Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho các nhà máy thủy điện

Chủ trương nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị các nhà máy thủy điện của Nhà nước, đã tạo động lực cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển.

Việc nội địa hóa thành công với tỷ lệ cao như ở công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành cơ khí trong việc thiết kế chế tạo.

 

So với các nguồn điện năng khác (nhiệt điện, điện hạt nhân hay điện chạy bằng tua bin khí và diezel ...), thì thủy điện là nguồn năng lượng có giá thành rẻ nhất (không gây hiệu ứng nhà kính), đồng thời đóng góp tích cực vào việc cung cấp điện năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

 

Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một công trình thủy điện rất tốn kém về thời gian và tiền bạc. Phần lớn các Nhà máy thủy điện của chúng ta khi xây dựng phải mua thiết bị máy móc của nước ngoài còn nhiều, vì thế tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ cho ngành điện.
 
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho các nhà máy thủy điện

 

Trước thực trạng trên, năm 2005, Chính phủ có chủ trương nội địa hoá các thiết bị nhà máy thuỷ điện và quán triệt tới tất cả các Bộ, ngành và các nhà đầu tư. Với tư vấn của các nhà thiết kế, việc nội địa hoá thiết bị cơ khí thuỷ công được đánh giá là khả thi, mặc dù tại thời điểm đó, ta chưa có khả năng thiết kế thiết bị này. Bộ Công Thương đã giao cho một số nhà thiết kế, chế tạo trong nước thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho 8 dự án thuỷ điện.

 

Đến nay, đã thực hiện thành công các dự án do làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo.

 

Với thủy điện Sơn La, điểm đáng mừng là tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị nhà máy thủy điện này đã đạt hơn 30%, trong đó LILAMA 10 chế tạo hơn 4.500 tấn thép ốp xả sâu, thiết bị hạ lưu, các thiết bị đặt sẵn, phụ trợ; Tổng công ty Ðiện lực chế tạo 8.000 tấn ống áp lực; 12.000 tấn thiết bị cửa nhận nước liên danh với các nhà thầu nước ngoài; xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đảm nhận chế tạo một số thiết bị cầu trục...

 

Thủy điện Sơn La là một dự án có quy mô rất lớn với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, và có tới hơn một chục Công ty Việt Nam tham gia xây dựng công trình. Đập chính dài hơn một cây số với chiều cao tối đa 138,1 m. Hồ chứa nước rộng tới hơn 200 km2 nằm trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

 

Ngoài ra, điều đáng tự hào của công trình thủy điện Sơn La không chỉ ở tính hiện đại và quy mô là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 2.400 MW, mà còn là công trình lớn đầu tiên mà tất cả các khâu quan trọng từ chủ trì thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, đến thực hiện xây dựng đập, lắp đặt thiết bị, chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục gian máy đều do những kỹ sư và công nhân Việt Nam thuộc các doanh nghiệp trong nước thực hiện; thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, điều hành, thiết kế, chế tạo và xây lắp, nhất là  đối với các công trình thuỷ điện lớn. Điều này cho thấy khả năng tự tin mạnh mẽ hơn về khả năng nội lực của chúng ta trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Chủ trương của Chính phủ về tăng cường nội địa hóa thiết bị khi xây dựng các công trình thủy điện là hoàn toàn đúng đắn. Những năm trước đây, toàn bộ thiết bị nâng hạ gồm cẩu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu bánh xích, cẩu bánh lốp của nước ta đều phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao và đã tốn một lượng ngoại tệ lớn của đất nước. Trong khi ngành công nghiệp chế tạo máy của chúng ta luôn thiếu việc làm, còn các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo máy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn ở mọi phương diện.

 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây bức tranh về cơ khí Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo các thiết bị nâng hạ đã có những gam màu tươi sáng hơn, mà việc nội địa hóa thành công với tỷ lệ cao như ở công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành cơ khí trong việc thiết kế chế tạo, đã tô thắm thêm cho bức tranh đó. Cơ khí được xem là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương đó của Chính phủ đã đi vào thực tế, phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động trong nước. Đó cũng là sự nỗ lực không ngừng trong lao động và sáng tạo của các công ty, doanh nghiệp cơ khí chế tạo máy của đất nước.
 
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho các nhà máy thủy điện

 

Góp phần vào thành công đó, phải kể đến Xí nghiệp cơ khí Quang Trung – đơn vị đã ghi nhiều dấu ấn của mình trên công trình thủy điện Sơn La. Đó là dấu ấn "để đời" của Cơ khí Quang Trung đã thiết kế - chế tạo - vận chuyển - lắp đặt -  vận hành thành công cầu trục gian máy có sức nâng 1.200 tấn và cầu trục chân què 350 tấn cho Thủy điện Sơn La, góp phần đưa công trình đi vào hoạt động sớm 2 năm, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng do đã rút ngắn tiến độ thi công 2 năm so với mốc thời gian của Quốc Hội giao.

 

Điều đó đã giúp Cơ khí Quang Trung đột phá thành công vào thị trường cung ứng thiết bị nâng hạ cho ngành điện trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều Doanh nghiệp khác như: đóng tàu, dầu khí,… Các Doanh nghiệp đã có hơn 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có khá nhiều sáng kiến cấp Nhà nước đã giúp nâng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo lên mức hơn 90%, giá thành chỉ bằng 50-60% so với sản phẩm của Tây Âu và 80-90% so với sản phẩm của Trung Quốc.

 

Các phụ tùng nhập ngoại chỉ còn biến tần, vòng bi. Phần quan trọng nhất là cơ khí chuyển động, tính toán kết cấu đều do đội ngũ kĩ sư Quang Trung đảm nhiệm, góp phần không nhỏ vào bước đột phá của ngành cơ khí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

 

Những ai đã từng xem tác phẩm truyền hình “Hoa của thép” – Trần Cẩm (Đài THVN), tác phẩm đạt giả A, giải báo chí quốc gia lần thứ nhất năm 2007, kể về câu chuyện cổ tích những người thợ cơ khí Quang Trung, thì đều công nhận đó là điều khẳng định của Đảng và Nhà nước về nghị lực, ý chí vươn lên của những người thợ cơ khí Việt Nam trong xu thế hội nhập.

 

 

Chúng ta cần hiểu rằng, muốn thực hiện thành công CNH – HĐH thì ngành cơ khí chế tạo máy phải đi trước một bước. Để thành công trong lĩnh vực này, hội tụ đủ những yếu tố nào, để sản xuất được những cỗ máy hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu của các ngành nghề trong xu thế phát triển hôm nay.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tăng Cường – GĐ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chia sẻ: “ Để cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển, theo tôi cần phải có sáu lĩnh vực chúng ta phải đầu tư như: Thiết kế; Chế tạo khuôn mẫu; Đúc; Gia công, cắt gọt; Nhiệt luyện và Lắp ráp. Hiện nay trong sáu lĩnh vực này, Nhà máy của chúng tôi có đủ và với công nghệ hiện đại mà chúng tôi đã đầu tư trong thời gian qua, chúng tôi hoàn toàn có thể làm chủ, chế tạo được những sản phẩm mà có những yêu cầu nghiêm ngặt, mà từ trước đến nay ngành cơ khí Việt Nam còn đang hạn chế. Hiện nay chúng tôi có thể làm chủ được, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, có những yêu cầu tiểu xảo, cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.

 

Đất nước đang xây dựng rất nhiều các công trình lớn, nếu ta không tự chế tạo được các thiết bị, trong đó có ngành điện, sẽ phải mua bằng ngoại tệ và phải phụ thuộc rất nhiều vào các nước có trình độ công nghiệp phát triển.

 

Ngoài ra, nếu chúng ta tiếp tục giao EPC cho những doanh nghiệp và tập đoàn nước ngoài, thì họ chỉ giao lại những phần việc có giá trị gia tăng thấp cho chúng ta làm khoảng 8 - 10%. Có nghĩa là, họ giành lại phần lợi nhuận từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến khâu cung cấp hàng và thuê chúng ta làm nhân công và người lao động Việt Nam vẫn luôn là người đi làm thuê.

 

Mong muốn của cơ khí Việt Nam là nhà nước cần giành và ưu tiên các đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước, mà đầu ra của cơ khí trong nước chính là sự đặt hàng của nhà nước. Nếu không có cơ chế đặt hàng, không có sự hỗ trợ của Chính phủ, thì cơ khí Việt Nam rất khó “cất cánh”.

 

Là người thợ cơ khí lành nghề vươn lên bằng chính sức lực của mình, ông Nguyễn Tăng Cường cũng chia sẻ về ngành cơ khí nước nhà: “Muốn phát triển được ngành cơ khí, phải được các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng hàng nội, mặt khác cần có sự định hướng của Chính phủ, sự phối hợp của nhiều Bộ, Ngành, của các Tổ chức tín dụng”.

 

Những khó khăn, trăn trở của ngành cơ khí Việt Nam suốt thời gian qua, càng làm cho chủ trương về ưu tiên nội địa hóa, phát huy nội lực trong chế tạo thiết bị cơ khí cho các nhà máy thủy điện là đúng đắn, mà công trình thủy điện Sơn La đã chứng minh.

 

Để chủ trương đó đi vào thực tế cuộc sống, phát huy tác dụng thì các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cần nỗ lực trong lao động và sáng tạo, phát minh ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng ngoại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong nước góp phần vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, mà cơ khí Quang Trung là một ví dụ  điển hình cho điều này.

                                                                                                          

Nguyễn Dương - M.Loan