Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên: Lợi ích cho cả hai phía

Chương trình còn là cơ hội để nhà tuyển dụng tiếp xúc với những ứng viên tiềm năng còn ngồi trên ghế nhà trường, nói ra những yêu cầu tuyển dụng, mong muốn của họ, đồng thời cập nhật cho các sinh viên những kiến thức mới nhất về kĩ năng phỏng vấn xin việc làm.

Mới lạ, thiết thực, và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đây là những ý kiến đánh giá của đại bộ phận những doanh nhân và các nhà quản lý khi tham gia giảng dạy và truyền kinh nghiệm cho các sinh viên trong giai đoạn đầu của chương trình “1000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho cho thanh niên qua e-Learning” được phối hợp thực hiện bởi Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Cổng tri thức Thánh Gióng, và Chương trình đạo tạo cử nhân trực tuyến TOPICA.

Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên: Lợi ích cho cả hai phía - 1

Tính từ Giai đoạn thí điểm (3-6/2009) đến hết Giai đoạn 1 (7-10/2009, đã có tổng số 105 doanh nhân gồm các giám đốc, cán bộ quản lý cấp phòng ban, các chuyên viên của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và hơn 2.000 sinh viên từ các trường Trường ĐH Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, và các học viên chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA tham gia.
 
Kết quả này gấp hơn 2 lần tiến độ dự kiến ban đầu là 50 doanh nhân và 600 học viên tham gia, một bước khởi đầu đầy triển vọng đối với những người tham gia xây dựng và phát triển chương trình.

“Thay vì lên tiếng kêu ca về nguồn nhân lực chất lượng thấp, các doanh nhân đã cùng vào cuộc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước”, TS Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN, đã phát biểu trong Lễ sơ kết giai đoạn 1 và công bố nhân rộng chương trình “1000 Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua e-learning”.

Được truyền đạt lại những kinh nghiệm, kiến thức mà mình đã phải gian nan đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt cho thế hệ trẻ nhằm giúp cho họ tránh tránh được những va vấp, hạn chế được những sai lầm, gian nan khi bước chân vào đời lập nghiệp, và có thể rút ngắn con đường đến với thành công luôn là nhu cầu, nguyện vọng của những doanh nhân tâm huyết. Chính vì vậy mà các doanh nhân, các nhà quản lý rất hào hứng khi tham gia chương trình.

“Trước khi gặp gỡ sinh viên để giảng buổi đầu tiên, tôi mường tượng đây sẽ là một buổi dạy theo phương pháp truyền thống, giảng viên nói và học viên ngồi nghe thụ động, nhưng khi tham gia, tôi thấy bất ngờ bởi tính giao lưu, tương tác của buổi giảng, trong đó giảng viên truyền cho sinh viên những kiến thức kinh nghiệm, sinh viên đặt câu hỏi cho giảng viên, và sau đó cùng thảo luận. Tôi cũng bất ngờ trước sự năng động và nhiệt tình của thế hể sinh viên hiện đại, thể hiện rõ rệt nhất qua kĩ năng thuyết trình và làm việc nhóm. Các bạn đã thực sự sự năng động và chủ động hơn thế hệ sinh viên chúng tôi trước đây rất nhiều”, chị Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên viên Nhân sự tuyển dụng và Đào tạo công ty Cổ phần Phần mềm Việt Quốc tế, tâm sự sau buổi giảng về kĩ năng Phỏng vấn xin việc cho sinh viên khoa Tiếng Trung của ĐHSP Ngoại ngữ.

“Chương trình còn là cơ hội để nhà tuyển dụng tiếp xúc với những ứng viên tiềm năng còn ngồi trên ghế nhà trường, nói ra những yêu cầu tuyển dụng, mong muốn của họ, đồng thời cập nhật cho các sinh viên những kiến thức mới nhất về kĩ năng phỏng vấn xin việc làm. Đây là chương trình thiết thực cho cả sinh viên lẫn doanh nhân tham gia. Nó để lại cho tôi ấn tượng rất tốt đẹp”, chị nói thêm.

Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên: Lợi ích cho cả hai phía - 2

Ông Đào Trọng Khang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty DTK Consulting, một giảng viên của chương trình cũng có chia sẻ: "Chúng tôi có dịp hoàn thiện mình hơn trong giao tiếp, trong các kỹ năng trình bày, lắng nghe, xử lý tình huống đột xuất. Cá nhân tôi đã có cơ hội giao lưu, chia sẻ với các đồng nghiệp là giảng viên cũng như nhiều doanh nhân khác tham gia chương trình, mở rộng các mối quan hệ xã hội của mình".
 
Tuy nhiên, để thực hiện được thành công chương trình theo đúng mục tiêu đề ra ban đầu và nâng cao tính ứng dụng thực tế, chương trình cần kết hợp sắp xếp các doanh nhân (các nhà tuyển dụng tiềm năng) giao lưu và giảng dạy cho các sinh viên (những ứng viên tiềm năng) thuộc nghành đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng chính của họ.
 
Đồng thời chương trình cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giới thiệu chương trình đến với số lượng đông đảo hơn nữa các bạn trẻ nhằm làm tăng tính hiệu quả của thời gian, công sức, và tâm huyết bỏ ra của mỗi doanh nhân, như đóng ghóp của chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ phụ Trách tuyển dụng và Đào tạo của công ty Bảo hiểm AIA.

Dự kiến, Giai đoạn 2 (10-12/2009) của chương trình sẽ được nhân rộng ra toàn quốc với mục tiêu là 200 doanh nhân (tăng gấp đôi kế hoạch ban đầu là 100 doanh nhân) và 5.000 sinh viên. Giai đoạn 3 (2010-2011) dự kiến tiếp tục triển khai nhân rộng và đạt mục tiêu 1000 doanh nhân, 20.000-30.000 sinh viên tham gia.