Maritime Bank: Khách hàng không bao giờ chọn ngẫu nhiên

Maritime Bank tự quyết định con đường khẳng định mình chứ không phải tìm một biện pháp đối phó nhất thời. Tôi tin rằng việc đầu tư cho chất lượng dịch vụ sẽ là biện pháp lâu dài khi khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn.

Maritime Bank: Khách hàng không bao giờ chọn ngẫu nhiên - 1
Tổng Giám đốc Trần Anh Tuấn
 
Chưa đầy 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ban hành các quy định về lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng VND gây nên biến động lớn trong công tác huy động vốn của khối ngân hàng. Nhóm G12+1 (gồm Ngân hàng Nhà nước và 12 ngân hàng lớn, chi phối 85% thị phần cả nước) thường xuyên được nhóm họp. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đại diện Maritime Bank – một thành viên nhóm G12 - Tổng Giám đốc Trần Anh Tuấn, ngay sau khi ông tham dự một trong những phiên họp này.
 
Thưa ông, nếu theo quy định thì nhóm G12 sẽ họp hàng quý vậy căn cứ theo tần suất những cuộc họp bất thường gần đây thì có thể nhận định thị trường tiền tệ Việt Nam đang có rất nhiều biến động?
 
Đúng là nhóm G12+1 quy định mỗi quý sẽ họp một lần, nhằm mục đích trao đổi hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan quản lý. Trong trường hợp thị trường biến động phức tạp, nhóm sẽ họp bất cứ lúc nào để xử lý tình hình. Sau hàng loạt chính sách của NHNN đưa ra vừa qua, hiển nhiên có sự xáo trộn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và nhóm G12 họp là để bàn thảo, cùng góp ý về những biện pháp tiếp theo nhằm giúp thị trường tiền tệ ngày càng có diễn biến tốt đẹp hơn.
 
Sau khi NHNN thành lập nhóm G12 gồm 12 ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ bày tỏ lo ngại về việc họ sẽ lép vế, không có tiếng nói và bị thiệt thòi về lợi thế cạnh tranh? Vậy ông nghĩ sao?
 
Nhóm G12 được thành lập với mục đích “đoàn kết tạo nên sức mạnh” vì vậy sẽ không có tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” ở đây. Trái lại, trước bất kỳ một chính sách nào do NHNN đưa ra, nhóm G12 sẽ là những ngân hàng tiên phong, phải thực hiện nghiêm túc để làm gương, không có chuyện lợi dụng vị thế để lách luật.
 
Chính sách siết chặt lãi suất trần cho mọi kỳ hạn tiết kiệm vừa qua đã khiến các ngân hàng nhỏ lao đao trong việc giữ chân khách hàng bởi tình trạng khách hàng chuyển qua gửi tiền tại các ngân hàng lớn vì họ cảm thấy an toàn hơn. Với tư cách một thành viên trong nhóm các ngân hàng lớn, Maritime Bank đối diện với tình trạng này như thế nào?
 
Đúng là khi lãi suất được cào bằng, người dân có tâm lý chuyển vốn nhàn rỗi gửi vào các ngân hàng lớn mà họ cảm thấy đáng tin cậy hơn. Thời gian vừa rồi, huy động vốn của Maritime Bank thực sự cũng có sự xáo trộn: có khách hàng rút tiền chuyển sang “ngân hàng quốc doanh” (thực tế đây là cách gọi theo thói quen và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý vì hiện tại các ngân hàng này cũng đều chuyển đổi mô hình hoặc cổ phần hóa) nhưng lại cũng có những khách hàng rút tiền từ ngân hàng khác để gửi Maritime Bank.
 
Tuy vậy, tôi tin rằng dù là ngân hàng lớn hay nhỏ thì cũng không loại trừ trường hợp huy động bị ảnh hưởng do nhiều khách hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… Như vậy, nếu nhìn toàn cục thì theo tôi việc cào bằng lãi suất vẫn đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh. Tất nhiên các ngân hàng nhỏ hơn sẽ khó khăn vất vả hơn ở giai đoạn này nhưng họ hoàn toàn có thể giành lại lợi thế nếu tìm ra được biện pháp thích hợp để củng cố niềm tin của khách hàng vì khách hàng luôn tìm hiểu rất kỹ khi lựa chọn, không bao giờ chọn ngẫu nhiên một đơn vị để gửi gắm đồng vốn của mình. Xét về lâu dài, khi đường cong lãi suất được tái thiết, nguy cơ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều so với cuộc chạy đua lãi suất trước đây.
 
Với tình hình khó khăn chung mà ông có nhắc tới ở trên, khi tiết kiệm giảm tính hấp dẫn với nhà đầu tư, liệu giới ngân hàng Việt năm nay có bị “mất mùa”?
 
Chuyện khó khăn là thực tế nhưng như chúng ta đều biết, năm qua thị trường bất động sản và chứng khoán cũng đều gặp khó khăn. Vì vậy, dù ở kênh nào, các tổ chức cũng cần đánh giá đúng thực trạng để cân đối nguồn vốn, áp dụng các biện pháp hiệu quả nhất cho đơn vị mình chứ không thể chỉ trông chờ vào động thái chung của thị trường.
 
Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù thế nào thì việc giảm lãi suất cũng là một đối sách cần thiết để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
 
Vậy, hiện tại, Maritime Bank có tự tin vào nội lực của mình?
 
Maritime Bank không lạc quan chủ nghĩa nhưng thực sự rất tự tin. Trước đây, khi NHNN chưa khống chế trần lãi suất, Maritime Bank cũng chưa từng coi lãi suất là thế mạnh nhất của Ngân hàng. Trái lại, chúng tôi đầu tư rất nhiều cho việc mở rộng mạng lưới, thiết kế không gian giao dịch, cải tiến chất lượng dịch vụ và đưa ra những sản phẩm tối ưu cho từng đối tượng đặc thù nhằm mang đến sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Công tác này chúng tôi đã tiến hành từ đầu năm 2010, khởi đầu bằng việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, áp dụng mô hình kinh doanh mới… và hiện tại vẫn đang tiếp tục triển khai. Chúng tôi tin Ngân hàng đang được vận hành đúng hướng.
 
Nói như thế, có thể hiểu Maritime Bank đã có sự chuẩn bị trước cho mình?

Maritime Bank: Khách hàng không bao giờ chọn ngẫu nhiên - 2

Maritime Bank tự quyết định con đường khẳng định mình chứ không phải tìm một biện pháp đối phó nhất thời. Tôi tin rằng việc đầu tư cho chất lượng dịch vụ sẽ là biện pháp lâu dài khi khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ, chúng tôi đã sớm đưa ra chính sách giao dịch tại nhà đối với các khách hàng tại miền Trung trong mùa mưa lũ. Khi mà điều kiện đi lại khó khăn do thời tiết, chắc hẳn các khách hàng sẽ rất hài lòng với việc giao dịch không bị gián đoạn. Hoặc việc các giao dịch tại Maritime Bank ngày càng được đơn giản hóa, cắt bỏ những khâu thủ tục rườm rà cũng sẽ khiến những khách hàng bận rộn thoải mái hơn. Trên thực tế, chúng tôi quan tâm rất nhiều tới từng tiểu tiết như vậy và việc đó đã nhận được phản hồi tốt từ 98% khách hàng mà chúng tôi khảo sát.
 
Ông có nhận định gì về tình hình thị trường tiền tệ trong thời gian tới?

Tôi tin là tình trạng khó khăn sẽ sớm được cải thiện khi các tổ chức tín dụng đều tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Tất nhiên, thị trường cũng có quy luật đào thải và chúng ta đều cần cố gắng. Hiện nay NHNN cũng đã tính đến phương án tiếp tục bơm tiền trên thị trường mở (OMO), hỗ trợ trực tiếp thanh khoản cho ngân hàng bằng biện pháp tái cấp vốn.