Biến động giá nhân công, doanh nghiệp lao đao

Ngày 20/3/2015, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BXD về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó tập trung hướng dẫn xác định đơn giá nhân công, có hiệu lực từ 15/5/2015. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện Thông tư nhiều doanh nghiệp đã không tuyển được nhân công gây khó khăn cho tiến độ triển khai dự án.

Theo thông tư hướng dẫn cách tính mới có rất nhiều điểm thay đổi so với việc tính đơn giá nhân công theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP cũ như: Quy định lại một cách tính chung mức lương đầu vào (LNC) theo 4 vùng khá thấp so với Nghị định 103/2014/NĐ-CP. Ví dụ: Vùng I chỉ có 2.350.000đ thay vì 3.100.000đ; không được tính thêm các phụ cấp như: Lưu động, không ổn định sản xuất, lương phụ nghỉ lễ, tết, phép, chi phí khoán trực tiếp lao động, khu vực v.v... vì trong mức lương đầu vào (LNC) đã có các phụ cấp này rồi; hệ số lương bị giảm đi do gần như các loại nhân công được đưa về nhóm I gồm: Mộc, nề, sắt, bê tông, cốp pha, hoàn thiện, đào đất, đắp đất; khảo sát xây dựng (bao gồm cả đo đạc xây dựng); vận hành các loại máy xây dựng (máy làm đất, máy đầm, máy nâng hạ, máy khoan, máy đóng ép cọc, máy bơm, máy hàn...)…

Kể cả thợ lái máy, nhân công thi công trong ngành giao thông, thủy lợi, điện nước đều bị chuyển về nhóm I. Lương công nhân xây dựng nhóm II là các công tác khác không thuộc nhóm I. Thế nhưng, theo Thông tư mới thì hệ số lương nhóm II tăng lên nhưng không biết dùng vào đâu?

Đặc biệt, với cách tính theo chính sách mới đã tác động lớn đến sự biến động giá nhân công của các tỉnh miền núi có công trình trên địa bàn vùng sâu, vùng xa.

 

Biến động giá nhân công, doanh nghiệp lao đao - 1

(Ảnh minh hoạ).

 

Ông Lê Hữu Định, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Ngay sau khi Thông tư 01 của Bộ Xây dựng được ban hành, Hội đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về khó khăn của doanh nghiệp trong việc tuyển nhân công khi áp dụng Thông tư mới bày. Sau đó, Hội đã lập đoàn khảo sắt mặt bằng lương của các tỉnh và nhận thấy mức lương đầu vào trong xác định đơn giá nhân công theo Thông tư chưa được phù hợp với mặt bằng thu nhập và tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng quan điểm với ông Định, bà Vũ Thị Bắc (ngành xây dựng tỉnh Sơn La) phản ánh: Theo hướng dẫn tại Phụ lục 2, Bảng số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 của Bộ Xây dựng, cấp bậc, hệ số lương công nhân xây dựng thuộc nhóm I gồm: Mộc, lề, sắt, bê tông, cốp pha, hoàn thiện, đào đất, đắp đất; khảo sát xây dựng (bao gồm cả đo đạc xây dựng); vận hành các loại máy xây dựng (máy làm đất, máy đầm, máy nâng hạ, máy khoan, máy đóng ép cọc, máy bơm, máy hàn...); lương công nhân xây dựng nhóm II là các công tác khác không thuộc nhóm I.

Theo nội dung trên thì một số công tác thuộc công trình giao thông không nằm trong lương công nhân nhóm I (đào đắp đá, cát, phát rừng, thi công móng, mặt đường, vận chuyển tiếp đất, đá (sử dụng ô tô), các công tác khoan, xây lát công trình cầu, cống ...). Tuy nhiên, vận hành các loại máy xây dựng của các công tác này lại thuộc nhóm I. Như vậy, đối với công trình giao thông sẽ có hai nhóm cấp bậc, hệ số lương và trong cùng một đơn giá cũng sẽ có hai nhóm lương.

Bà Bắc hỏi, lương công nhân xây dựng công trình giao thông thuộc nhóm II hay bao gồm cả nhóm I và nhóm II? Nếu lương công nhân xây dựng công trình giao thông thuộc nhóm II, thì công nhân vận hành máy xây dựng công trình giao thông có thuộc nhóm II không?

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Trí, Bà Trần Thị Đẹp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tình An Giang cho biết, nếu áp dụng cách tính lương theo Thông tư 01/2015/TT-BXD thì trung bình lương của người lao động giảm từ 11 – 24% so với mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP.  Bà Đẹp lấy ví dụ, An Giang là tỉnh thuộc vùng 4, tính theo công thức của Thông tư cũ thì mức lương tối thiểu ngày công của thợ bậc 3/7 là 178.615 đồng/ngày công, mức lương này chưa bao gồm các khoản phụ cấp. Thế nhưng khi tính theo công thức của Thông tư mới thì giảm xuống còn 157.846 đồng/ngày công đã bao gồm các khoản phụ cấp.

Mặt khác, Thông tư 01/2015/TT-BXD đã bỏ nhân công nhóm 3, do đó nhân công nhóm 2 chưa phản ánh hết được mức độ khó khăn trong thi công những công trình đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng cao như thi công cầu, trạm biến áp, công trình viễn thông…

Số ngày công theo định mức là 26 ngày công, do hiện tại trong lĩnh vực XDCB chủ yếu là XD cơ sở hạ tầng nên phụ thuộc tầng rất nhiều vào yếu tố giải phóng mặt bằng và yếu tố thời tiết nên ngày công thực tế chỉ đạt từ 18 - 20 ngày công.

Trong khi chờ đợi sự hướng dẫn và tháo gỡ của cơ quan chức năng, các DN đã đồng loạt phản ánh hiện trạng với tổ chức hội nghề nghiệp của mình. Trong văn bản kiến nghị gửi về Bộ Xây dựng mới đây, ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) phân tích:

Những năm vừa qua doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chịu sự tác động tiêu cực của suy thoái nền kinh tế nói chung và của thị trường bất động sản nói riêng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong ngành tiềm ẩn những rủi ro như vay nợ ngân hàng lớn, quá hạn, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm, nợ thuế.

Một số đơn vị khi xây dựng xong công trình nhưng chưa có nguồn để thanh toán... dẫn đến tình trạng đứng bên bờ phá sản, nay chịu tác động của Thông tư 01/2015/TT-BXD doanh nghiệp càng khó khăn do không thuê được nhân công giá thấp doanh nghiệp phải bỏ kinh phí trả lương nhân công. Hơn nữa với mức lương thấp doanh nghiệp không thể tuyển được lao động.

Về cơ bản, đa số các ý kiến đồng tình với phương pháp tính giá nhân công mới đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, DN kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh mức giá cho phù hợp với thực tiễn ở những địa phương có công trình đặc thù, đặc biệt là doanh nghiệp và chính quyền một số tỉnh miền núi đang thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ.