã khiến trẻ không có thời gian dành cho việc khác ngoài việc học và dẫn trở thành một con mọt sách.

Bạn có đang tạo quá nhiều áp lực cho con mình? - 4

Thời gian rảnh rỗi rất quan trọng đối với con bạn, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Trẻ em cần những khoảng thời gian vui chơi để bồi đắp trí tưởng tượng, óc sáng tạo cũng như khả năng tự điều chỉnh. Đồng thời việc giao tiếp với bạn bè sẽ giúp trẻ tăng thêm kỹ năng giao tiếp xã hội và xử lý tình huống, vốn rất cần thiết cho trẻ sau này.

Minh Nhật

Theo popsugar