Phát triển nguồn nhân lực - Mục tiêu thử thách

Nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực để đến năm 2020, 70% nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ qua đào tạo chất lượng cao.

Mục tiêu còn nhiều thử thách

Trong điều kiện hội nhập sâu nền kinh tế thế giới, phát triển nhân lực được xem là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đó cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng, trước hết phải xác định tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể để đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế… và từ đó đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước cũng như quốc tế.

Làm được điều này, cần có sự chung tay nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức ban ngành xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để mang đến nhiều dự án, chương trình thiết thực tạo điều kiện phát huy, khai thác lợi thế nguồn nhân lực. Đặc biệt, phải chú trọng đến nhu cầu cần nguồn nhân lực lãnh đạo và sự cấp thiết của những chương trình nâng cao năng lực tài năng trẻ với trí tuệ và chất xám được xem là mấu chốt, quyết định tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tín hiệu vui từ sự chung tay của xã hội

Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao và Coca-Cola Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tổ chức các khóa/lớp bồi dưỡng lãnh đạo, cán bộ đối ngoại
Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao và Coca-Cola Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tổ chức các khóa/lớp bồi dưỡng lãnh đạo, cán bộ đối ngoại

Đồng hành cùng mục tiêu chung của đất nước, Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao và Coca-Cola Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tổ chức các khóa/lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý, đồng thời cập nhật kiến thức đối ngoại, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác đối ngoại của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Chương trình dự kiến kéo dài trong 03 năm, được tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả 03 miền Bắc, Trung, Nam do các chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng các đối tác khác tại Việt Nam trực tiếp giảng dạy.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Sanket Ray – Giám đốc Điều hành Coca-Cola Việt Nam, cho biết: “Doanh nghiệp thật sự tự hào khi có cơ hội đồng hành cùng Cục Ngoại Giao - Bộ Ngoại Giao trong việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại. Với định hướng thúc đẩy sứ mệnh trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các chương trình ý nghĩa, chúng tôi bày tỏ sự vui mừng khi kế hoạch lần này sẽ chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ, lãnh đạo nữ. Coca-Cola mong rằng nỗ lực của doanh nghiệp cùng với các đối tác trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo sẽ mang đến những hiệu quả tích cực theo định hướng phát triển đã đề ra của Việt Nam trong hiện tại và tương lai”.

Cũng theo ông Sanket Ray, phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu hướng đến hàng đầu trong quá trình hoạt động của Coca-Cola. Trong suốt 24 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực nội tại, Coca-Cola cũng xây dựng những chương trình khơi mở tiềm năng thực sự cho tài năng lãnh đạo trẻ, trao quyền và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ địa phương thông qua chuỗi chương trình tập huấn khởi nghiệp E-learning được triển khai tại các trung tâm EKOCENTER, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ SME.

Toàn cảnh hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ với Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung năm 2018”
Toàn cảnh hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ với Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung năm 2018”

Buổi ký kết diễn ra vào ngày 05/03 vừa qua tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ với Vùng Kinh tế Trọng điểm miền Trung năm 2018” được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các địa phương của Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ và định hướng tăng cường liên kết vùng.