Doanh nghiệp Việt: Cần chủ động hội nhập và hợp tác đầu tư

Đó là chia sẻ của doanh nhân Việt Nam tiêu biểu Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Chủ tịch Công ty TNHH Phân bón Quốc tế Năm Sao Campuchia về kinh nghiệm khi đầu tư ra thị trường nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS). Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng.


Ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao

Ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao

- Thưa ông, chủ đề của VBS năm nay là "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy". Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác đầu tư và hội nhập quốc tế của các doanh nghiêp Việt Nam?

Với nội dung chủ yếu của VBS là bàn về cơ hội kinh doanh, thì đây là dịp để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và phát triển ngành, tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đã tạo thêm sự vững tin cho các doanh nghiệp chúng tôi để chủ động kết nối đầu tư và hội nhập quốc tế. Đó là sẽ mang đến tầm nhìn chân thực, toàn diện về nền kinh tế, các chính sách phát triển của Việt Nam đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối về đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam - một quốc gia nhiều tiềm năng phát triển to lớn, đang cải cách và mở cửa mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, trên tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam hòa mình vào dòng chảy chung toàn cầu, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA khác, trong đó có 18 nền kinh tế APEC. Trên cương vị Chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam cùng các thành viên tăng cường hợp tác, nỗ lực hành động để APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu – đây chính là cơ hội mở cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Lời khẳng định của Thủ tướng về việc quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân… là động lực quan trọng, là kim chỉ nam để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ, chủ động kết nối đầu tư và hội nhập quốc tế hơn nữa trong thời gian tới.

- Thưa ông, trên thực tế nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, phải xây dựng được thương hiệu lớn, vững chắc rồi mới tính tới chuyện vươn ra “biển lớn”. Ý kiến của ông thế nào?

Quan điểm đó không sai, tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần phải mạnh dạn đi những con đường mà người khác chưa đi, làm những điều mà người khác chưa dám làm thì chúng ta mới có thể thành công được.

Thực tế, Năm Sao đã có ý định và tìm cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài từ rất sớm, nhưng phải tới năm 2009, điều đó mới thành hiện thực khi tập đoàn Quốc tế Năm Sao vinh dự được Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia tin tưởng, giao cho nhiệm vụ triển khai xây dựng Nhà máy Sản xuất Phân bón NPK và Hữu cơ vi sinh Năm Sao Campuchia tại xã Somrongthom, huyện Kiên svay, tỉnh Kadal, Vương quốc Campuchia trên diện tích 12ha. Nhà máy có công suất 350 ngàn tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất Phân bón NPK và phân bón Hữu cơ vi sinh có quy mô lớn nhất tại Campuchia và có trang thiết bị hiện đại nhất các nước Đông Nam Á. Trong những năm qua, thương hiệu Phân bón Năm Sao đã được người nông dân Campuchia và nhiều nước tin dùng, đạt năng suất cao.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên mặc định suy nghĩ chờ công ty lớn mạnh rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài, vì sự chần chừ đồng nghĩa với đánh mất nhiều cơ hội. Thị trường trong nước rồi cũng sẽ tới thời điểm bão hòa, do vậy, thị trường nước ngoài mới là sân chơi lớn cho những doanh nghiệp muốn phát triển mạnh. Bên cạnh đó, khi đi ra bên ngoài, việc phải cạnh tranh với những “ông lớn” của thế giới sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều.

- Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, ông có những lưu ý gì cho các doanh nghiệp đang muốn vươn ra “biển lớn”?

Khi đầu tư ra nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam mà còn phải tuân thủ cả pháp luật của nước sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt các kiến thức về luật trước khi đầu tư ra nước ngoài. Việc tìm hiểu này sẽ giúp chúng ta tránh được những tranh chấp, kiện tụng với doanh nghiệp bản địa. Một số thị trường đặc thù như Lào, Campuchia… đã ban hành nhiều quy định có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào về chính sách của các nước sở tại… vẫn sẽ là những khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về đặc tính thị trường, thị hiếu khách hàng của các nước muốn đầu tư. Chúng ta có thể trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu hoặc nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán, doanh nghiệp gốc Việt Nam tại nước sở tại.

Và một yếu tố hết sức quan trọng, đó là vấn đề bất đồng về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa. Đây là vấn đề lớn và cấp thiết nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại nước ngoài. Với mặt bằng trình độ lao động chênh lệch giữa đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp và nguồn lao động phức hợp sở tại, rất nhiều vướng mắc sẽ xảy ra gây khó khăn lớn cho công tác quản lí và quá trình triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech HunSen và ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao ấn nút khởi công Nhà máy phân bón Quốc tế Năm Sao Campuchia tháng 12/2009.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech HunSen và ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao ấn nút khởi công Nhà máy phân bón Quốc tế Năm Sao Campuchia tháng 12/2009.

- Vậy doanh nghiệp cần những hỗ trợ, kết nối gì để đầu tư ra nước ngoài và hội nhập quốc tế thành công? Tầm quan trọng của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập như thế nào, thưa ông ?

Như chúng ta đã thấy, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam lần này là cơ hội chắp mối cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với những đối tác tiềm năng từ các nền kinh tế APEC và thế giới. Khi những người khổng lồ của thế giới đã đến đây, nghĩa là chúng ta cũng có cơ hội cho những dự án khổng lồ.

Ngược lại, khi vươn ra thị trường nước ngoài, chúng ta không còn tận dụng được lợi thế “sân nhà”, thì các doanh nghiệp lại cần sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng hành; các hiệp hội doanh nghiệp, sứ quán Việt Nam tại các nước với những sự tư vấn, kết nối...

Thực tế tại Campuchia, kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Nhà máy phân bón Quốc tế Năm Sao Campuchia năm 2009, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên, đánh giá cao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; khuyến khích tiếp tục đầu tư công nghệ, nhân lực, tài chính… để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Có được những kết quả đó khi đầu tư ra nước ngoài, không thể không kể đến sức mạnh liên kết doanh nghiệp và sự hậu thuẫn từ Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành...


​Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech HunSen trao tặngông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Saohuân chương công trạng Mô-Ha-Sê-Rây-Wat

​Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech HunSen trao tặngông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Saohuân chương công trạng Mô-Ha-Sê-Rây-Wat

Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tốt từ Hiệp hội các nhà đầu tư sang Campuchia (AVIC) thông qua các hoạt động: tư vấn, cung cấp thông tin; xin cấp phép, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn, tổ chức sự kiện, kết nối các DN với các Bộ ngành và công tác hậu cần... Thời gian qua AVIC đã đưa ra một số đề xuất với Chính phủ hai nước, cụ thể: Đề xuất xây dựng chiến lược hợp tác dài hạn gắn với chiến lược đầu tư; hướng dẫn triển khai Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư; Thống nhất về thủ tục hải quan giữa hai nước; Nghiên cứu biện pháp quản lý, phát triển giao thương qua đường tiểu ngạch giữa hai nước; Tổ chức các hội chợ triển lãm hàng hóa; Đẩy mạnh hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng; Chỉ đạo các ngân hàng Việt Nam xem xét mở chi nhánh tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan...

Tuy nhiên, kể cả khi chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp cũng luôn cần sự chủ động. Những doanh nghiệp tiên phong khai phá thị trường sẽ gặp nhiều khó khan, tuy vậy nhờ những doanh nghiệp tiên phong khai phá thị trường này sẽ góp phần hình thành thực tiễn, giúp những nhà hoạch định chính sách hình dung, cảm nhận được hướng đi đúng, góp phần xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế chính sách phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn./.

- Xin cảm ơn ông.

An Huy thực hiện