Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý

Năm 1987 ông bắt đầu bước vào con đường kinh doanh đá quý. Một lĩnh vực vẫn còn xa vời đối với người dân Việt Nam, bởi thời kỳ này đất nước vẫn còn chưa thoát khỏi cái nghèo. Thế nhưng ông vẫn kiên trì vì niềm đam mê và hấp dẫn của nó.

Mỗi tác phẩm của tôi làm ra không chỉ là sự chắt chiu, chứa đựng của một cuộc hành trình thỏa mãn niềm đam mê khám phá cái đẹp của ngọc và đá mà nó còn chứa đựng cả khổ đau, hạnh phúc của một cuộc đời.Tranh của tôi có một lối đi riêng bởi nó được làm ra từ thăng hoa cảm xúc của con người và bằng tinh hoa đích thực của thiên nhiên”. Đó là sự chia sẻ mộc mạc nhưng lại không kém phần từng trải và nghiêm túc của nghệ nhân Đào Trọng Cường chứ không phải ông Đào Trọng Cường – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc công ty đá quý nữ trang Thần Châu Ngọc Việt.
 
Long đong bởi chữ “duyên trời”
 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi và là một nhạc sỹ cách mạng. Thừa hưởng các tố chất của con nhà nòi nên Đào Trọng Cường sớm nổi tiếng là một tay trống, tay ghi ta có hạng cũng như khả năng sáng tác thơ ca. Gánh nặng mưu sinh đã bắt buộc Đào Trọng Cường ngậm ngùi chia tay với những bản nhạc,điệu trống của người nghệ sỹ để trở về đối mặt với thực trạng cơm áo,gạo tiền. Đã từng trải qua các nghề: Nghề sửa chữa đồ điện tử như: ti vi, tủ lạnh, rồi làm anh thợ sửa nồi hơi trong nhà máy cơ khí, rồi làm nghề ép lốp xe đạp, công nhân nấu xà phòng…Bôn ba với rất nhiều thứ nghề, nhưng cũng chỉ đủ ăn hoặc thất bại. Giấc mộng làm giàu luôn nung nấu trong lòng Đào Trọng Cường bởi ông luôn suy nghĩ chỉ có làm giàu mới có thể khẳng định được mình cũng như giúp được những người mình yêu quý. Ông quyết định lên rừng để “tìm vàng”. Đầu tiên ông cùng một nhóm người cơm nắm, muối vừng, vác theo cưa, xẻng, xà beng lang thang xuyên qua hàng chục cánh rừng để tìm gỗ hoàng đàn, bán cho những người tạc tượng. Gỗ hoàng đàn cạn kiệt thì đi theo bạn bè khai thác vàng thổ phỉ. Không ít lần ông suýt bỏ mạng vì những cơn đói, rét của những ngày mưa rầm, thác lũ hay sự giành giật đất sống của những kẻ khát bạc,đói thuốc…Đã nhiều lần bị cướp dí súng vào gáy, kề dao vào cổ, thậm chí bị đánh gãy cả chân nhưng sự “ số trời” không chỉ giúp ông giữ được mạng sống mà còn cho ông được “ Hội duyên “ với nghề đá quý. Màu sắc lung linh kỳ ảo của những viên đá quý trong các mỏ đá ở Yên Bái đã đánh thức chất nghệ sỹ trong ông để ông thấy mình cần thổi hồn vào cho nó để nó xứng tâm là một kiết tác của đất trời ban tặng cho con người ,để rồi từ đó trong làng đá quý Việt Nam xuất hiện cái tên Đào Trọng Cường - một nghệ nhân nắm giữ hồn đá, mang tình hoa của đá phục vụ hữu ích cho con người.
 
Góp nhặt đá quý thêu dệt cuộc đời
 
Năm 1987 ông bắt đầu bước vào con đường kinh doanh đá quý. Một lĩnh vực vẫn còn xa vời đối với người dân Việt Nam, bởi thời kỳ này đất nước vẫn còn chưa thoát khỏi cái nghèo. Thế nhưng ông vẫn kiên trì vì niềm đam mê và hấp dẫn của nó. Trước tiên ông dành số vốn ít ỏi của mình sang Thái Lan để tìm câu trả lời mà trong những ngày làm thợ đá ông đã quan sát thấy và luôn trăn trở đó là: Người Thái thu mua hàng trăm tấn đá mà theo đánh giá của giới khai thác là chẳng có giá trị gì để làm gì? Ông đã có được câu trả lời khi đặt chân đến đất Thái.. Hóa ra, người Thái mua số đá giá trị thấp ấy để làm tranh đá quý, mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn lao động. Thế rồi, hễ tích được đồng nào, ông lại sang Thái Lan, đến các làng nghề chế tác tranh đá quý, gặp các nghệ nhân để học nghề. Tuy nhiên, các nghệ nhân Thái Lan đều từ chối truyền nghề. Thậm chí, biết ý định học lỏm nghề tranh đá quý, họ không cho ông vào thăm xưởng chế tác. Không học được nghề, ông mua hàng loạt tranh đá quý về ngắm nghía, tìm hiểu. Ông đục những bức tranh này ra để xem người Thái dùng chất keo gì mà gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti, mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá. Sau đúng 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng.

Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý  - 1

Nhưng để làm được tranh đâu phải là chuyện đơn giản. Xưa nay, ông chỉ giỏi sửa chữa tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy, ôtô, rồi đào vàng, đãi đá, chứ đâu có biết vẽ tranh, nạm đá? Thế là lại bắt đầu công cuộc trang bị kiến thức hội họa. Ngoài việc tìm kiếm các tư liệu qua sách vở ông tìm đến với các nghệ nhân ở các làng nghề, các họa sỹ thành danh, tìm mua các loại tranh để nghiên cứu, phân tích để tìm “ Lối đi riêng cho mình”. Năm 2002,sau 6 năm dồn hết trí lực buổi triển lãm hoành tráng ở khách sạn Melia ở Hà Nội đã tạo được dấu ấn của nghệ nhân Đào Trọng Cường trong lòng những người biết và yêu dòng tranh đá quý. “Lối đi riêng của ông” càng được khẳng định hơn khi ông đã sáng tạo ra những tác phẩm để đời như: “cổng làng hoang phế”, “bình minh”, chân dung Hồ Chí Minh, chân dung 19 vị lãnh đạo APEC…..bằng cảm hứng của người nghệ sỹ chân chính.
 
Không được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực hội họa, nhưng tác phẩm cuả ông lại tạo được sức hút bởi cái thần sắc, phong thái “sống” của đời sống bởi âm nhạc và thơ ca cũng như tính nhân văn sâu sắc trong con người ông đã giúp ông thăng hoa trong khi sáng tạo.Cái tài tình trong những bức chân dung ông làm là ở chỗ đều làm nổi bật cái “chất”,tính cách, phong cách của từng người một cách sống động nhất. Ông đã từng vẽ tranh bằng các chân dung các vị lãnh đạo của APEC bằng các loại đá quý ở Việt Nam nhân dịp APEC lần thứ 14. Để họa cái thần thái chân dung bằng bút và mầu mực đã là khó rồi, họa được ở bức tranh bằng đá quý là cả một nghệ thuật không hề đơn giản. Để làm được điều đó, tâm huyết với nghề thôi chưa đủ, người nghệ nhân phải là một kho tàng sống về các loại đá quý. Hiểu được quy luật về độ sáng, màu sắc của từng loại để làm sao khi đã gắn kết lại nó kết hợp với nhau sẽ tạo được hiệu ứng cao nhất. Nghệ thuật ghép tranh đá đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn, kiên trì và hết sức khéo léo trong từng động tác. Tạc được chân dung các vị lãnh đạo APEC ông Cường đã phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn không ít công sức. Bởi lẽ, họ là các lãnh đạo lớn, người của công chúng, họ xuất hiện với nhiều tư thế, hành động khác nhau, họ là những người có tầm ảnh hưởng rộng lớn không chỉ ở nước họ mà cả với thế giới. Chính vì điều đó mà càng làm ông trăn trở hơn. Vẽ chân dung lãnh đạo không chỉ toát lên phong cách của họ mà thông qua đó còn nói lên tính cách của cả dân tộc họ. Chỉ bằng những hàng ngàn viên đá quý được chọn lựa cẩn thận, ông Đào Trọng Cường đã làm được điều kỳ diệu đó. Không những vẽ chân dung các vị lãnh đạo đó, ông còn vẽ thành công vẻ ung dung tự tại, sự thuần khiết của tâm hồn chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua chân dung người.
 
Bằng việc vẽ 19 chân dung các vị lãnh đạo APEC ông chủ họ Đào đã được thế giới biết đến và khâm phục tài năng của ông cũng như nghề vẽ tranh đá quý ở Việt Nam. Ông được chính phủ phong tăng danh hiệu “nghệ nhân bàn tay vàng” năm 2003. Một con người tài hoa và thành công trong lĩnh vực kinh doanh như thế nhưng lại hết sức khiêm tốn dung dị.Ông yêu nghề bằng cả trái tim và nhiệt huyết của mình nên việc đưa nghề, quảng bá nghề để cạnh tranh với thế giới luôn là sự trăn trở của ông. Ông luôn nhạy bén tận dụng từng cơ hội để có thể cho thế giới biết đến nghề độc đáo và sự khéo léo cần cù của con người Việt Nam thông qua tác phẩm của mình làm ra. Những tác phẩm không ngừng sáng tạo, ông luôn khai thác triệt để vẻ đẹp tự nhiên, nguyên bản của những viên đá quý. Từ đó tạo nên sự bền vững của bức tranh.
 
Giờ đây mọi người đã và đang biết và rất yêu thích dòng tranh đá quý cũng như các trang sức kim hoàn do công ty Thần Châu Ngọc Việt làm ra nhưng ông không lấy đó làm điểm dừng để thỏa mãn, Ông tâm sự: Mọi người đã tin tưởng và yêu quý thương hiệu của mình rồi thì mình càng phải hoàn thiện và làm tốt hơn nữa bởi thương hiệu trong lòng công chúng không chỉ ngày một ngày hai mà có được mà nó là cả một quá trình chịu đựng gian khổ, hy sinh. Nó là tài sản của một con người được cộng lại từ đam mê, tâm huyết, trí lực và bản lĩnh vì thế mình phải trân trọng và giữ gìn. Sự hoàn thiện của Thần Châu Ngọc Việt chính là làm ra những bức tranh đá quý hội tụ đầy đủ các yếu tố về mỹ thuật và hội họa và luôn khẳng định với người yêu tranh:Thần Châu Ngọc Việt làm tranh bằng đá quý thật 100%.
 
20 năm thời gian chưa dài nhưng cũng đã đủ để Đào Trọng Cường khẳng định con đường mình đã lựa chọn là đúng. Cha anh đã thế hiện lòng yêu nước của mình bằng những bài ca, khúc nhạc.Anh đã kế thừa được tinh thần yêu nước ấy bằng việc làm giầu cho chính mình để góp phần làm giầu cho đất nước.
 
20 năm Thần Châu Ngọc Việt luôn giữ được “ Lối đi riêng bằng chữ tín, chữ tâm, bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự chịu đựng,quyết tâm học hỏi và trau rồi tri thức của người chủ thương hiệu- Đào Trọng Cường. Ông và thương hiệu của ông xứng đáng với những danh hiệu đã được trao tặng như: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; Giải Ngôi Sao Việt Nam, Giải Qủa Cầu Vàng; Giải Tinh Hoa Việt Nam; Giải Golden, Giải Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao; Giải Nghệ Nhân Quốc Gia...
 
Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý  - 2
Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý  - 3
Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý  - 4
Người đàn ông mang nặng duyên nghiệp với đá quý  - 5
 
Sự thành công nào cũng bắt nguồn từ gian khổ và ý chí vươn lên. Doanh nhân Đào Trọng Cường cũng vậy, ông đang đi khắp đó đây để gom nhặt từng viên đá nhỏ quý giá, dùng tài năng của mình để thêu dệt nên những bức tranh cuộc sống lung linh, huyền ảo và kỳ bí góp phần làm đẹp cho đời. Những bức tranh đó đẹp như chính tâm hồn ông, bởi chỉ có xuất phát từ một tâm hồn đẹp mới làm nên một bức tranh cuộc sống đẹp
 
                      Hãy sống như đời sông
                      Để biết yêu nguồn cội
                      Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao
                      Hãy sống như biển trào
                      Để thấy bờ bến rộng
                      Hãy sống và ước vọng
                      Để thấy đời đẹp hơn