Ý tưởng về cải cách giáo dục phổ thông

(Dân trí) - Trong tình hình xã hội có nhiều rối rắm về chuẩn mực và giá trị sống, thì giáo dục càng được bàn đến nhiều hơn. Rất nhiều quan điểm và ý kiến của các chuyên gia cũng như mọi tầng lớp trong xã hội hiến kế nên làm gì?

Nhận định về thực trạng

Nếu hô hào cải cách nhưng chưa biết cải cách cái gì, chưa có tư tưởng chỉ đạo, chưa có ý tưởng xuyên suốt, chưa biết được đâu là điểm yếu nhất mà giáo dục đang mắc phải thì sẽ chẳng thể có giải pháp tốt được. Tôi có lý do để nói điều đó là bởi giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói sẽ không thể tin đội ngũ đã từng làm cải cách. Theo tôi thấy, câu nói trên của giáo sư Hồ Ngọc Đại là khá đủ để bắt bệnh của ngành giáo dục. Là một giảng viên một trường đại học sư phạm, tôi cũng có quan điểm cá nhân của mình và mong được giãi bày tâm tư cùng bạn đọc.

Đã từ lâu rồi, ngành giáo dục luôn chậm trễ trong bối cảnh hội nhập, một loạt các nội dung thay đổi

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

cho định hướng giáo dục dường như không phải là đào tạo con người mà là tạo ra rô - bốt. Sản phẩm giáo dục hiện tại có bộ óc linh hoạt nhưng lại tích tụ rất ít các giá trị văn hóa và tinh thần lành mạnh. Trong khi đó, như Bác Hồ đã nói: “…người có tài mà không có đức thì là người vô dụng” và “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Bắt đầu từ mầm non, trẻ được học nhiều thứ, càng nhiều càng tốt thì phải, nên năm cuối trước khi vào lớp 1, các cháu được dạy viết. Sẽ không có gì đáng bàn nếu các cô giáo mần non được đào tạo như giáo viên tiểu học (kỹ năng viết và dạy viết) để các cháu không ngồi sai, cầm bút sai…, nhưng vì trường tiểu học tuyển sinh các cháu biết đọc và viết, nên cũng hợp với nhu cầu! Cấp tiểu học thay vì dạy trẻ cách chơi để lĩnh hội tri thức, dạy kỹ năng sống, dạy biết yêu và ghét, thì lại nhồi toán và tiếng Việt (môn chính). Thậm chí quên cả thể dục – sức khỏe, quên nghệ thuật – cái đẹp, quên cả chơi – sáng tạo... Các em vùi đầu vào trả bài tập về nhà đến nửa đêm, chưa kể các buổi học thêm do quy định hoặc do chính bố mẹ làm khổ con mình. Các tiêu chí dạy học hướng đến sự chuyển giao cái đã rồi, không có tính khích lệ tư duy khoa học, dạy lý thuyết suông.

Cấp Trung học cơ sở là thời điểm bắt đầu cho các em triển khai quy trình nắm bắt các kỹ năng thực hành sống và tư duy khoa học có chứng lý thì lại bị dạy chay, học chay. Thay vì công bố một phát minh khoa học này là của ai, các nước tiên tiến tổ chức cho trẻ cách để tiếp cận lý thuyết và thực hành về nó nên trẻ nhớ lâu và tìm thấy sự hứng thú vì như cùng được tham gia làm khoa học. Trẻ em của mình chỉ biết học thuộc, không được tham gia làm khoa học cùng giáo viên. Khi trẻ Việt Nam đi du học đều tự hào là học giỏi các môn khoa học hơn bạn bè (vì chúng được nhồi rất nhiều), xong lại thiếu hẳn tư duy khoa học và quan niệm sống. Hoặc nói cách khác là giáo viên của ta yếu, không có khả năng làm khoa học vì họ là sản phẩm đào tạo trên nền tảng lý thuyết suông. Hoặc là do chương trình đào tạo con người của ta là sai lầm. Tôi nhớ khi con tôi học kỹ thuật trồng khoai lang, tôi không hiểu ai nghĩ ra kiến thức trong sách, nhưng là con nhà nông thật sự, tôi biết nó không đúng. May là con tôi còn có bố - nông dân, chứ các bạn trong lớp vì ở phố nên không biết gì, có lẽ cô cũng không biết!

Ý tưởng về cải cách giáo dục phổ thông - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Bậc trung học phổ thông là một giai đoạn định hướng nghề nghiệp để có lao động chất lượng cao lại có vẻ gần như là “kỳ ôn thi đại học” kéo dài với hàng loạt các cuộc chạy nước rút để đến cổng trường đại học, mặc dù không phải tất cả các em học sinh cấp học này đều có thể trở thành nhà khoa học. Vì vậy trường đại học cũng lại đào tạo ra một lớp người có bản năng linh hoạt cao, nếu làm thầy thì đã cơ bản xong, còn làm thợ thì tiếp tục phải học kỹ năng thực hành. Cuối cùng làm thầy hóa ra lại dễ hơn làm thợ vì cầm bằng đại học là oai lắm rồi, đủ tư cách dự thi công chức. Nhưng làm thợ mà chưa từng thực hành thì không ai cho làm cả (trăm nghe không bằng một thấy là vậy).

Các phong trào thi đua trong ngành giáo dục biến tướng thành cuộc đua thành tích ảo, chỉ có báo cáo là hay còn thực tế thì không được như vậy. vì thế mà các trường đều có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhưng lại có học sinh lớp 7 không biết chữ (như báo chí đã đưa) suy cho cùng cũng là vì ham thành tích. Tôi nói những điều này có thể người đọc sẽ khó chịu vì có vẻ thiếu tính xây dựng, nhưng tôi nghĩ là đa số những nhà khoa học giáo dục hiện nay đều hiểu tôi nói không sai.

Thử tìm câu trả lời về giải pháp

Trước hết hãy xác định rõ mục tiêu của các cấp học, cố gắng tránh sự nhồi nhét kiến thức vì dù có nhồi thì cũng không thể hết được vốn tri thức của nhân loại. Hơn nữa con người cần có kỹ năng để sống trước, sau đó mới nói đến các vấn đề khác. Dù sao con người cũng cần phát triển toàn diện, và chắc chắn không phải ai cũng sẽ trở thành nhà khoa học hay kỹ sư, giáo viên được. Nên chăng có thể đặt mục tiêu là:

Phải có kỹ năng tồn tại: bao gồm những cách để sống an toàn như, biết bơi để rèn luyện sức khỏe dẻo dai và tránh chết đuối khi sa xuống nước, biết luật để tham gia giao thông đúng cách, biết chơi để thư giãn tinh thần, biết sáng tạo linh hoạt, biết chung sống, tránh sai lệch về nhân cách, biết những kỹ năng thông thường trong cuộc sống (biết cách dùng lửa, điện, bỏ trò chơi bạo lực…).

Phải có đạo đức: Biết tôn trọng người khác, bao gồm các hành vi đạo đức, yêu ghét rõ ràng, phân biệt được tốt xấu. Các hệ thống tri thức dạng này không thể dạy theo kiểu sách vở mà cần sự phối hợp của cả xã hội. Trong đó có thể chú trọng vào sự công bằng, không cần nêu gương tốt xấu mà cần phân tích về hành vi để trẻ tự nhận thức. Tránh những biểu hiện thi đua bị biến tướng trong học đường.

Phải dạy phương pháp tư duy: Có phương pháp lĩnh hội tri thức của nhân loại (khác với việc tiếp thu thụ động) bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đây là vấn đề lớn trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Từ lâu đã nói nhiều đến cách dạy và cách học nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu.

Khả năng liên kết và hòa nhập: Có trách nhiệm cộng đồng, có khả năng liên kết nhóm. Đây là vấn đề yếu nhất của giáo dục Việt Nam. Trong xã hội ngày nay rất cần con người biết hợp tác và có trách nhiệm chung.

Phát triển thể lực: Được vui chơi đúng cách và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi để phát triển trí lực và thể lực. Vấn đề này bao gồm thời gian vui chơi, cách chơi để học, môi trường và không gian, rèn luyện sự phát triển cân bằng trí lực và thể lực.

Được học đầy đủ các lĩnh vực khoa học phổ thông một cách cân bằng: những kiến thức cơ bản, phổ biến và thiết thực nhất. Đây có lẽ là một việc khó nhất cho các nhà khoa học. Các kiến thức cho người học cần trang bị một cách cân bằng và phù hợp với môi trường sống hiện tại và tương lai. Tránh xa sự vô ích trong giáo dục của hàng loạt kiến thức phải học nhưng cả đời chẳng bao giờ dùng đến vì sự lỗi thời hoặc không thiết thực.

Được quyền chọn lựa các môn học, ngành học phù hợp trong chương trình giáo dục phổ thông trước khi vào học chuyên nghiệp.

Tôi mong là sau lần này, các thầy cô giáo thể dục được cho trẻ bơi dưới hồ nước để có kỹ năng sinh tồn. Học sinh phổ thông được học cân bằng chứ không phải là toán, văn, ngoại ngữ.. (môn chính) và thể dục, nhạc, họa, thủ công… (môn phụ) như đang định danh. Nếu một đứa trẻ không có khả năng tư duy về con số thì không nhất thiết phải học toán (khoa học về toán học dành cho các ngành liên quan) cao như của cấp THPT bây giờ, thay vào đó em có thể học văn vì có tư duy ngôn ngữ tốt. Nếu trẻ có tư duy hình tượng tốt thì có thể học vẽ, tư duy nhạy cảm về âm thanh thì học nhạc… Khoa học về giáo dục là dạy cho học sinh cái mà các em cần (chứ không phải là cái mình biết), cớ sao lại để trẻ bị học quá tải vì những thứ vô bổ. Tất nhiên những em không có khả năng tư duy khoa học thì sẽ vẫn được học phổ thông để (sống được) với những kiến thức phổ thông hữu ích cho một lĩnh vực lao động phổ thông phù hợp sau này. Giáo dục phổ thông sẽ đủ để bất cứ ai đã được công nhận học qua đều có thể sử dụng những thứ đã được học, đủ cho chính cuộc sống của mình. Theo tôi, đó có thể là mục tiêu ngắn gọn và dễ hiểu nhất.

Th.S Phạm Văn Tuyến

Phó trưởng Khoa Nghệ thuật ĐHSP HN

LTS Dân trí - Đã nhiều lần chúng ta thực hiện cải cách giáo dục nhưng kết quả mang lại không phải là những thế hệ học sinh-sinh viên năng động, sáng tạo và có nền tảng văn hóa cần thiết cũng như có kỹ năng sống, mà hầu như đó là những con người thụ động, quen với cách học lý thuyết suông, xa rời thực tế và không biết vận dụng sáng tạo những kiến thức được học.

Tác giả bài viết trên đây nêu những nhận định khá chuẩn xác về những mặt lệch lạc, yếu kém của nền giáo dục hiện nay. Đó là việc xác định mục tiêu các cấp học không đúng với xu thế phát triển cũng như yêu cầu thiết thân của người học. Từ đó dẫn tới sự lệch lạc, phiến diện trong thiết kế nội dung chương trình (thừa những điều vô bổ và thiếu những điều cần thiét cho cuộc sống), cũng như cách dạy và cách học nhồi nhét, không coi trọng thực hành và cách học có suy luận, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.

Trên cơ sở đánh giá về hiện trạng giáo dục, tác giả đã đề xuất những giải pháp có ý nghĩa cơ bản và thiết thực nhằm góp phần đưa nền giáo dục phát triển đúng quỹ đạo cần thiết. Mong rằng ý kiến đóng góp này được các nhà lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô xem xét và vận dụng những điều được coi là đúng và sát thực tế.