Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa niềm tự hào kinh tế xứ Thanh

Để có những thành quả phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay, 20 năm qua bằng những nổ lực phi thường, Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, đột phá sáng tạo, đoàn kết gắn bó; tự lực tự cường vươn lên trở thành một doanh nghiệp có quy mô lớn tầm cỡ xứ Thanh góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế chung trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đất Nước.

Ngày đầu mới thành lập, với số vốn ban đầu 550 triệu đồng, số lao động chỉ có 10 người hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ như: mua xi măng thu vét, sắt thép phế liệu, nhựa phế thải và sản xuất ghạch blốc tiêu thụ trên địa bàn TX Bỉm Sơn. Ngày ấy, doanh thu công ty chỉ đạt 70 triệu đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 1,5 triệu đồng/năm. Từ năm 1997 đến năm

1999, Công ty đã mở rộng quy mô kinh doanh ra các địa bàn các huyện thị trong tỉnh và một số tỉnh phía Bắc. Năm 2000, khi nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động, Công ty tiếp tục đầu tư mua xe ô tô vận tải và bằng uy tín của mình Công ty đã thiết lập được mối quan hệ tốt với đối tác Nhật Bản và một số nhà máy xi măng khác nên đã ký được hợp đồng vận tải cho nhà máy xi măng Nghi Sơn.

Do kết quả tốt đạt được trong các hoạt động sản xuất kinh doanh đến năm 2000, số lao động tăng lên 5,5 lần, doanh thu tăng 140 lần, nộp ngân sách nhà nước tăng 18,6 lần. Theo đó vốn điều lệ cũng tăng hơn 10 lần so với ngày đầu thành lập.

Từ những thành tựu ấy, bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, Công ty đầu tư mua thêm xe ô tô vận tải nâng sản lượng vận tải xi măng cho các nhà máy lên gấp đôi, đạt hơn 1 triệu tấn/năm và ký hợp đồng vận chuyển mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trong tỉnh. Chưa dừng lại công ty còn mở xưởng xén kẻ giấy, đóng sách vở học sinh tại thị xã Bỉm Sơn nhờ đó đã tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động là con em đồng đội, cựu chiến binh.

Từ năm 2002, giám đốc công ty được nhiều lần cùng các doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đi tham quan, khảo sát thị trường xúc tiến thương mại tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương, từ đó Công ty đã tìm thấy tiềm năng sản xuất hàng hóa xuất khẩu để thu ngoại tệ cho Đất Nước và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Công ty ký hợp đồng hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với Công ty LP Design Australia và đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất tại TX Bỉm Sơn với trị giá là 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1 triệu USD/năm. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến 30 quốc gia thuộc các khu vực Bắc Mỹ, EU, Châu Đại Dương… Uy tín, thương hiệu Tiên Sơn Thanh Hóa đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là sản phẩm gỗ mỹ nghệ được thị trường quốc tế đánh giá cao và đã 2 lần đạt giải thưởng “Sao vàng Đất Việt” 2004 – 2006, được các Bộ, ban nghành trung ương, Tỉnh ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý. Với kết quả ấy, chỉ sau 5 năm ( từ năm 2000 đến 2005 ), các chỉ tiêu chính về sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng vượt bậc: Vốn điều lệ 20,8 tỷ đồng ( tăng hơn 3 lần); lao động 500 người ( tăng hơn 9 lần); doanh thu đạt 18, 7 tỷ đồng ( tăng gần 2 lần ); nộp ngân sách nhà nước 108 triệu đồng ( tăng gần 4 lần).

Bước ngoặt lớn nhất của Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa là năm 2006, xác định nghành may công nghiệp xuất khẩu là nghành nghề thu hút được nhiều lao động và phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông tại các địa bàn nông thôn tỉnh nhà, từ những yếu tố trên Tổng công ty Tiên sơn Thanh Hóa đã quyết định đầu tư và định hướng phát triển nghành may công nghiệp xuất khẩu là mũi nhọn của công ty. Và đây chính là dấu mốc quan trọng quyết định cho sự lớn mạnh của Tổng công ty như ngày hôm nay. Đó là vào năm 2006, Công ty mua lại nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà tại thị xã Bỉm Sơn của Tổng công ty Cổ phần May 40 Hà Nội với 210 Lao động đang học nghề.

Sau khi ổn định sản xuất, Công ty đã tuyển dụng thêm ần 300 lao động và nâng tổng số lao động lên 500 ngàn người. Thành công bước đầu từ nhà máy may Sơn Hà đã khẳng định hướng phát triển nghành may của Tổng công ty là đúng và phù hợp. Do vậy bước vào năm 2007, Công ty đầu tư xây dựng xí nghiệp may Xuất khẩu Kim Tân – Thạch Thành, tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, đủ chỗ làm việc cho 300 lao động. Năm 2008, Công ty xây dựng tiếp nhà xưởng số 2 may xuất khẩu Sơn Hà Thị xã Bỉm Sơn, tổng vốn đầu tư 50,2 tỷ đồng, đủ chỗ làm việc cho 1000 lao động. Năm 2009, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu Nga Sơn, diện tích 3,5 ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, đủ chỗ làm việc cho 3000 lao động.

Năm 2010 công ty tham gia mua cổ phần của công ty liên doanh may Xuất khẩu Việt Thanh, nay là Công ty CPSX - TM và ĐT Việt Thanh tại TP. Thanh Hóa với hai nhà máy đủ chỗ làm việc cho 1.200 lao động. Vẫn theo hướng đó, Năm 2011, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy may Xuất khẩu Yên Định, diện tích 3,1 ha, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, đủ chỗ làm việc cho 3000 lao động. Từ thực tiễn hoạt động trên thương trường trong và ngoài nước năm 2014, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu Thọ Xuân với diện tích gần 4ha, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, đủ chỗ làm việc cho 3000 lao động. Đến cuối tháng 12/2015, sau 14 tháng thi công Nhà máy đã hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch 4 tháng.

Như vậy là chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ những định hướng đúng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư đúng chỗ và sử dụng đồng vốn hiệu quả, Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa đã có những bước tiến nhảy vọt. Chỉ sau 9 năm tập trung phát triển nghành may xuất khẩu, đến nay trong hệ thống quản lý của Tổng công ty đã có 7 nhà máy may xuất khẩu, với tổng số vốn đầu tư hơn 1,200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 8,500 lao động trong đó có 2/3 lao động là con cháu của Cựu chiến binh và các gia đình chính sách. Theo kế hoạch đến cuối năm 2015 sau khi dự án nhà máy may Xuất khẩu Thọ Xuân hoàn thành, Tổng công ty sẽ tuyển thêm 3.000 Lao động cho dự án, nâng tổng số lao động của Tổng công ty lên 11.000 người.

Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa niềm tự hào kinh tế xứ Thanh - 1

Các đại biểu và cán bộ Tổng công ty Tiên Sơn cắt băng khánh thành nhà máy may xuất khẩu Thọ Xuân

Điều đáng nói là để đáp ứng quy mô phát triển và phù hợp với xu thế hiện nay, tháng 3/2014 Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH thành Công ty cổ phần. Tổng công ty đã được Uỷ ban chứng khoán Nhà Nước có công văn số 5947/UBCK-QLPH về việc đưa Công ty trở thành công ty đại chúng, và hiện tại Tổng công ty đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để cổ phiếu của Tổng công ty Tiên Sơn với mã cổ phiếu TSH sẽ được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đây sẽ là bước quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Tổng công ty.

Đón trước sự kiện Việt Nam trở thành thành viên TPP, Tổng công ty Tiên Sơn đã định hướng phát triển nghành may công nghiệp xuất khẩu là nghành mũi nhọn của Tổng công ty và là doanh nghiệp tiên phong của tỉnh trong việc đầu tư mở rộng sản xuất đặc biệt là đầu tư về các vùng nông thôn, thu hút đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông, lao động nông thôn, góp phần cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chính sách của Đảng và Nhà Nước.

Cùng với công tác đầu tư xây dựng phát triển sản xuất, thu hút và tạo việc làm cho người lao động, Tổng công ty Tiên Sơn luôn đảm bảo đầy đủ các chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định của Nhà Nước như: BHXH; BHYT; BHTN; chế độ tiền lương; tiền thưởng; quyền lợi các ngày nghỉ lễ, tết, phép năm, quan tâm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và thường xuyên quan tâm tới công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo như xây dựng được tổng số 22 ngôi nhà tình nghĩa ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho người nghèo, gia đình chính sách, tặng hàng nghìn xuất quà cho các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên Đán hàng năm; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ khuyến học, nâng cánh ước mơ, học bỗng cho sinh viên nghèo học giỏi, giải thưởng cho học sinh đoạt huy chương trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế; tài trợ khám và cấp thuốc chữa bệnh cho người nghèo; ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai, bão lụt…

Được biết tổng số tiền Tổng công ty đã đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện nhân đạo khi thành lập đến nay là hơn 10 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, Tổng công ty đã đóng góp và tài trợ là 2,1 tỷ đồng, trong đó tài trợ quỹ khuyến học “ Trịnh Lâm” cho xã Hà Vinh huyeenh Hà Trung là 1 tỷ đồng và xây dựng nhà ăn cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa là 330 triệu đồng.

Với kết quả đạt được, Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Tiên Sơn, cá nhân đồng chí Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Lâm đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức quốc tế ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý… Đặc biệt trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ( 1995 – 2015 ), Tổng Công ty Tiên Sơn, cá nhân ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì. Kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Tổng công ty sẽ xây dựng được 10 nhà máy và tạo việc làm cho 20.000 lao động. Tiếp tục mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết với các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; đồng thời, mở chi nhánh của Tổng công ty tại các nước như: Mỹ, EU, Đông Bắc Á.

PV