Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, định hướng phát triển bền vững kết hợp với hạ tầng ngày càng đồng bộ tạo cơ hội cho Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong tương lai.

Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu - 1
Công nhân Khu công nghiệp Mỹ Xuân (Ảnh: T.C).

Thu hút đầu tư các dự án FDI chất lượng cao

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra nhiệm vụ cho Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Với định hướng này, Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án FDI chất lượng cao. 

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã thu hút 20 dự án FDI cấp mới trong năm 2023, tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 503 triệu USD.

Tính đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng cộng 457 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,4 triệu USD. Trong đó có sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu thế giới như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Vard (Na Uy).

Một số dự án thượng nguồn, quy mô lớn với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD được đổ vào Bà Rịa - Vũng Tàu như tổ hợp hóa dầu Long Sơn (trên 5 tỷ USD), nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng sức chứa 240.000 tấn (LPG) của Tập đoàn Hyosung (trên 1,3 tỷ USD). 

Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu - 2

Vận tải hàng hóa phát triển tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: T.C).

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp FDI đang hoạt động đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải, nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.

Hiện toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 8.429ha. Các khu công nghiệp này đều được định hướng phát triển công nghệ cao, bảo vệ môi trường, sản xuất sạch.

Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch trên 16.000ha, hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Theo quy hoạch đã được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 2/11, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ.

Tăng cường kết nối để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp

Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn lựa chọn tỉnh làm điểm đến đầu tư, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và với các tỉnh/thành phố lân cận để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. 

Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối vào khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải như xây dựng đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải dài 17,3 km, chạy dọc theo hệ thống cảng và các khu công nghiệp của tỉnh để chờ nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành qua cầu Phước An, 4,5km đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B nối quốc lộ 51 với hạ lưu cảng Cái Mép, đường Long Sơn - Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải…

Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng gia nhập mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu - 3

Dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân (Ảnh: T.C).

Các tuyến giao thông này sẽ giúp kết nối và hình thành tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, khu logistics Phú Mỹ số 1, 2, trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn cùng một số trung tâm logistics quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.

Ngoài ra còn tuyến giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, tuyến đường Vành đai 4, nâng cấp các tuyến quốc lộ 55, 56 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa…

Để những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được phát huy tối đa khi đồng bộ với hệ thống cảng biển, sân bay, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá lại định hướng, kế hoạch đầu tư phát triển và thống nhất điều chuyển, tập trung vốn trung hạn cho các dự án giao thông có tính kết nối vùng.

Với việc phát triển giao thông hạ tầng đồng bộ, chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, chủ động trong công tác điều hành và tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.